Bộ sửa thông tư, nên bỏ yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp

21/06/2020 05:55
Phan Tuyết
GDVN- Chúng tôi thấy thật sự không cần thiết khi các thầy cô đã có bằng đại học sư phạm, đã đứng lớp giảng dạy nhiều năm lại phải cần thêm một tờ giấy chứng chỉ như thế

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các cấp ở hệ công lập để xin ý kiến rộng rãi.

Nhiều trung tâm liên kết với các trường đại học mở các lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp một cách vô tội vạ (Ảnh: Vũ Ninh)

Nhiều trung tâm liên kết với các trường đại học mở các lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp một cách vô tội vạ (Ảnh: Vũ Ninh)

Ở các Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cả 4 cấp đều yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của các hạng.

Thế nên chúng tôi xin đề nghị được bỏ yêu cầu này.

Vì sao nên bỏ yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của các hạng?

Thông tư số 12/2012/TT-BNV định nghĩa: Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp; được sử dụng làm căn cứ để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. [1]

Với nghề giáo, Chức danh nghề nghiệp thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy.

Điều này, đã được thể hiện rõ trong các văn bằng đại học sư phạm (hoặc chứng chỉ sư phạm cho giáo viên tốt nghiệp đại học ngoài sư phạm) đã có theo yêu cầu và hiệu quả công tác hàng năm được thể hiện trong các đánh giá của tổ chuyên môn, của nhà trường.

Nay, yêu cầu tất cả giáo viên phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp liệu có phù hợp không?

Nội dung học chứng chỉ bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp đều đã được học trong các trường sư phạm

Cụ thể, khi tham gia học các lớp lấy chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhà giáo sẽ được học 3 nội dung chính:

Phần 1. Kiến thức về chính trị, về quản lý Nhà nước và những kiến thức chung có 4 chuyên đề:

Phần 2. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp:

Phần 3. Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch, gồm các nội dungTìm hiểu thực tế; Hướng dẫn viết thu hoạch; Viết thu hoạch.

Những nội dung được bồi dưỡng vẫn chỉ là những kiến thức mà giáo viên đã được học trong trường sư phạm và nhiều lớp tập huấn trong quá trình giảng dạy ngoài thực tế.

Nội dung học không mới nên một số người thắc mắc, đi dạy bao năm sao vẫn cần cái chứng chỉ mà chỉ học vài ba ngày?.

Sự phi lý này không chỉ tồn tại với giáo viên khối phổ thông, mà ngay cả giảng viên đại học cũng cần "giấy phép con" mang tên "chứng chỉ sư phạm".

Vừa qua, một vị giáo sư ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, đã dạy đại học và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp.

Thế mà hiện nay, ông vẫn phải buộc đi học chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm [1], liệu có hợp lý không?

Giáo viên mất tiền oan cho những cái chứng chỉ vô bổ

Hiện các địa phương trong cả nước đã và đang liên kết với nhiều trường đại học mở lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức năng nghề nghiệp cho giáo viên kể cả những thầy cô giáo dạy lâu năm với số tiền không hề nhỏ.

Nhiều giáo viên cho biết, cái chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp lấy về chỉ có tác dụng kẹp hồ sơ nhưng có được nó thì phải mất một khoản tiền không hề nhỏ. Có thầy cô phải bỏ ra số tiền gần cả tháng lương để đổi về tờ chứng chỉ vô hồn.

Điển hình như tại tỉnh Vĩnh Phúc, phóng viên Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều giáo viên: Trong nhiều năm qua vẫn đang tồn tại tình trạng chỉ cần đóng học phí, không cần học, không cần ôn thi. Sau một hôm là được đưa đi thi chứng chỉ, cam kết thi đỗ. [3]

Quy định về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trước đây đã gây biết bao bức xúc cho nhà giáo.

Vì thế, Thông tư sửa đổi lần này, chúng tôi hy vọng sẽ xóa bỏ quy định, giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Điều này, sẽ giải phóng cho sự lo lắng của nhiều thầy cô giáo hiện nay.

Đồng thời giúp họ không mất oan một khoản tiền chỉ đi đăng ký, nộp tiền là sẽ đỗ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-12-2012-TT-BNV-chuc-danh-nghe-nghiep-va-thay-doi-chuc-danh-nghe-nghiep-163515.aspx

[2]https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/muon-hanh-nghe-giang-vien-thi-giao-su-phai-hoc-chung-chi-nghiep-vu-su-pham-6671.html

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-thay-co-duoc-hoc-nhung-gi-post204420.gd

http://caodangsuphamhanoi.com/d4/news/TS-Giao-Su-len-tieng-ve-giao-su-cung-phai-di-hoc-chung-chi-nghiep-vu-su-pham-9-2221.aspx

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ben-trong-cac-lop-hoc-thang-hang-vat-tien-thay-co-post199633.gd

Phan Tuyết