Câu chuyện giáo viên thăng hạng hoặc giữ hạng buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang làm nhiều thầy cô giáo chúng tôi lo lắng, bất an.
Chất lượng giảng dạy được nâng lên không phụ thuộc vào việc giáo viên có đủ các chứng chỉ hay không?(Ảnh minh họa VOV) |
Nỗi lo của nhiều nhà giáo
Lo là làm sao phải có được cái chứng chỉ trong tay để khỏi bị cơ quan quản lý lao động hù dọa, làm khó.
Muốn có chứng chỉ trong tay lại phải có tiền.
Nên lo lấy tiền đâu ra để nộp? Đây chính là nỗi lo lớn nhất của nhiều nhà giáo lúc này.
Lương tháng một giáo viên mới ra trường chưa tới 3 triệu đồng, một người dạy hàng chục năm mới hơn 4 triệu đồng/tháng.
Nếu bỏ tiền ra đi học để lấy được 3 chứng chỉ (ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ nghề) phải mất ít nhất hơn chục triệu đồng.
Có địa phương chỉ chứng chỉ B1 Anh văn đã mất hơn 7 triệu đồng/chứng chỉ. Số tiền lớn thế chỉ đi vay mượn chứ trông chờ đồng lương thì lấy đâu ra?
Giáo viên mới ra trường phải nhịn ăn mấy tháng trời mới bù lại số tiền bỏ ra để đi học. Thế nhưng ai có thể nhịn ăn vài tháng?
Vậy nên đi học rồi, những thầy cô giáo này cứ phải đeo cục nợ hàng năm chưa trả hết.
Khốn khổ nhất là gia đình có tới 2 vợ chồng nhà giáo, họ đều phải lo chứng chỉ, có nghĩa là số tiền cần bỏ ra phải gấp đôi những gia đình khác.
Vợ rầu rĩ nói với chồng, tiền hôm trước vay học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn chưa trả xong.
Khốn khổ cho nhà giáo chúng tôi, biết lấy tiền đâu đi học chứng chỉ nghề nghiệp? |
Nay lo tiếp tiền học chứng chỉ nghề nghiệp biết vay mượn đâu ra?
Bạn bè thì ai cũng khó khăn như mình nên cũng chẳng ai có thề giúp cho ai được.
Chồng buồn rầu động viên, cũng phải cố chứ biết làm sao? Em nghe hiệu trưởng nhà mình nói rồi đó, ai không học qua năm 2020 họ chuyển ngạch xuống ăn lương hệ trung cấp lúc đó còn khốn hơn.
Giáo viên cần phải học suốt đời, học để nâng cao trình độ mới có thể dạy tốt nhưng học kiểu lấy mấy cái chứng chỉ như hiện nay không phải để nâng cao nhận thức mà chỉ là cách học chi tiền.
Thấy bất công, vô lý đấy, thấy xót xa, bất bình đấy, nhưng cũng đành chịu vì biết phải làm sao?
Như học ngoại ngữ, tin học nộp vài triệu đồng, ghi danh, lấy đề cương và vào phòng thi một tiếng, một tuần sau là cầm trong tay 2 chứng chỉ xếp loại khá hẳn hoi.
Học chứng chỉ nghề nghiệp cũng ghi danh, nộp tiền vài ba triệu, học một vài buổi và thi một tiếng là xong. Học kiểu này vì kiến thức của giáo viên hay vì tiền vào túi ai đó?
Học được gì khi chỉ một buổi vừa học vừa thi? Có địa phương còn tổ chức cho giáo viên ngồi học vài buổi, có nơi chỉ học một buổi cho có.
Nói là học nhưng chủ yếu cũng chỉ là kiểu ngồi nghe những điều chẳng liên quan gì đến việc dạy dỗ của mình.
Kiến thức chẳng vào đầu nên tiền bỏ ra nó mới đau, mới xót.
Có dịp trao đổi với ông Bùi Mạnh Dũng Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương tỉnh Quảng Trị được biết:
“Hệ thống trường tư thục không yêu cầu giáo viên phải có những chứng chỉ ấy.
Ví như ngoại ngữ đã có giáo viên ngoại ngữ dạy, những giáo viên khác họ học mấy năm trong trường đại học đã đủ trình độ giao tiếp thông thường nên cũng chẳng đòi họ phải nộp chứng chỉ làm gì?
Cái nhà trường quan tâm là chất lượng giảng dạy, sự nhiệt tình của thầy cô giáo ấy với học sinh”.
Chắc chắn sẽ có nhiều người đồng quan điểm này, kể cả đó là một số hiệu trưởng trường công lập hiện nay.
Thầy Th. Hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết, mình cũng chẳng muốn bắt giáo viên đi học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác.
Thế nhưng trong Thông tư quy định, cấp trên lại ban hành công văn sao mình có thể làm khác được đây?
Thông tư số: 28/2017/TT-BGDĐTquy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung hình thức xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập quy định giáo viên hạng I; II và hạng III ngoài chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn phải kèm thêm chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Bởi thế, dù không muốn cũng không ai dám không nghe.
Cần sửa đổi Thông tư
Nếu so với hệ thống các trường tư thục việc quản lý, đánh giá giáo viên của họ gọn nhẹ hơn rất nhiều.
Gọn nhẹ vì không cần phải quy định nhiều loại chứng chỉ, nhưng cái họ quan tâm là năng lực, kĩ năng thật sự của người giáo viên.
Bởi thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn vào thực tế để sửa đổi Thông tư số: 28/2017/TT-BGDĐTquy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung hình thức xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Hằng năm, căn cứ vào việc xếp loại giảng dạy của giáo viên có thể đánh giá.
Nhiều năm như thế, căn cứ vào kết quả và chất lượng giảng dạy để xét thăng hạng chứ không phải kiểu dựa vào mấy cái chứng chỉ (ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ nghề nghiệp) để thăng và giữ hạng như hiện nay.
Điều này dễ xảy ra tiêu cực, có tiền chạy đủ chứng chỉ là ung dung tự tại mình sẽ thăng hạng.
Nhưng lại bỏ bê, chểnh mảng việc bồi dưỡng kiến thức nâng cao kĩ năng nghiệp vụ của bản thân.
Các cấp quản lý trong việc kiểm tra giáo viên đủ điều kiện giảng dạy hay không nhất định không nên xem hồ sơ sổ sách đầy đủ các chứng chỉ yêu cầu hay không? Mà cần kiểm tra thực tế giáo viên ấy dạy thế nào?
Có thế chất lượng đội ngũ mới được nâng lên một cách thật sự mà không phải cái kiểu cứ bỏ tiền khuân về một mớ chứng chỉ, chỉ để kẹp vào làm đẹp hồ sơ như cách mà ngành giáo dục của chúng ta đang làm bao năm nay.