Phụ huynh nên đọc kỹ giấy đăng ký mua sách vở của nhà trường, tránh mất tiền oan

20/06/2020 06:26
Phan Tuyết
GDVN- Khi nhận được phiếu đăng ký mua sách, phụ huynh cần hiểu rõ cuốn nào cần mua, cuốn nào không để tránh mất khoản tiền vô ích khi mua sách, vở về mà không dùng đến.

Giáo dục Việt Nam nhận được đơn phản ánh của một số phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương về việc nhà trường gửi bảng kê mua sách giáo khoa cho năm học mới lên đến gần 700 ngàn đồng/học sinh.

Danh sách phát cho học sinh đăng ký mua sách, vở ở Trường Tiểu học Tứ Cường, Hải Dương (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Danh sách phát cho học sinh đăng ký mua sách, vở ở Trường Tiểu học Tứ Cường, Hải Dương (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Phụ huynh bức xúc vì việc quy định mua sách, vở của nhà trường

Phản ánh của phụ huynh nêu rõ, tổng số sách vở yêu cầu phụ huynh phải mua là 31 cuốn với giá thành gần 700 ngàn đồng/học sinh.

Học sinh buộc phải viết trên những cuốn vở có lô gô riêng của trường (Ảnh một chồng vở do phụ huynh cung cấp)

Học sinh buộc phải viết trên những cuốn vở có lô gô riêng của trường (Ảnh một chồng vở do phụ huynh cung cấp)

Ngoài sách giáo khoa được Bộ Giáo dục phê duyệt thì bản đăng kí còn có nhiều sách tham khảo, vở bài tập, vở luyện chữ đẹp...mà nhiều cuốn không học đến, mua về cũng để đó.

Phụ huynh nói nhiều bài tập trong cuốn sách thế này rất khó nhưng lại được bán đại trà cho học sinh (Ảnh phụ huynh)

Phụ huynh nói nhiều bài tập trong cuốn sách thế này rất khó nhưng lại được bán đại trà cho học sinh (Ảnh phụ huynh)

Trong đó, có những cuốn sách chỉ dùng cho học sinh giỏi nhưng vẫn buộc tất cả học sinh toàn trường phải mua nên nhiều học sinh trung bình, kém sẽ không biết làm là bỏ không gây nên sự lãng phí vô cùng.

Sách thì thế, đến vở viết cũng được đưa vào bản đăng kí với số lượng lớn (25 cuốn). Nhà trường in Logo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện, trong khi giá vở nhà trường cao hơn khá nhiều so với ngoài đại lí Văn phòng phẩm.

Vì số lượng vở nhà trường cho đăng kí mua nhiều và sớm quá nên số vở thưởng lại bị thừa và lãng phí nhiều.

Có em làm vở nháp, xé, gấp, nghịch vô tội vạ…Thậm chí các em bỏ hết vở được thưởng, để mua vở mới của trường vì có in Logo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện.

Việc nhà trường đưa bản đăng kí như trên khiến cha mẹ học sinh băn khoăn, bức xúc khi con em họ thấy vậy cứ bắt gia đình đăng kí hết vì phụ huynh cứ tin tưởng, đã là sách nhà trường yêu cầu thì mình phải mua rồi.

Trong bản đăng ký đặt mua sách, vở, nhà trường đề nghị phụ huynh học sinh đặt mua đầy đủ sách cho con em.

Với lý do được nêu ra: “Năm học 2020-2021 là năm học cuối cùng để chuyển sang chương trình thay sách giáo khoa vì vậy Nhà xuất bản chỉ in theo số lượng đặt.

Để tránh tình trạng mua sách in lậu, ngoài luồng, nhà trường đề nghị phụ huynh học sinh đặt mua đầy đủ sách cho các em.

Cách làm này khiến nhiều phụ huynh buộc phải mua đầy đủ những cuốn sách và vở trong bản đăng ký.

Giáo viên thừa nhận nhiều cuốn sách, vở bài tập học sinh mua nhưng không có thời gian giảng dạy

Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với một số thầy cô giáo dạy tại Trường Tiểu học Tứ Cường, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Cô giáo có tên là X. (đã được đổi tên) cho biết, gửi bảng đăng ký sách về cho phụ huynh chính cô cũng băn khoăn.

Phụ huynh vùng nông thôn ít khi thắc mắc nên phần đông cô giáo bảo sao người ta nghe vậy, có nhiều người còn không biết quyển sách ra sao. Giáo viên khơi gợi và định hướng là phụ huynh nghe theo.

Phần lớn, phụ huynh lớp cô cứ thấy danh sách gửi về là đăng ký mà không biết những sách ấy có học hay không học.

Thực tế, học sinh mua rồi giáo viên không có thời gian dạy cũng không có định hướng day, nhà trường thả nổi không kiểm soát được.

Một tuần có 2 tiết toán, tiếng Việt phải hoàn thành chương trình Bộ Giáo dục nên không có thời gian cho học sinh làm thêm nhiều cuốn.

Có những cuốn như vở bài tập địa lý, lịch sử, đạo đức…không làm gì hết. Bài tập phát triển năng lực Toán, tiếng Việt có nhiều bài quá tải rất khó. Phụ huynh hỏi cô giáo sao không cho làm, nhiều khi phải loanh quanh.

Nếu không mua năm này thì năm sau cô giáo lớp khác lại đòi nên tiếp tục lại bổ sung làm theo chỉ đạo.

Cô giáo tên H. (đã được đổi tên) cũng phân trần, 25 cuốn vở có in lô gô của phòng các em sẽ không dùng hết trong năm.

Thường thường cũng cứ động viên học sinh mua, nếu có phụ huynh nói không mua cũng không sao, không quá khắt khe, nhưng có cô cũng áp đặt, ép học sinh mua.

Vở giống nhau, chỉ khác là đóng dấu lô gô, nhà trường cũng in lô gô bán cho học sinh phải với giá cao hơn giá bên ngoài 2 ngàn đồng/cuốn.

Khi nghe chúng tôi hỏi, các cô nhiệt tình bán sách, vở phải chăng vì hoa hồng, giáo viên này khẳng định:

“Đa số giáo viên không có ý kiến mà cứ ngoan ngoãn vì ngại là chính chứ không phải do hoa hồng.

Cơ bản phụ huynh hiền giáo viên nói là họ chấp hành nghe theo. Ở lớp có con giáo viên họ không đóng thì bọn em cũng lờ đi”.

Nhà trường làm theo phòng, sở

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với cô Đỗ Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường, phản ánh của phụ huynh về việc ép học sinh mua sách, vở.

Cô Phương cho biết: “Việc đăng ký mua sách là không bắt buộc nếu gia đình xin được sách cũ thì không phải mua.

Có những cuốn nếu không mua các con sẽ không có sách để học nên gia đình cân nhắc.

Vở bài tập phải mua vở mới, cuốn phát triển năng lực toán toàn tỉnh sẽ triển khai.

Cuốn tiếng Việt mua thì tốt hơn cho con, không mua cũng không sao các cô sẽ cho bài tập về cho các con làm.

Toàn tỉnh triển khai phát triển năng lực toán, tổ chức chuyên đề toán trong toàn tỉnh đưa bài tập trong sách toán vào dạy buổi 2. Mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực cho học sinh đặc biệt chương trình mới.

Năm nay, nhà trường sẽ kiểm tra soạn bài dạy buổi 2 theo hướng phát triển năng lực tập trung lấy bài trong cuốn sách ấy.

Nhà trường thực hiện theo phiếu đăng ký Sở đưa về Phòng, Phòng đưa về trường”.

Phụ huynh tỉnh táo khi nhận giấy đăng ký mua sách, vở của nhà trường

Trong bản đăng ký mua sách, vở nhà trường lưu ý thêm: “Năm học 2020-2021 là năm học cuối cùng để chuyển sang chương trình thay sách giáo khoa.

Vì vậy, nhà xuất bản Giáo dục chỉ in theo số lượng đặt. Để tránh tình trạng mua sách in lậu, ngoài luồng. Nhà trường đề nghị phụ huynh học sinh đặt mua đầy đủ sách cho con em”.

Cô hiệu trưởng và một số giáo viên cũng khẳng định rằng việc mua sách, vở cho học sinh là không bắt buộc.

Ngay trong bản đăng ký mua sách, vở nhà trường đã ghi rõ: Phụ huynh đăng ký thì ghi “Có” vào cột ghi chú.

Bởi thế, khi nhận được phiếu đăng ký mua sách, phụ huynh cần hiểu rõ cuốn nào cần mua, cuốn nào không để tránh mất khoản tiền vô ích khi mua sách, vở về mà không dùng đến.

Phan Tuyết