Trong hàng chục năm qua và đến tận bây giờ, hệ thống giáo dục của ta chưa tương thích với các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới về chương trình, nội dung giáo dục; chất lượng giáo viên không đồng đều; cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn.
Trong điều kiện đó, việc hình thành một số trường chuyên với các điều kiện giáo dục tốt hơn là một việc cần thiết, với mục đích để một bộ phận học sinh nhận được giáo dục với chất lượng cao hơn mặt bằng chung.
Hệ thống trường chuyên của Việt Nam cũng giống như rất nhiều nơi trên thế giới, là nơi để đào tạo nguồn tài năng thực sự cho đất nước.
Tuy nhiên vừa qua Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nêu ra 4 lập luận tại sao nên giải thể hoặc tư nhân hóa Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân, quan điểm này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Trước vấn đề này, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam- nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm, chúng ta khuyến khích các tập đoàn tư nhân mở trường chất lượng cao nhưng trường chuyên của nhà nước thì phải giữ.
Giáo sư Trần Hồng Quân (ảnh: Thùy Linh) |
Khẳng định vai trò của trường chuyên rất quan trọng, Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng, trước đây ta hay nói không cần trường chuyên, “xấu đều hơn tốt lỏi”, tuy nhiên điều này không đúng.
Bởi lẽ, chúng ta vừa cần một đội ngũ đại trà có chất lượng nhưng cũng đặc biệt cần những người thật giỏi bởi chỉ 3-5% người giỏi nhất trong xã hội làm nên người dẫn dắt xã hội.
Mà trường chuyên là nơi tạo nguồn hình thành các chuyên gia nên nhà nước không thể coi nhẹ chuyện này được.
Bởi việc xây dựng mô hình trường chuyên nhằm thực hiện mục tiêu rất quan trọng, đó là bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trong môi trường học chuyên, các em có điều kiện để phát huy hơn sở trường của mình của mình.
Trước đó, theo Giáo dục Việt Nam thông tin, thầy Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng cho rằng việc xã hội hóa giáo dục, người dân góp phần vào là đúng nhưng không phải cái gì cũng xã hội hóa hết được.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, trong đào tạo, đào tạo đại trà, ta có thể xã hội hóa nhưng trường chuyên là đào tạo mũi nhọn thì không nên xã hội hóa.
Trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung, bất cứ lĩnh vực nào, chính bộ phận mũi nhọn sẽ có vai trò đầu tàu kéo sự nghiệp chung đi. Đất nước Singapopre khi cải cách ở thời Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng tiến lên như vậy.
Trong lĩnh vực nhân lực cũng như vậy, tôi cho rằng không thể nào bán các trường chuyên đó được”, Phó Giáo sư Nhĩ nói.
Theo thầy Nhĩ, trường chuyên đào tạo một lực lượng cốt cán cho đất nước. Do đó, Nhà nước phải đầu tư.
Xã hội có thể góp phần thêm để trường chuyên phát triển tốt hơn, còn quan điểm đem bán trường chuyên hoặc để tất cho xã hội làm, cá nhân thầy không đồng ý với việc đó.
“Nếu bán thì sẽ khó có thể giữ hoặc thể hiện được đường lối như mục tiêu hoạt động của trường chuyên nữa”, thầy Nhĩ nhấn mạnh.
Được biết, theo đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 -2020 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24/6/2010 đã nêu mục tiêu rất cụ thể, bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường trung học phổ thông chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố.
Và Đề án chia thành hai giai đoạn thực hiện bao gồm:
Giai đoạn I (2010 -2015) với mục tiêu 100% các trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế...
Giai đoạn II (2015 - 2020), phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên một cách vững chắc.
Theo đó, kinh phí thực hiện Đề án là 2.312,758 tỷ đồng,
Trong đó:
- Ngân sách nhà nước:
+ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo: 1.295,417 tỷ đồng;
+ Vốn vay ODA: 953,65 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương: 63,792 tỷđồng.