“Giáo dục … chầu rìa” và “Chầu rìa … giáo dục” (2)

28/06/2020 06:41
Xuân Dương
GDVN- Các đại học công lập hơn hẳn trường ngoài công lập ở chỗ “sẵn nong, sẵn né”, vậy trong cuộc chạy đua “tự chủ”, những con tằm - tức là người học - nhả tơ cho ai?

(Tiếp theo phần 1)

Thứ ba, một bộ phận học sinh trung học phổ thông:

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2020-2021, các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội sẽ tuyển 64.110 chỉ tiêu lớp 10 trong số 107.000 học sinh lớp 9 dự thi (59,92%).

Như vậy sẽ có khoảng 40% thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập bị loại (khoảng 43.000 người) và số học sinh này phải chuyển sang học tại các trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc dạy nghề.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2020-2021 có 96.697 học sinh đang học lớp 9, dự kiến các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố sẽ tuyển 67.688 học sinh (khoảng 70%).

Như vậy, nếu 100% học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập thì sẽ có hơn 29.000 học sinh bị trượt kỳ thi này.

Đây là tình trạng chung tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chứ không chỉ tại hai thành phố lớn nhất cả nước.

Nguyên nhân khiến số học sinh lớp 9 trượt lớp 10 công lập có phải do năng lực yếu?

So sánh học lực giữa các học sinh cùng thi tại một địa điểm và có nguyện vọng vào cùng một trường thì tương đối đúng (trừ một số trường hợp ngoại lệ).

So sánh giữa các quận, huyện trong một tỉnh/thành phố, giữa các tỉnh trong cả nước thì không đúng.

Xin nêu ví dụ:

Năm 2019, điều kiện xét tuyển hệ chuyên tại tỉnh Vĩnh Long được quy định như sau:

“Những học sinh đủ điều kiện dự tuyển, dự thi đủ các môn qui định, không vi phạm qui chế thi, có bài thi các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh (hệ số 1) từ 3,0 trở lên và điểm môn chuyên từ 4,0 điểm trở lên thì được đưa vào danh sách để xét tuyển hệ chuyên (trước đây điểm bài thi các môn hệ số 1 từ 2,0 trở lên)”. [5]

Hãy để giáo dục phát triển theo nhu cầu của xã hội. (Ảnh minh hoạ: Nhandan.com.vn)

Hãy để giáo dục phát triển theo nhu cầu của xã hội. (Ảnh minh hoạ: Nhandan.com.vn)

Như vậy tại Vĩnh Long, tổng 4 môn thi đạt 13 điểm đã có thể vào học trường chuyên.

Tại Hà Nội, cũng năm 2019, Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam lấy điểm chuẩn lớp tiếng Anh là 42,05.

Các trường không chuyên khu vực ngoại thành như Mỹ Đức C, Bất Bạt, Đại Cường điểm chuẩn thấp nhất cũng là 16. [6]

Cũng xin nói thêm là lấy điểm chuẩn tại một số địa phương để so sánh thực ra là không chính xác bởi chưa đề cập đến quá trình ra đề thi, chọn môn thi, chấm thi,…

Chỉ khi nào thi vào lớp 10 được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia thì mới có cơ sở đánh giá học lực người đỗ, người trượt.

Khoảng 40% học sinh lớp 9 tại Hà Nội và 30% tại Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải “chầu rìa” trường công lập là do trường công không đủ chỗ tiếp nhận chứ chưa hẳn là do năng lực yếu.

Sự bất công này đến từ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông, quy hoạch đội ngũ giáo viên và những chính sách vĩ mô khác như hạ tầng đô thị, di dân tự do,…

Giáo dục phổ thông không phải là giáo dục nghề nghiệp, một khi đã gắn với từ “Phổ thông” thì nó phải thực sự … “phổ thông”, nghĩa là công bằng, bình đẳng với mọi đối tượng, trong đó có yêu cầu công bằng trong hưởng thụ chính sách.

Không thể vì địa phương - mà thực ra là nhà nước - có khó khăn trong việc xây thêm trường nên phải tổ chức một kỳ thi để đẩy một số lượng khá lớn học sinh trung học phổ thông sang cho “xã hội hóa”.

Gần đây có ý kiến thành phố Hà Nội nên “bán” trường chuyên Hà Nội – Amsterdam (trường Ams), ý kiến này được đón nhận với hai luồng quan điểm trái chiều.

Đánh giá vai trò của trường chuyên, lớp chọn cần có một cuộc tổng điều tra, bao nhiêu học sinh chuyên tốt nghiệp đại học, bao nhiêu tốt nghiệp làm việc trong nước hoặc sinh sống tại nước ngoài?

Với nguồn kinh phí bỏ ra trong từng ấy năm, bao nhiêu người trở thành các nhà khoa học đầu ngành, bao nhiêu công trình khoa học đã được họ công bố,…?

Người viết cho rằng không nên tập trung chú ý vào một hoặc một số trường chuyên mà nên nên đặt vấn đề rộng hơn.

Nhà nước dành một phần nguồn lực cho một số trường đặc thù liên quan đến an ninh quốc gia là điều chưa thể bỏ.

Trong nhiều bài viết, chẳng hạn “Đến bao giờ hết bất công với học sinh trung học cơ sở?” người viết đã kiến nghị:

“Chấm dứt bao cấp bậc trung học phổ thông bằng cách giao quyền tự chủ hoặc cổ phần hóa, cho tư nhân quyền đấu thầu các cơ sở giáo dục với những điều kiện nhất định”. [7]

Để giải quyết vấn đề đào tạo nhân tài, nhà nước có thể đặt hàng một số trường thông qua các gói hỗ trợ cũng như chính sách “đặt hàng” với các đại học tự chủ.

Cổ phần hóa hoặc đấu thầu quyền quản lý, khai thác các trường trung học phổ thông cũng hàm ý “bán” trường nhưng nằm trong một chính sách vĩ mô, áp dụng toàn quốc chứ không chỉ tại một vài địa phương cụ thể.

Tại sao lại có đề xuất này?

Bởi vì một bộ phận khá đông học sinh trung học phổ thông không được thụ hưởng các chính sách chung của nhà nước hoặc của địa phương.

Một thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực (nhiệm kỳ 2016-2021) cho rằng:

“Bất bình đẳng trong giáo dục thường được hiểu là sự phân phối không công bằng các nguồn lực cho việc học tập (ngân sách, giáo viên, công nghệ hay phương tiện, v.v…) giữa các nhóm khác nhau trong xã hội, khiến những nhóm “bên lề” không có hay có ít cơ hội được thụ hưởng giáo dục và đạt tới những thành tựu đáng lẽ họ có thể đạt được”. [8]

“Những nhóm bên lề” chỉ là cách diễn đạt nhẹ nhàng của “những nhóm chầu rìa”.

Vậy tại Hà Nội, nhóm “bên lề” hay “chầu rìa” được đối xử thế nào?

Theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ngân sách thành phố sẽ bảo đảm định mức chi cho mỗi học sinh trung học phổ thông 7,3 triệu đồng một năm.

Nếu đỗ vào trường chuyên Nguyễn Huệ và Hà Nội-Amsterdam thì số tiền ngân sách chi cho mỗi học sinh một năm sẽ là 18 triệu đồng.

Với các trường có lớp chuyên (Chu Văn An, Sơn Tây) thì mỗi học sinh chuyên một năm được ngân sách chi 15 triệu đồng.

Số tiền gọi là ngân sách này thực chất là tiền thuế người dân và doanh nghiệp đóng góp.

Như vậy sẽ xuất hiện tình trạng phụ huynh của 43.000 học sinh trượt lớp 10 công lập vừa phải bỏ tiền trả học phí cho con theo học tại trường ngoài công lập vừa phải đóng góp tiền (thuế) để học sinh đỗ trường công thụ hưởng?

Và đến đây, ngoài một bộ phận không nhỏ nhà giáo, học sinh, liệu có phải không ít phụ huynh cũng chung cảnh ngộ “chầu rìa giáo dục” công lập?

Nói cách khác, liệu có phải họ đang “chầu rìa” một số chính sách giáo dục không chỉ do các địa phương ban hành mà còn trên quy mô toàn quốc?

Có thể loại bỏ sự bất công này hay không là câu hỏi không dành cho họ?

Thứ tư, học sinh, sinh viên con nhà nghèo

Sinh viên, cả trường công lập và tư thục đang đối diện với chiến dịch tăng học phí không chỉ tại các trường “tự chủ” mà còn ở nhiều trường khác.

Tự chủ đại học là quá trình tất yếu sớm muộn cũng phải thực hiện.

Vấn đề nằm ở chỗ những trường công, được cấp đất không phải xin xỏ, được đầu tư kinh phí xây dựng, không phải nộp thuế như doanh nghiệp, có thâm niên mấy chục năm,… sẽ hạch toán khoản “lộc nhà nước” này thế nào khi quyết định mức thu học phí nhiều chục triệu đồng một năm?

Học phí tại Đại học Ngoại Thương dao động từ 18,5 triệu đến 60 triệu đồng/sinh viên/năm. Đại học Quốc gia Hà Nội có mức học phí từ 9,8-60 triệu đồng/sinh viên/năm.

Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mức thu học phí cao nhất là 70 triệu đồng/sinh viên/năm.

Học phí 60-70 triệu đồng một năm dành cho các chương trình đào tạo chất lượng cao, như vậy bao nhiêu con em nông dân, công nhân, giáo viên có đủ điều kiện theo học?

Nói cách khác, liệu có phải cơ hội tiếp cận giáo dục tiên tiến không dành cho con nhà nghèo và hệ quả là cơ hội tiếp cận việc làm của họ cũng thấp hơn con nhà giàu?

Câu “Sẵn nong, sẵn né” là nói về nghề nuôi tằm, hàm ý mọi thứ đã được người nuôi chuẩn bị sẵn, tằm chỉ việc ăn, ngủ và nhả tơ.

Các đại học công lập hơn hẳn trường ngoài công lập ở chỗ “Sẵn nong, sẵn né”, vậy trong cuộc chạy đua “tự chủ” này, những con tằm - tức là người học - nhả tơ cho ai?

Trào lưu tự chủ đại học nếu không được quản lý cẩn thận - tức là không kèm theo trách nhiệm giải trình - liệu có mang thêm nỗi sợ hãi đến cho người nghèo?

Và không phải chỉ với sinh viên, những giảng viên dạy tại các trường khối nông lâm ngư, trường sư phạm,… liệu sẽ có thu nhập ngang bằng với trường Y hay Ngoại thương?

Chúng ta vẫn nói đến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, vậy nền “giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ được điều tiết thế nào để người nghèo không bị bỏ lại phía sau người giàu?

Mong muốn trên chỉ có thể làm được nếu những người hoạch định chính sách thực hiện một cuộc cách mạng về nhận thức vai trò của giáo dục chứ không chỉ kêu gọi đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo trên lý thuyết.

Việc đầu tiên là hãy chọn một vài lĩnh vực đột phá trong vòng 3-5 năm phải thực hiện bằng được, tốt nhất là trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2025.

Xin gợi ý một trong những việc cần làm ngay là thực hiện tự chủ khối trung học phổ thông như giáo dục đại học theo hướng tự chủ hoàn toàn hoặc thực hiện cổ phần hóa toàn bộ các trường trung học phổ thông.

Ngân sách nhà nước chủ yếu dành cho giáo dục phổ cập (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) chứ không chỉ cho “giáo dục bắt buộc tiểu học” theo Luật Giáo dục 2019.

Khi điều kiện kinh tế cho phép, nên theo mô hình một số nước đang áp dụng là giáo dục miễn phí toàn bộ khối phổ thông, dạy nghề.

Giáo dục phải đi trước, phải là ánh sáng chiếu rọi mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng,…

Nếu coi an ninh - quốc phòng - kinh tế là ba đỉnh của tòa tháp, là mục tiêu, là ngọn đèn và giáo dục là gốc, là chân đèn thì liệu có tránh được tình trạng chân đèn là nơi tối nhất?

Kết luận:

Nhiều người tán dương khẩu hiệu “Education is the key for future success” (Giáo dục là chìa khóa cho thành công trong tương lai) bởi theo họ, giáo dục góp phần hình thành nhân cách, sức khỏe, truyền thụ cho người học kiến thức, kỹ năng sống, giúp con người có đủ nghị lực vượt qua hoàn cảnh...

Tuy nhiên đó là giáo dục nói chung chứ không phải chỉ là giáo dục trong trường chuyên và các cơ sở giáo dục đại học.

Không thể nhồi IQ vào bộ não con người, giáo dục có thể đào tạo nên người giỏi nhưng không thể tạo nên người thông minh.

Người lớn, nhất là những người nắm trong tay quyền lực chính trị, những người hoạch định chính sách cần phải chấm dứt lừa dối con trẻ, rằng phải học trường chuyên, phải vào đại học mới là con đường duy nhất tiếp thu kiến thức.

Chi phí học tập quá cao so với khoản thu nhập ít ỏi của cha mẹ, tình trạng thất nghiệp của hàng vạn cử nhân, chuyện phải chạy hàng trăm triệu đồng để có một suất công chức, viên chức sau tốt nghiệp đại học cho thấy với một bộ phận thanh thiếu niên, đầu tư cho giáo dục có thể không phải là khoản đầu tư tốt nhất.

Khoản đầu tư tốt nhất là làm ra nhiều của cải vật chất nuôi sống bản thân, gia đình mà không cần nhận trợ cấp kể cả khi gặp dịch Covid-19.

Hàng loạt giáo sư, tiến sĩ có góp phần đẩy lùi tham nhũng, có làm thay đổi tận gốc nền hành chính quốc gia lấy “hành” làm “chính”?

Và vì vậy, hãy để giáo dục phát triển theo nhu cầu của xã hội, vẽ thành quốc sách hay bắt phải chầu rìa trong điều kiện kinh tế hạn hẹp, nói rồi để đấy không làm đâu phải là cách đối xử văn minh với giáo dục./.

Tài liệu tham khảo:

[5]http://vinhlong.edu.vn/tin-tuc2/khao-thi-va-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc/ke-hoach-tuyen-sinh-lop-10-nam-hoc-2020-2021.html

[6] https://zingnews.vn/diem-chuan-lop-10-nam-2019-o-ha-noi-post956796.html

[7] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/den-bao-gio-het-bat-cong-voi-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-post207441.gd

[8] http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/28-van-hoa-hoc-duong/12878-bat-binh-dang-trong-giao-duc-la-nguon-goc-cua-bao-luc-va-bat-on-xa-hoi

Xuân Dương