“Giáo dục … chầu rìa” và “Chầu rìa … giáo dục” (1)

26/06/2020 05:56
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế, khi nào giáo dục phải chầu rìa và những đối tượng nào có nguy cơ chầu rìa giáo dục?

“Chầu rìa” là gì?

Là đứng ở vòng ngoài xem ké một sự kiện, có thể bàn tán chỉ trỏ nhưng không phải là người chơi chính, chẳng hạn chầu rìa xem đánh cờ, hát xẩm, chọi dế, đá gà,…

Nói đến giáo dục là nói đến quốc sách hàng đầu, là điều đã được ghi trong Hiến pháp, đã được đưa vào nhiều nghị quyết, văn bản và phát biểu.

Vậy nói đến chuyện “giáo dục chầu rìa” và “chầu rìa giáo dục” có phải là lệch hướng?

Vậy thực tế thì khi nào giáo dục phải chầu rìa và những đối tượng nào có nguy cơ chầu rìa giáo dục?

Khi giáo dục chỉ được phép nghển cổ ngắm nhìn chủ trương, chính sách, chẳng hạn:

“Lương nhà giáo phải được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính”;

“Trong 20% ngân sách quốc gia dành cho giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý khoảng 5%”;

“Tuyển chọn, bố trí, điều chuyển, khen thưởng, kỷ luật nhà giáo,… là do ngành Nội vụ quản lý”;

“Đa số nhà giáo cho đến khi cầm sổ hưu vẫn không đạt được hệ số lương cao nhất trong thang bảng lương dành cho mình”;…

Đó có phải là lúc giáo dục rơi vào tình trạng … chầu rìa.

Còn khi một bộ phận khá đông thày cô mơ ước những gì các đồng nghiệp và bạn bè được hưởng, khi học trò mơ ước được ngồi trong những phòng học kiên cố không bị gió lùa, mưa dột từ nóc,… thì đó có phải là lúc họ bị xem như đứng ở vòng ngoài của sân chơi giáo dục, nói cách khác, có phải họ trở thành đối tượng có nguy cơ phải “chầu rìa … giáo dục”?

Nếu cho rằng tình trạng “chầu rìa giáo dục” hoặc “giáo dục chầu rìa” tồn tại thì ở đâu và như thế nào?

Đưa ra ý kiến này không chỉ muốn cảnh báo nguy cơ mà còn mong muốn những người có trách nhiệm nhận thấy, rằng đó thực sự là những gì đã và đang tồn tại.

Nguy cơ cao của cả hai tình trạng nêu trên có thể nhận thấy ở các nhà giáo và học trò cấp mầm non; giáo viên và học sinh vùng cao; một bộ phận học sinh trung học phổ thông; nhiều học sinh, sinh viên con nhà nghèo…

Thứ nhất, với giáo dục mầm non:

Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành trong Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 ghi:

“Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp một; phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi…

Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 92% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, trong đó hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường, tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 25% trở lên”.

Có thể thấy ở lứa tuổi mầm non, quan điểm chỉ đạo là tập trung vào trẻ em 5 tuổi, với trẻ em dưới 5 tuổi, quy định “phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi” được ghi rất chung chung, không định lượng và cũng không chốt giai đoạn thực hiện.

Quan điểm “Nhà nước có trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục mầm non,…” liệu có hơi bị ngược với xu thế bởi với cấp học quan trọng này Nhà nước phải ưu tiên mọi nguồn lực, nói đúng ra là bao cấp 100%, chứ không phải huy động hoặc đẩy càng nhiều sang phía “xã hội hóa” càng tốt.

Cách đặt vấn đề về xã hội hóa cấp học mầm non trong Quyết định số 1677/QĐ-TTg liệu có thể coi là khoa học và phù hợp với thời đại?

Chính sách là như thế còn thực tế thế nào?

Báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trong bài “Giáo dục mầm non đang bị “bỏ rơi”? ” dẫn ý kiến của một chuyên gia:

“Giáo dục mầm non hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, nếu không nói là bị buông rơi, mặc dù đã được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân.

Lương hoặc phụ cấp của giáo viên mầm non có thể nói là thấp nhất trong toàn bộ bảng lương, phụ cấp của lao động nước ta”. [1]

“Hiện nay hệ thống nhà trẻ, các trường mầm non không đáp ứng nhu cầu chăm sóc – giáo dục trẻ thơ do thiếu phòng học, thiếu phương tiện học liệu”. [2]

“Hơn 100 giáo viên Mầm non trên địa bàn huyện bị chấm dứt hợp đồng, bị đẩy ra đường “không thương tiếc” dù có người đã công hiến 10, 15, 20 năm… cho sự việc trồng người của mình”. [3]

Với đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, chính sách giáo dục áp dụng cho cấp mầm non trong tình trạng như báo chí phản ánh, liệu có phải rất nhiều nhà giáo và học sinh mầm non đang trong tình trạng “chầu rìa giáo dục” và liệu Giáo dục mầm non, cấp học góp phần hình thành nhân cách công dân có phải cũng đang trong tình trạng “chầu rìa chính sách”?

“Giáo dục … chầu rìa” và “Chầu rìa … giáo dục” (1) ảnh 2Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Ngà, xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu đến trường (ảnh do cô giáo Đào Thị Phượng chụp – Vietnamnet.vn đăng).

Thứ hai, với nhà giáo và học sinh vùng cao:

Theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ban hành ngày 08/10/2019, giáo viên dạy học tại các vùng đặc biệt khó khăn được xếp chung chế độ ưu tiên với các đối tượng khác như “cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã” (khoản 1, điều 2).

Theo quy định trong Nghị định này, nhà giáo mới đến làm việc tại địa bàn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và chỉ được hưởng tối đa 60 tháng.

Sau 05 năm, nếu tiếp tục giảng dạy tại địa bàn thì bị cắt phụ cấp thu hút và chuyển sang hưởng “Phụ cấp công tác lâu năm” có hệ số bằng 0,5 đến 1,0 theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc.

Giả sử mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng thì phụ cấp công tác lâu năm sẽ dao động từ 800.000 đến 1.600.000 đồng, mức này đương nhiên thấp hơn nhiều so với “70% mức lương hiện hưởng cộng với các khoản phụ cấp khác”.

Vấn đề là với các vùng đặc biệt khó khăn, vị trí các điểm trường phải gần nơi sinh sống của học sinh và đương nhiên để tiếp cận địa điểm làm việc, nhà giáo gặp nhiều bất lợi về đường đi, thời tiết, địa điểm tạm trú, tiện nghi sinh hoạt,…

Các khó khăn nhà giáo gặp phải lớn hơn nhiều hơn so với công chức, viên chức cán bộ đoàn thể… làm việc tại trụ sở xã.

Báo điện tử Baonghean.vn viết: “Điểm trường Na Ngân thuộc Trường Tiểu học Nga My (xã Nga My, huyện Tương Dương), chỉ cách quốc lộ 48C chừng 15 km.

Tuy nhiên, để đến được với điểm trường này, thầy cô giáo phải đi xe máy hết hơn 3 giờ đồng hồ với điều kiện trời khô ráo. Trên đường đi phải hơn 30 lần lội suối mới có thể đến được điểm trường”. [4]

Dù là vùng đặc biệt khó khăn thì trụ sở xã, trụ sở “cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội” hẳn phải là những ngôi nhà được xây dựng khang trang, ở khu vực trung tâm, làm việc tại đây ít nhất cũng không phải chịu cái rét buốt tê tái so với các phòng học mái dột hoặc không có vách mà nhà giáo và học trò phải chịu.

Người viết đã từng đến một điểm trường cheo leo bên sườn núi, giáo viên toàn là nữ, học sinh mỗi sáng đi học mang thêm một ống bương nước suối giúp cô giáo khỏi mất mấy tiếng xuống tận chân núi gùi nước sinh hoạt.

Nhà giáo làm việc trong điều kiện khó khăn hơn hẳn nhưng chế độ ưu tiên thì cào bằng so với người làm việc tại trụ sở xã có phải là hợp lý?

Bao giờ thì những đưa bé ở bản Năng Cát (xã Trí Năng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) thoát cảnh chỉ được nghe chứ không phải được ngắm các phòng học khang trang có điện chiếu sáng và quạt máy mùa hè?

Bao giờ thì thày cô giáo miền núi không phải vượt lũ, lội bùn, đánh cược sinh mạng của mình trên đường đến lớp học?

Bao giờ thì các ngôi trường vùng khó khăn có phòng máy vi tính, có Internet để học trực tuyến?

Bao giờ thì hết phải hỏi … bao giờ?

Lớp học còn nhiều khó khăn của cô và trò tại bản Năng Cát, xã Trí Năng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. ảnh: Báo Thanh Hóa.

Lớp học còn nhiều khó khăn của cô và trò tại bản Năng Cát, xã Trí Năng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. ảnh: Báo Thanh Hóa.

Họ, thày cô (và học trò) vùng đặc biệt khó khăn đang dấn thân cho sự nghiệp giáo dục nhưng lại “chầu rìa” nhiều nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống và hoạt động giảng dạy, nói thế là đúng hay thổi phồng quá?

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.giaoduc.edu.vn/giao-duc-mam-non-dang-bi-bo-roi.htm

[2] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tre-em-dang-bi-bo-roi-trong-1000-ngay-dau-doi-20151112134933198.htm

[3] https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/ha-nam-hon-100-giao-vien-hop-dong-bi-day-ra-duong-ubnd-thanh-liem-co-dang-lam-trai-chi-thi-cua-tinh-d115357.html

[4] https://baonghean.vn/diem-danh-7-ngoi-truong-kho-khan-nhat-nghe-an-truoc-nam-hoc-moi-252133.html

Xuân Dương