Đã đến lúc Bộ Giáo dục nên bỏ các yêu cầu chứng chỉ hành giáo viên

30/06/2020 06:16
Sơn Quang Huyến
GDVN- Dù thành thạo những yêu cầu cần thiết để dạy học, giáo viên cũng khó mà thi để đạt chứng chỉ A; vì vậy các loại chứng chỉ tin học đều được học bằng ... tiền.

Câu chuyện các chứng chỉ hành giáo viên đã được dư luận quan tâm và phản ánh đến nghị trường Quốc hội; đã có rất nhiều ý kiến đề nghị bãi bỏ quy định Chứng chỉ ngoại ngữ, Chứng chỉ trình độ tin học, Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ các chứng chỉ hành giáo viên trong các dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập.

Tại sao nên bỏ yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ?

Thực tế từ công tác dạy học, người viết thấy không phải môn học nào, bậc học nào, trường học nào cũng đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ như nhau.

Việc quy định chung cho mọi giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ chả khác gì mang áo đồng phục cho họ.

Một quy định thiếu thực tế, thiếu khả thi, không bám sát thực tiễn công tác đã trở nên vô nghĩa.

Để có chứng chỉ bổ sung vào hồ sơ, giáo viên chỉ còn cách “chạy”, bằng thật, học giả; giáo viên đã khó khăn lại chồng thêm khó khăn; nguy hại hơn đó là tạo ra một tập thể giáo viên gian dối.

Không phải chỉ giáo viên có bằng cấp trung cấp, cao đẳng, đại học mà ngay cả giáo viên có bằng thạc sĩ cũng phải sử dụng chiêu thức chạy chứng chỉ ngoại ngữ.

Nhiều giáo viên có học vị thạc sĩ, có chỉ Anh văn đầu ra B1 theo khung tham chiếu châu Âu (nghe rất hoành tráng) nhưng đọc nửa trang giấy cũng không thủng – là một thực tế đáng báo động và đáng buồn hiện nay. [1]

Đã đến lúc Bộ Giáo dục nên bỏ các chứng chỉ không cần thiết với giáo viên (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Lao động)

Đã đến lúc Bộ Giáo dục nên bỏ các chứng chỉ không cần thiết với giáo viên

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Lao động)

Cũng về những bất cập trong quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề trước Quốc hội:

Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cán bộ công chức, viên chức ở đó rất thông thạo tiếng nội ngữ, tiếng dân tộc, chúng ta có nhất định phải quy định lấy thêm cái chứng chỉ ngoại ngữ hay không? [2]

Họ thừa nhận không biết và không có kiến thức về tiếng Anh, nhưng “cực chẳng đã” phải nộp tiền đi thi.

Vì những tấm chứng chỉ này là “giấy thông hành” để viên chức, đạt các tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp, sau đó không biết dùng vào việc gì. [2]

Tại sao nên bỏ yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ trình độ tin học?

Thực tế công tác dạy học không phải bậc học nào cũng sử dụng tin học như nhau; với yêu cầu thực tế áp dụng tin học vào công việc dạy học giáo viên có thể tự học, học lẫn nhau là có thể thành thạo soạn giáo án, soạn bài giảng điện tử, ...

Dịch Covid-19 vừa qua là một minh chứng cho khả năng tự học, không cần chứng chỉ tin học của giáo viên; phần lớn chỉ cần tập huấn thời gian ngắn là giáo viên có thể dạy trực tuyến, kể cả giáo viên sắp về hưu. [3]

Ngoài ra cơ sở vật chất của các trường để giáo viên ứng dụng vào dạy học rất hạn chế, bài giảng điện tử chỉ được sử dụng khi hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi, còn bình thường có máy chiếu đâu để giáo viên sử dụng.

Thế nhưng dù thành thạo những yêu cầu cần thiết để dạy học, giáo viên cũng khó mà thi để đạt chứng chỉ A; vì vậy các loại chứng chỉ tin học đều được học bằng ... tiền.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) đã chia sẻ ngay hội trường Diên Hồng “Ngay các đại biểu của chúng ta, dù sử dụng thành thạo máy tính, thì có cần có chứng chỉ không?”[2]

Tại sao nên bỏ yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên?

Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên là chứng chỉ mà giáo viên quan tâm và phản đối nhiều nhất vì chứng chỉ này do chính “người nhà” dạy.

Những nội dung được bồi dưỡng vẫn chỉ là những kiến thức mà giáo viên đã được học trong trường sư phạm và nhiều lớp tập huấn trong quá trình giảng dạy; đi dạy bao năm sao vẫn cần cái chứng chỉ mà chỉ học vài ba ngày, nhưng lại quyết định thứ hạng của giáo viên? [4]

Trước bức xúc của công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng, Bộ trưởng Bộ nội vụ Lê Vĩnh Tân đã chia sẻ:

“Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa chứ. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Một quyết định mà 20 năm không sửa, để thủ tục rườm rà.

Chúng tôi cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi.

Thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch... đúng theo quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ nào”. [2]

Bộ trưởng Bộ nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký Quyết định số 69/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch xây dựng các nghị định nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. [5]

Vì vậy Chứng chỉ ngoại ngữ, Chứng chỉ trình độ tin học, Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ được thay đổi cho phù hợp thực tế đã có trong kế hoạch của Bộ Nội vụ.

Vì vậy bỏ Chứng chỉ ngoại ngữ; Chứng chỉ trình độ tin học; Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trong dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập là thực tiễn đặt ra; Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quan tâm, điều chỉnh cho phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

[1] giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-va-cai-vong-luan-quan-vi-tri-viec-lam-bang-cap-chung-chi-post210366.gd

[2] https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-le-vinh-tan-cam-ket-sua-quy-dinh-ve-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-764542.ldo

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-giao-sap-ve-huu-van-day-hoc-truc-tuyen-gioi-post208142.gd

[4]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-thay-co-duoc-hoc-nhung-gi-post204420.gd

[5] https://www.moha.gov.vn/thong-bao/quyet-dinh-so-69-qd-bnv-ban-hanh-ke-hoach-xay-dung-cac-nghi-dinh-nham-quy-dinh-chi-tiet-cac-noi-dung-duoc-giao-trong-luat-sua-doi-bo-sung-mot-42816.html

Sơn Quang Huyến