Tiếng kêu giáo viên đã đến hội trường Diên Hồng, Bộ Giáo dục có biết?

27/06/2020 07:04
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có ý kiến với ban soạn thảo, đồng hành cùng Bộ Nội vụ để xóa bỏ những điều bất cập, những giấy phép con hành giáo viên.

Câu chuyện những chứng chỉ trình độ ngoại ngữ; chứng chỉ trình độ tin học; chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, cứ làm giáo viên và ngành giáo dục luẩn quẩn như gà mắc tóc.

Thực ra chứng chỉ, những giấy phép con, không chỉ hành mỗi giáo viên mà có thể nói nó đang hành tất cả công chức, viên chức chúng ta.

Giáo viên “chạy” chứng chỉ như thế nào?

Để cho đẹp, phải viết: Giáo viên học vất vả tại trung tâm, tự học suốt đêm ở nhà, lao tâm khổ tứ, thi lần này trượt, thi lại lấy bằng được cái chứng chỉ, để bổ sung vào hồ sơ viên chức, đảm bảo hồ sơ của mình theo đúng quy định.

Nhưng sự thật không phải vậy, đây là lời kể của một giáo viên được Báo Thanh Niên ngày 24/10/2019 dẫn lời, cho biết:

“Học một buổi chiều em ạ. Họ bao đỗ. Hóa đơn họ đưa cho chị là một triệu rưỡi, nhưng chị phải nộp cho họ ba triệu. Chứng chỉ tin học một triệu ba nữa. Tổng là bốn triệu ba, gần 2 tháng lương của chị”, chị T. kể về hành trình “chinh phục” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để “chuẩn hóa” bộ hồ sơ cho kỳ thi viên chức”. [1]

Rõ ràng giáo viên vất vả, lao tâm khổ tứ, bóp bụng, nhịn ăn để có tiền, để chạy được những chứng chỉ vô hồn, vô giá trị nhưng đầy khát khao,… đầy uy lực.

Tiếng kêu giáo viên đã đến hội trường Diên Hồng, Bộ Giáo dục có biết? ảnh 1Nhiều giáo viên phản đối quy định chứng chỉ cần phải có để đảm bảo xếp hạng, thăng hạng của giáo viên.(Ảnh minh họa. Nguồn: TL/Dangcongsan.vn)

Chứng chỉ có nâng cao chất lượng giáo dục?

Là người trong cuộc, từ quan sát của chính mình người viết có thể trả lời ngay: Hoàn toàn không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục; chất lượng dạy học bộ môn của giáo viên.

Mà ngược lại, nó hủy hoại tính chân thực của giáo dục, thầy cô dùng chứng chỉ chạy, sẽ giáo dục ra những thế hệ học trò chạy, chạy tất cả những gì mình muốn, không chạy được bằng tiền thì chạy bằng rất nhiều tiền!

Minh chứng đơn giản nhất là vụ án tiêu cực thi cử 2018 tại Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La.

Với một giáo viên khi có đủ ba chứng chỉ trên cũng chẳng khác gì bình mới nhưng… rượu cũ. Nguy hại hơn cái bình cũ nhưng được sơn son thếp vàng, đẹp đẽ hơn để đánh lừa người khác và lừa chính nó.

“Tiền đổ ra là thật, hàng trăm tỉ chứ không ít, nhưng cho đến nay, không có một bằng chứng cụ thể nào về việc chất lượng công chức, viên chức tăng lên sau khi có chứng chỉ.

Chúng tôi đã lục tung các báo cáo nhiệm kỳ của Bộ Nội vụ về việc đánh giá công chức, viên chức lên; lục cả báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về cải cách bộ máy năm 2017, không một nơi nào đề cập đến tác dụng của chứng chỉ, cũng không một nơi nào nhắc việc “thiếu chứng chỉ” là một tồn tại cản trở bộ máy hoạt động hiệu quả. Bất kể tất cả những việc đó, chứng chỉ thì vẫn… phải có?!” [1]

Rõ ràng các chứng chỉ đang hành giáo viên là vi rút độc hại đang hoành hành, tàn phá xã hội; chúng ta biết nhưng không hiểu tại sao chưa xóa bỏ nó?

Tiếng kêu của giáo viên đã đến hội trường Diên Hồng

Nhiều giáo viên phản đối quy định chứng chỉ cần phải có để đảm bảo xếp hạng, thăng hạng của giáo viên.

Dư luận phản ánh trên báo chí; cử tri phản ánh với đại biểu Quốc hội, cuối cùng những bất cấp của chứng chỉ đã đến với hội trường Diên Hồng.

Ngày 7/11/2019 trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đoàn Hưng Yên, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên, đại biểu Đinh Duy Vượt đoàn Gia Lai, đại biểu Thái Trường Giang đoàn Cà Mau đã đặt câu hỏi, tranh luận với Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về tình trạng tổ chức thi, xét thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức cũng như các loại chứng chỉ - giấy phép con hành giáo viên.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nêu: "Xin thưa Bộ trưởng rằng, chúng tôi đại biểu Quốc hội đến với nghị trường này, mang rất nhiều tâm tư của cử tri, trong đó có cử tri là công chức, viên chức giáo viên.

Họ rất nhiều áp lực. Cử tri hiện đang rất tâm tư, băn khoăn, lo âu về việc hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ mà cử tri nói với chúng tôi không khác gì những “giấy phép con”.

Vì chính những quy định như thế tạo ra rất nhiều lỗ hổng, nhiều kẽ hở về mặt pháp lý”.

Bà đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thẳng thắn có đánh giá liên quan đến lực lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về chính sách, về xây dựng pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành nội vụ hiện nay.

Đại biểu Minh Hiền cũng mong Bộ Nội vụ đầu tư cho lực lượng này, vì đây là khâu quan trọng nhất, để không “đẻ” thêm các “giấy phép con” khiến công chức, viên chức khổ. [2]

Ông Đinh Duy Vượt (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) đã trình bày quan điểm của mình tại hội trường Diên Hồng:

“Những yêu cầu chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ đang ẩn chứa nhiều nhiêu khê, lợi dụng, đẻ ra các loại giấy phép con, làm khó, làm khổ giáo viên đã và đang xảy ra mà gần như 100% giáo viên đều bức xúc kêu ca”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi trả lời chất vấn cũng như trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội đều khẳng định Bộ Nội vụ sẽ sớm sửa đổi quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đang làm khổ viên chức hiện nay.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ: “Nước ngoài họ rất thực tiễn. Họ không cần văn bằng chứng chỉ gì đâu mà họ thông qua phỏng vấn để xác định người này ở vị trí tương xứng có hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Các thầy cô giáo tỉnh Vĩnh Phúc tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ngày 13/10/2018, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: vinhphuc.gov.vn

Các thầy cô giáo tỉnh Vĩnh Phúc tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ngày 13/10/2018, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: vinhphuc.gov.vn

Cái quan trọng họ đánh giá được năng lực, trình độ, ước mơ của công chức đó là gì. Như vừa rồi tôi đi Pháp có tham dự một buổi phỏng vấn thấy rất hay.

Người ta có hỏi chuyên môn đâu, bởi vấn đề đó nhà trường đã dạy rồi. Người ta hỏi về nguyện vọng và lý do vì sao lại chọn công việc này”. [3]

Bộ Nội vụ đang thay đổi, Bộ Giáo dục có biết?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã cam kết trước Quốc hội:

“Tôi xin hứa với đại biểu Quốc hội sau khi luật Cán bộ, công chức sửa đổi được thông qua, chúng tôi sẽ sửa các quy định để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đi vào thực chất, quan trọng là chúng ta có đạt được trình độ để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình hay không”. [2]

Theo tường thuật của Báo Lao Động, tham gia "chia lửa" ở phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ngày 17/11/2019, Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết:

“Qua thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết.

Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong chuẩn giáo viên”. [2]

Giữ lời hứa trước Quốc hội, ngày 21/1/2020 Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký Quyết định số 69/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch xây dựng các nghị định nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. [4]

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành các dự thảo thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các cấp ở hệ công lập để xin ý kiến rộng rãi.

Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn đó những yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. [5]

Giáo viên chỉ mong được như nước ngoài, ở vị trí việc làm nào, cần trình độ tin học, ngoại ngữ như thế nào, chỉ cần đáp ứng được công việc, không cần chứng chỉ thật học giả.

Hy vọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có ý kiến với ban soạn thảo, đồng hành cùng Bộ Nội vụ để xóa bỏ những điều bất cập, những giấy phép con như đã cam kết trước Quốc hội; để thầy cô yên tâm công tác, sẽ không còn những chứng chỉ làm khổ giáo viên, gây nhức nhối cho xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1]thanhnien.vn/giao-duc/kho-nhu-chay-chung-chi-vien-chuc-1140461.html

[2]https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-le-vinh-tan-cam-ket-sua-quy-dinh-ve-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-764542.ldo

[3]thanhnien.vn/giao-duc/bo-truong-bo-noi-vu-le-vinh-tan-som-bo-chung-chi-hanh-vien-chuc-1149368.html

[4]https://www.moha.gov.vn/thong-bao/quyet-dinh-so-69-qd-bnv-ban-hanh-ke-hoach-xay-dung-cac-nghi-dinh-nham-quy-dinh-chi-tiet-cac-noi-dung-duoc-giao-trong-luat-sua-doi-bo-sung-mot-42816.html#:~:text=ch%E1%BB%A7%20Th%C3%B4ng%20b%C3%A1o-,Quy%E1%BA%BFt%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20s%E1%BB%91%2069%2FQ%C4%90%2DBNV%20ban%20h%C3%A0nh%20K%E1%BA%BF%20ho%E1%BA%A1ch,File%20%C4%91%C3%ADnh%20k%C3%A8m.

[5]https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/default.aspx

Lê Mai