Chú Cuội, chị Hằng, Sọ Dừa... không còn nhiều sức hút như ngày xưa?

07/07/2020 06:19
KHÁNH VĂN
GDVN- Rất nhiều điều trông chờ vào những người làm văn hóa, sáng tác, giảng dạy và bản thân mỗi người dân trên cả nước cùng chung tay gìn giữ văn hóa nước nhà.

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam có buổi nói chuyện chuyên đề: vai trò, vị trí và tình hình văn học nghệ thuật hiện nay cho đội ngũ văn nghệ sĩ, các thầy cô giáo dạy Văn và các em sinh viên Ngữ văn ở An Giang.

Những thông điệp mà nhà thơ Hữu Thỉnh đề cập trong buổi nói chuyện thì có rất nhiều, ông trăn trở về đời sống văn học nghệ thuật, về việc dạy và học Văn ở các nhà trường hiện nay.

Trong đó, có nhắc đến cụm từ “nhập siêu văn hóa” của nước ta trong thời gian qua khiến chúng tôi liên tưởng đến nhiều câu chuyện xảy ra hàng ngày ở mọi gia đình người Việt.

Nhà thơ Hữu Thỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô dạy Văn ở An Giang (Ảnh: CTV)

Nhà thơ Hữu Thỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô dạy Văn ở An Giang

(Ảnh: CTV)

Thời kỳ đất nước hội nhập, internet nối mạng toàn cầu thì việc giao thoa giữa các nền văn hóa với nhau có lẽ là một việc rất đỗi bình thường.

Nhưng, có lẽ những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hay những thầy cô giáo đang dạy môn Ngữ văn ở các nhà trường không khỏi không băn khoăn khi mà văn hóa đang được “nhập siêu” nhiều quá trong thời gian qua.

Không chỉ trên phim ảnh mà văn học nước ngoài cũng đang chiếm một số lượng lớn ở các nhà sách.

Những sản phẩm văn hóa của thiếu nhi hiện nay

Những kênh dành cho thiếu nhi ở trên ti vi từ sáng đến khuya hiện nay có rất nhiều phim hoạt hình nước ngoài mà phim nào cũng khiến cho trẻ em thích thú.

Có nhiều bộ phim hoạt hình chiếu đi, chiếu lại cho hàng chục thế hệ người Việt xem mà không nhàm chán cho người xem.

Có những bộ phim của Trung Quốc ra đời gần 40 năm qua, gần như năm nào vào mùa hè cũng được chiếu trên kênh VTV2 nhưng trẻ em vẫn say mê, chăm chú xem.

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những đứa trẻ 2-3 tuổi cho đến khi trưởng thành luôn mê say, đắm chìm trong những bộ phim hoạt hình nước ngoài.

Ra các siêu thị sách, cửa hàng sách dành cho thiếu nhi thì có khá nhiều truyện tranh nước ngoài, có những tác phẩm truyện lên đến hơn 100 tập nhưng vẫn thu hút được học sinh đọc hết tập này lại mua tập khác.

Mỗi tập truyện có giá từ chục ngàn đến vài chục ngàn nhưng hàng trăm tập như vậy cho một đầu sách cũng khiến học sinh Việt Nam phải bỏ ra một số tiền khá lớn để sở hữu hết mỗi bộ truyện.

Cái gì làm nên sự cuốn hút học trò đến vậy? Chắc chắn đó là nội dung, hình ảnh và cả tầm nhìn chiến lược của người làm phim, viết truyện, vẽ tranh và các nhà sản xuất, xuất bản.

Tiền mà người Việt bỏ ra để sở hữu chắc chắn phần lớn sẽ chảy vào túi của các nhà sản xuất, xuất bản, các tác giả nước ngoài…

Nhưng cái mất cơ bản nhất đó là ngay từ nhỏ thì trẻ em Việt Nam đã quá quen thuộc với những bộ phim, những truyện tranh nước ngoài mà thờ ơ với nền văn hóa nước mình.

Còn văn hóa của người Việt mình thì sao?

Trong mấy nghìn năm văn hiến ấy có biết bao nhiêu là những câu chuyện, những nhân vật tiêu biểu, những mốc son chói lọi về lịch sử nhưng tựu trung lại thì truyện cho thiếu nhi có nguồn gốc trong nước bây giờ vẫn chủ yếu là một số truyện cổ tích mà thôi.

Khi con người đã lên đến mặt trăng, khám phá hàng chục hành tinh khác nhau trong mấy chục năm qua thì những câu chuyện về chú Cuội, chị Hằng, Sọ Dừa, thần linh… không đủ sức hút cho người đọc, người nghe nữa?

Rõ ràng, chúng ta đang hẫng mảng truyện, phim ảnh cho thiếu nhi hay đúng ra là chưa làm được những sản phẩm tương xứng để đáp ứng thị hiệu của hàng chục triệu thiếu nhi Việt Nam nên đành để thị trường này cho người nước ngoài khai thác.

Những sản phẩm văn hóa dành cho người lớn thì sao?

Đối với những sản phẩm cho trẻ em thì vậy, còn sản phẩm cho người lớn thực tế cũng chẳng khác là bao nhiêu.

Bây giờ, gần như ai cũng có điện thoại kết nối mạng internet nên phần đông người trưởng thành nước ta cũng lười đọc sách. Sách không còn là những sản phẩm văn hóa được yêu thích, trân quý như trước đây nữa.

Những giáo viên Ngữ văn chụp ảnh lưu niệm trong buổi giao lưu (Ảnh: CTV)

Những giáo viên Ngữ văn chụp ảnh lưu niệm trong buổi giao lưu (Ảnh: CTV)

Những áp lực trong của công việc, sự ra đời của nhiều kênh giải trí khác nhau khiến cho một bộ phận người Việt lãng quên những sản phẩm văn hóa trong nước.

Người Việt mình giờ chuộng nhiều nước ngoài hơn phim sản xuất trong nước.

Những bộ phim truyền hình nước ngoài thường là vài chục tập, thậm chí lên đến hàng trăm tập vẫn được nhiều người đón đợi.

Nhiều chị em phụ nữ còn khóc cười theo từng nhân vật trong phim, chạy theo kiểu tóc này, bộ quần áo kia của diễn viên.

Trong khi đó, phim Việt không nhiều tác phẩm thật sự hấp dẫn và thường rất kén người xem.

Những bộ phim kiểu như Cánh đồng hoang; Mùa gió chướng; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… bây giờ ít gặp.

Sân khấu cải lương, chèo, tuồng…. giờ đây gần như cũng không còn đất diễn.

Những sản phẩm văn học như truyện, tiểu thuyết, thơ ca… của các tác giả người Việt mình viết ra nhưng rất ít ai dám in quá số lượng lớn không bán được, nhiều cuốn sách xuất bản là để bạn bè tặng nhau.

Rõ ràng, nhìn vào thực trạng “nhập siêu văn hóa” hiện nay khiến cho nhiều người chạnh lòng nhưng cái khó là chưa có lời giải tốt cho bài toán này trong bối cảnh hiện nay.

Rất nhiều điều trông chờ vào những người làm văn hóa, sáng tác, giảng dạy và bản thân mỗi người dân trên cả nước để hàng năm chúng ta không phải “nhập siêu văn hóa” nhiều như hiện nay nữa.

KHÁNH VĂN