Tôi có thói quen thường cho con trai của mình đến siêu thị sách để đọc và mua sách vào dịp cuối tuần.
Một phần cũng là cách giáo dục cho con tình yêu sách, khám phá các vấn đề tự nhiên và xã hội, một phần cũng muốn tìm những cuốn sách mới của các tác giả trong nước.
Tuy nhiên, trái ngược với những cuốn truyện tranh của nước ngoài được bày bán la liệt trên các kệ sách với cách trình bày, thiết kế khá đẹp mắt thì sách Việt cho thiếu nhi hiện nay có phần rất khan hiếm.
Phải nói rằng sách dành cho thiếu nhi hàng chục năm qua được xuất bản rất nhiều ở nước ta nhưng đa phần là những đầu sách của các tác giả nước ngoài và những đầu sách này đã chiếm lĩnh thị trường đọc của các em nhỏ.
Những cuốn truyện tranh của nước ngoài được bày bán la liệt trên các kệ sách với cách trình bày, thiết kế khá đẹp mắt (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Điều trăn trở nhất là nước ta có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, mỗi tỉnh cũng có hàng trăm Hội viên Hội văn học Nghệ thuật nhưng chủ yếu là các đầu sách phần nhiều viết cho người lớn đọc.
Những tác giả viết tác phẩm văn học cho thiếu nhi rất hiếm hoi và rất ít người dám theo đuổi đề tài này lâu dài.
Mấy chục năm qua, một số nhà văn tiêu biểu theo đề tài cho thiếu nhi như Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ…hiện nay người thì mất, người thì đã già.
Những đầu sách hay như Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài viết cách đây hơn nửa thế kỷ đã không thấy còn lặp lại nữa.
Điều mà người lớn chúng ta không phủ nhận được là những đầu sách hay, phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của trẻ nhỏ là các em đón đọc rất nhiệt thành.
Chẳng hạn, tác giả Kim Khánh thời gian qua cũng có nhiều đầu sách xuất bản với số lượng rất lớn, có những đầu sách lên đến hàng trăm tập nhưng các em nhỏ vẫn tìm mua như Trạng Quỷnh (329 tập), Cậu bé Rồng (132 tập), Cô Tiên xanh…
Hay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có rất nhiều đầu sách được bạn đọc tuổi mới lớn đón nhận, yêu thích nên các đầu sách này thường được tác giả in và tái bản nhiều lần với số lượng lớn.
Tuy nhiên, với một lượng bạn đọc đông đảo hiện nay thì một vài tác giả hiện tại viết cho thiếu nhi chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của bạn đọc trẻ tuổi.
Những năm qua, mặc dù có một số tổ chức tài trợ, phát động viết, Hội Nhà văn cũng tổ chức một số trại sáng tác viết cho thiếu nhi nhưng sách viết cho lứa tuổi này vẫn rất ít và thường có chất lượng không cao.
Những đầu sách được xuất bản thì hình thức trình bày những đầu sách truyện Việt Nam dành cho thiếu nhi cũng chưa bắt mắt và cuốn hút được các em nhỏ như những đầu sách truyện nước ngoài.
Bởi, hình ảnh minh họa không bắt mắt, chất lượng giấy in không đẹp mà thường thì lượng chữ rất nhiều.
Vì thế, chúng ta chưa thấy có nhiều tác phẩm tạo được những dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.
Các em nhỏ cũng không hào hứng đón nhận như những tác phẩm văn học của nước ngoài như Doraemon, Conan…
Thực tế khi vào các hiệu sách bây giờ, nhìn những đầu sách Việt in cho thiếu nhi cực kỳ hiếm hoi. Quanh đi, quẩn lại vẫn là mấy tập truyện cổ tích, truyện trạng…có từ thời xa lắc lơ nên chưa cuốn hút được các em nhỏ.
Những siêu thị sách được bày hàng phần lớn là sách có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Nhiều đầu sách liên tục được tái bản nhưng vẫn khát hàng. Bởi, các đầu sách không chỉ đẹp mà hình ảnh bên trong cũng rất ấn tượng.
Vào siêu thị sách bây giờ, chỉ thấy các em nhỏ ngồi đọc truyện tranh nước ngoài mới cảm nhận được sự thua thiệt của các em và những thiếu sót của người lớn chúng ta.
Vẫn biết rằng những câu chuyện nước ngoài cũng rất bổ ích cho trẻ nhỏ bởi cách trình bày hấp dẫn, nội dung câu chuyện cũng được tác giả trình bày rất cẩn thận và được biên tập, kiểm duyệt tốt.
Nhưng, có lẽ sẽ hay hơn khi các em có thêm một nguồn sách Việt bởi những quyển sách như vậy không chỉ giúp các em hiểu được văn hóa, tâm hồn của con người Việt Nam ta mà thông qua những câu chuyện như thế sẽ định hình cho các em thấy được những điều gần gũi nhất ở xung quanh mình đang sống.
Chúng tôi có dịp được gặp gỡ và tâm sự với nhiều nhà văn đã từng viết cho thiếu nhi và hỏi vì sao không tiếp tục theo đuổi đề tài này thì đa phần đều nhận được câu trả lời là sách viết cho thiếu nhi thường khó xuất bản hơn các loại sách khác.
Nếu in được thì cũng với một số lượng rất ít bởi thường khó tiêu thụ nên không mấy người đủ đam mê để theo đuổi đề tài này.
Rõ ràng, sách Việt viết cho thiêu nhi những năm qua còn rất hạn chế về cả số lượng và chất lượng và khi bán ra thường ế ẩm thì ngược lại, sách ngoại lại đang tiêu thụ rất tốt và cuốn hút được các em nhỏ.
Chúng ta không chỉ thua các nước ở các lĩnh vực khác mà ngay những điều giản đơn là tìm kiếm món ăn tinh thần cho trẻ em cũng đang thua ngay tại sân nhà.
Có lẽ, đã đến lúc Hội Nhà văn, các nhà quản lý cần hướng tới việc quan tâm nhiều hơn đối với các em nhỏ.
Nếu không, trẻ em Việt Nam sẽ am hiểu văn hóa, con người nước khác cặn kẽ hơn ở nước mình.