Cần một cái kết nhân văn cho các cô giáo Quảng Trị dạy tình nguyện tại Lào

11/07/2020 06:55
Trần Phương
GDVN- Dành 3 năm tuổi trẻ, thanh xuân, khát khao để dạy học bên nước bạn Lào, các cô giáo trở về với hi vọng…nhưng để rồi nhận cái kết không thể buồn hơn.

Tâm sự trong nước mắt

Ngày tốt nghiệp, cô Hoàng thị Ly Ly (sinh năm 1995, ở thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị), được động sang nước bạn Lào để làm giáo viên tiểu học dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều ở thị trấn Sê -nô, tỉnh Savannakhet, Lào.

Là một trong những sinh viên ưu tú nhất của khóa học năm đó Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Ly Ly lên đường với nhiều khát khao, hoài bão.

Gắn bó với các em học sinh và bà con Việt kiều, cô giáo người Việt càng cảm thấy yêu nghề, chân quý những người đồng nghiệp từ Việt Nam xa xôi sang công tác tại nước bạn.

Thành quả cô giáo Ly Ly mừng nhất là các học sinh rất có ý thức học tập rèn luyện và giữ gìn tiếng Việt. Bên cạnh việc học tiếng Việt, các em học sinh còn được cô dạy nhiều về truyền thống văn hóa Việt Nam.

Cô giáo Ly Ly được Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet yêu mến vì những đức tính quý báu của cô.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ngày Ly Ly và các đồng nghiệp phải rời khỏi nước bạn đã đến.

Cô giáo Ly Ly và các đồng nghiệp được trường phổ thông hữu nghị Lào-Việt xác nhận, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hết lòng giảng dạy, giáo dục học sinh bằng sự nhiệt tình của một nhà giáo, phục vụ tốt sự nghiệp giáo dục.

Khấp khởi hi vọng trở về và mang hoài bão từ nắng gió bên kia dãy Trường Sơn, Ly Ly và các đồng nghiệp mong một ngày được đứng trên bục giảng tại quê hương, giảng cho các em về cuộc sống từ những chân trời xa lạ.

Cô giáo Ly Ly đã để lại hình ảnh đẹp của những nhà giáo Việt Nam trên đất nước bạn Lào. Ảnh: NVCC

Cô giáo Ly Ly đã để lại hình ảnh đẹp của những nhà giáo Việt Nam trên đất nước bạn Lào. Ảnh: NVCC

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có quyết định số 10/2014/QĐ-UBND Ban hành Quy chế xét tuyển đặc biệt trong tuyển dụng công chức; xét tuyển và xét tuyển đặc cách trong tuyển dụng viên chức của tỉnh Quảng Trị.

Trong đó có quy định ưu tiên những người được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất là 03 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.

Thế nhưng, cầm giấy chứng nhận về nước, cô giáo Ly Ly và đồng nghiệp của mình mới biết ngày 9/7/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định số 31/2019/QĐ-UBND (gọi là Quyết định 31) để bãi bỏ Quyết định số 10.

Như vậy, những người được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cử đi đã không còn được đặc cách nữa mà họ trở về với con số 0.

“Khi về khấp khởi bao nhiêu thì bây giờ chúng em buồn và thất vọng bấy nhiêu. Đi mô gặp ai cũng hỏi: Đi 3 năm về họ xếp cho dạy mô rồi bé?. Buồn lắm anh ạ, giờ ai hỏi tới là muốn chảy nước mắt anh ạ”, cô giáo Ly tâm sự với phóng viên.

Cô giáo Ly kể về nỗi buồn của những cô giáo trẻ đem giấc mơ hoài bão đi giảng dạy ở nước bạn và phải nhận cái kết đắng cay khi trở về trong nước mắt.

Cùng đợt cô Ly về còn có 7 người, trong số đó, Ly nói còn có những cô giáo đã có gia đình, bỏ lại con thơ để đi làm nhiệm vụ.

Thế nhưng, sau tất cả khát khao, hi vọng chỉ còn lại sự thất vọng đến cùng cực của các cô giáo.

Được biết mức lương tại Lào của cô giáo Ly Ly và các bạn đồng nghiệp khác do Hội người Việt Nam tại Lào trả chỉ hơn 3 triệu đồng.

Khi được hỏi, mình còn trẻ, Ly Ly có dự định đi nữa không, Ly ngập ngừng trong nước mắt, “em ở nhà để lo tương lai ạ, giờ đi xong rồi vẫn vậy chúng em biết phải làm sao”.

Hi vọng cái kết nhân văn

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, việc các cô giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được đưa qua nước Lào giảng dạy dựa trên thoả thuận hợp tác giữa hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet.

Do vậy, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị căn cứ chỉ tiêu đề xuất của Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, thông báo về các địa phương để tuyển dụng giáo viên tình nguyện dạy học tại Lào. Môn dạy chủ yếu là tiếng Việt hai cấp tiểu học và Trung học cơ sở, ngoài ra có âm nhạc, thể dục.

Tiêu chí tuyển chọn giáo viên là trẻ, nhiệt huyết, giao tiếp tốt, chưa vào biên chế ngành, ưu tiên tốt nghiệp loại giỏi.

Lương và thu nhập khác của giáo viên do Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet chi trả.

Cũng theo vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, trước đây, các giáo viên được tuyển đi giảng dạy tình nguyện tại Lào sẽ được ưu tiên đặc cách tuyển dụng khi địa phương có nhu cầu theo quyết định số 10/2014/QĐ-UBND.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định 31/2019/QĐ-UBND thay thế quyết định số 10/2014/QĐ-UBND.

Như vậy các giáo viên hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy tại Lào không nằm trong diện được xét tuyển đặc cách.

Cô giáo Ly Ly và đồng nghiệp bên các em học sinh trên nước bạn Lào. Sau những năm tháng tuổi trẻ bên nước bạn, các cô trở về đối diện với tương lai bấp bênh. Ảnh: NVCC

Cô giáo Ly Ly và đồng nghiệp bên các em học sinh trên nước bạn Lào. Sau những năm tháng tuổi trẻ bên nước bạn, các cô trở về đối diện với tương lai bấp bênh. Ảnh: NVCC

Hiện nay khi các em hoàn thành nhiệm vụ trở về, Sở cũng có văn bản đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo chính sách địa phương. Đó là những đối tượng trước năm 2019.

Sau năm 2020, Sở cũng có kiến nghị có phương án mới, theo đó, Sở kiến nghị nên giao chỉ tiêu cho các địa phương, tuyển dụng trước khi đi.

Giống như diện tình nguyện của Bộ Giáo dục và Đào tạo là lấy giáo viên đã đi dạy rồi.

Tuy nhiên, số lượng giáo viên tại Quảng Trị còn thiếu, bên cạnh đó, giáo viên lâu lăm rồi thì họ lại không đi vì chế độ cũng quá thấp.

Do vậy, cần phải tuyển trước chỉ tiêu và dành 1 chỉ tiêu cho việc làm nhiệm vụ bên nước bạn Lào, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết.

“Đối với các em đã đi tình nguyện bên nước bạn Lào trước năm 2019, trong phiên họp ngày 3/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã giao cho Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tìm phương án xử lý.

Từ ngày 1/7, Quảng Trị có một số giáo viên từ Lào trở về, đa phần các giáo viên này là giáo viên dạy Tiểu học, khi đi, các giáo viên này mới có trình độ Cao đẳng, việc sắp xếp đặc cách tuyền dụng cho các em đang có một số vướng mắc.

Theo đó, cũng từ ngày 1/7, theo quy định tại Luật Giáo dục mới, các giáo viên day Tiểu học phải có trình độ đại học.

Kết thúc năm học 2018-2019 có 5 giáo viên hoàn thành nghĩa vụ dạy học 3 năm ở Lào, còn 5 giáo viên tiếp tục dạy học tại Savannakhet. Ngoài ra vẫn còn khoảng 3 giáo viên đã về nước trước 2019 vẫn chưa được tuyển dụng vào biên chế.

Do vậy, tỉnh đang tìm cách tháo gỡ. Với các trường hợp này chắc là sẽ có chính sách địa phương thôi”, bà Lê Thị Hương thông tin thêm.

Với các giáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ bên nước bạn Lào, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũng đã mời lên Sở làm việc để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các giáo viên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũng đã thay mặt các giáo viên làm nhiệm vụ tại nước bạn Lào trình bày nguyện vọng trên diễn đàn của Ủy ban.

Được biết, các cô giáo hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện tại Lào cũng đã có đơn kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Hi vọng, sau những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho tình hữu nghị giữa 2 tỉnh, 2 nước, các cô giáo tình nguyện tại Lào của tỉnh Quảng Trị sẽ có một cái kết nhân văn hơn.

Các cô giáo sẽ có một tương lai tươi sáng hơn sau những tháng ngày vất vả bên kia dãy Trường Sơn.

Trần Phương