Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 4 Dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến Trung học phổ thông công lập đã thu hút nhiều ý kiến dư luận.
Cô giáo Trịnh Hà, giáo viên trường Trung học cơ sở Bưng Riềng (Bà Rịa – Vũng Tàu) lo lắng:
“Em đọc Dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học học cơ sở công lập lúc đầu rất mừng; thế là mình có bằng đại học sẽ được hưởng lương đại học.
Thế nhưng đọc kỹ hơn, thấy rất băn khoăn lo lắng; mình có bằng đại học nhưng lại chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III.
Như vậy, dù có bằng đại học chính quy loại giỏi, vẫn hưởng lương cao đẳng vì thiếu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III”.
Hàng loạt giáo viên sẽ “rớt hạng” dù đã đạt chuẩn bằng cấp chì vì... chứng chỉ bồi dưỡng? (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến) |
Băn khoăn của cô giáo Trịnh Hà không phải là cá biệt, mà là băn khoăn lo lắng của rất nhiều giáo viên trong hoàn cảnh tương tự.
Điểm d, khoản 3, Điều 4, Dự thảo thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học học cơ sở công lập ghi rõ: Giáo viên trung học cơ sở hạng III về Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III. [1]
Giáo viên trung học cơ sở dù có bằng cử nhân, nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, cũng sẽ bị xếp hạng IV!
Điều này có nghĩa hàng loạt giáo viên trung học cơ sở mới tuyển có bằng cử nhân; giáo viên đã tự nâng chuẩn, bằng cách bỏ tiền túi đi học, sẽ trở nên vô nghĩa.
Hàng loạt giáo viên sẽ “rớt hạng” dù đã đạt chuẩn bằng cấp chì vì... chứng chỉ bồi dưỡng.
Bằng cử nhân trở nên thua kém cả ... chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III!
Giáo viên Trung học cơ sở hạng III có cần Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III không?
Điều 6, khoản 2, Thông tư liên tịch số: 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập ghi rõ:
Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số V.07.04.12, “Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên hoặc cao đẳng các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin”. [2]
Như vậy, Thông tư liên tịch số: 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập không quy định giáo viên trung học cơ sở hạng III phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III.
Khi Luật giáo dục có hiệu lực, giáo viên hạng III phải có bằng cử nhân; còn điểm b, c của Điều 6, khoản 2, Thông tư liên tịch số: 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV giống tuyệt đối điểm b, c khoản 2, Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng ở Điều 4 của Dự thảo thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học học cơ sở công lập[1].
Vì vậy bỏ điểm d, khoản 3, Điều 4 của dự thảo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học cơ sở công lập là hợp tình, hợp lý; giáo viên đã có bằng cử nhân thì được hưởng lương của bằng cử nhân cũng là cách động viên những giáo viên hạng IV phải thực hiện lộ trình nâng chuẩn có động lực học tập.
Giáo viên rất muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ trong dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến Trung học phổ thông công lập.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1492
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-22-2015-TTLT-BGDDT-BNV-ma-so-tieu-chuan-giao-vien-trung-hoc-co-so-cong-lap-292333.aspx