Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 4 Dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến Trung học phổ thông công lập đã thu hút được nhiều ý kiến dư luận.
Có ý kiến cho rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu nên dự thảo mới hệ số lương cho giáo viên hạng I ở một số cấp học sẽ rất lý tưởng bởi hệ số cao nhất lên đến 6,78; trong khi đó hệ số cao nhất hiện tại là 4,98.
Thế nhưng với rất nhiều giáo viên để đạt được hạng I là con đường quá xa vời so với thực tế hiện nay.
Đã có nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ và cả chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Người viết bài chỉ bàn về Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học phổ thông công lập; để làm rõ cái khổ của giáo viên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thêm cho giáo viên “giấy phép con” không đáng có trong dự thảo trên.
Với rất nhiều giáo viên, để đạt được hạng I là con đường quá xa vời so với thực tế hiện nay. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Điều 3, khoản 3, điểm d của dự thảo có viết:
“Điều 3. Giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số…..
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III”. [1]
Tôi đề nghị bỏ điểm d, khoản 3, Điều 3 của dự thảo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học phổ thông công lập.
Lý do bỏ điểm d, khoản 3 Điều 3:
Điều 6, khoản 2 Thông tư liên tịch số: 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập [2] có ghi rõ:
“Điều 6. Giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số V.07.05.15
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin”.
Như vậy, Thông tư liên tịch số: 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập không quy định giáo viên trung học phổ thông hạng III phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III.
Vì vậy bỏ điểm d, khoản 3, Điều 3 của dự thảo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học phổ thông công lập là cần thiết, tránh đi cho giáo viên phổ thông trung học phải học một chứng chỉ không cần thiết vì nội dung đã được dạy trong trường sư phạm và quá trình bồi dưỡng thường xuyên.
Giấy phép con làm khổ xã hội, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện của giáo viên bỏ đi các chứng chỉ không cần thiết, để giáo viên tập trung vào giảng dạy, thay vì làm hồ sơ đẹp mà sao nhãng công tác của mình.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1493
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-lien-tich-23-2015-TTLT-BGDDT-BNV-ma-so-tieu-chuan-chuc-danh-giao-vien-trung-hoc-pho-thong-292405.aspx