Giáo viên giảm giá dạy thêm lớp chủ nhiệm và mặt trái tấm giấy khen

17/07/2020 06:05
KIM OANH
GDVN- Cái vòng luẩn quẩn bệnh thành tích, học thêm cứ lặp đi, lặp lại theo một chu kỳ của năm học và với thực tế hiện nay thì cũng chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Đi dự lễ tổng kết năm học của đứa con đang học lớp 7 về mà trong lòng chúng tôi cứ băn khoăn với nhiều câu hỏi không thể lý giải được.

Lớp học có 49 học sinh thì có 33 em được khen thưởng học sinh giỏi, 14 em được khen thưởng học sinh tiên tiến, chỉ có 2 em xếp loại trung bình.

Học sinh giỏi nhiều đến mức ngày tổng kết thì Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu học sinh xếp loại học lực khá trở xuống thì ở nhà, chỉ có học sinh giỏi được đi dự lễ tổng kết.

Học sinh giỏi nhiều vậy mà sao đầu năm học thì giáo viên nhiều bộ môn nhắn trên nhóm zalo của lớp có nhiều em yếu kém phải học thêm.

Và, những ngày chưa tổng kết thì giáo viên đã liên tục đề cập chuyện học thêm trong dịp hè, giáo viên còn quảng cáo lớp học thêm hè cho học sinh với mức giá cụ thể từng môn học.

Học sinh giỏi càng nhiều thì học thêm càng lắm (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: VOV.vn)

Học sinh giỏi càng nhiều thì học thêm càng lắm (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: VOV.vn)

Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt từ trước đến nay bởi một năm học mà học sinh phải nghỉ học đến gần 3 tháng trời để tránh dịch bệnh.

Rất nhiều đơn vị kiến thức đã được Bộ yêu cầu tinh giản, rất nhiều bài học phải dạy trực tuyến và dạy qua truyền hình nhưng học sinh giỏi cuối năm học vẫn không hề thua kém các năm học trước đây!

Liệu những thành tích mà học sinh đạt được, những danh hiệu mà học sinh được khen có phải tất cả đều xứng đáng hay không?

Bởi, nếu học sinh giỏi nhiều như vậy thì cớ gì giáo viên cứ phải nhấn mạnh các yếu tố khác nhau để kéo học sinh về nhà học thêm.

Học thêm vì thành tích hay vì…thầy cô?

Trên danh nghĩa chỉ có giáo viên tiểu học là bị cấm dạy thêm còn giáo viên các cấp học khác thì Bộ và các cơ quan quản lý, Ban giám hiệu nhà trường không cấm.

Nhưng, với cách dạy thêm tràn lan không có sự kiểm soát như hiện nay, nhất là ở khu vực đô thị thì yếu tố học thêm chưa hẳn là chất lượng thật được xem trọng.

Đặc biệt, như năm học này sau kỳ nghỉ dịch bệnh dài ngày thì giáo viên vẫn tiếp tục mở lớp dạy thêm cho dù có địa phương ra văn bản chỉ đạo cấm. Nhưng, chỉ cấm trên văn bản còn thực tế diễn ra như thế nào thì không ai kiểm soát được.

Học sinh đi học thêm là đương nhiên có điểm cao- đó là một thực tế của nhiều giáo viên đang dạy thêm hiện nay.

Học sinh được điểm cao chưa hẳn đã là các em học giỏi mà cái chính là những đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ đã được “làm nháp” ở lớp học thêm.

Năm nay, cũng vì dịch bệnh nên đa phần các địa phương cho trường chủ động toàn bộ khâu ra đề. Thế là đề kiểm tra học kỳ đã được nhiều thầy cô “bật mí” trong những lớp học thêm, rồi các em học sinh truyền tai nhau…

Những môn không dạy thêm thì thầy cô ôn cũng “rất sát” nên học sinh cũng không phải học hành nhiều mà vẫn có điểm cao. Vì thế, mới dẫn đến tình trạng nhiều trường học vẫn loạn điểm giỏi, danh hiệu học sinh giỏi.

Chúng tôi vào phần mềm điểm điện tử của nhà trường thấy có những môn học mà cả khối có vài trăm học sinh nhưng chỉ vài ba em học lực trung bình, nhiều môn học có tới 70-80% đạt điểm giỏi.

Học giỏi nhiều vậy sao phải học thêm hè?

Năm học này, theo kế hoạch thì học sinh trên cả nước chỉ được nghỉ hè tối đa là 1,5 tháng- so với các năm trước là rất ít.

Đáng lẽ ra, thầy cô là những người đã dạy cho học sinh của mình suốt cả năm học, bản thân mình đã tổng kết cho học sinh nhiều điểm giỏi như vậy thì phải rất mừng và để cho học sinh nghỉ hè cho trọn vẹn.

Nhưng, chưa kết thúc năm học thì giáo viên đã nhắn lên zalo của nhóm lớp cho phụ huynh để đề cập đến việc học thêm vào mùa hè.

Mỗi tháng học thêm có học phí từ 300-400 ngàn đồng, mỗi tuần học 2 buổi, mỗi buổi học 90 phút có lẽ là cái giá không hề rẻ chút nào.

Hình ảnh chụp từ zalo mà giáo viên đã "nhắn nhủ" với phụ huynh (Ảnh: Kim Oanh)

Hình ảnh chụp từ zalo mà giáo viên đã "nhắn nhủ" với phụ huynh (Ảnh: Kim Oanh)

Học thêm hè thì học cái gì? Bao giờ giáo viên dạy thêm cũng đưa ra những lý do quan trọng là hệ thống lại kiến thức lớp cũ để lôi kéo học trò đến học thêm.

Có những môn học vào lớp thì thầy cô chỉ ra 1, 2 bài tập cho học sinh làm, cuối buổi cho một em học tốt nhất lên chữa, thầy cô chỉ sửa lại khi học sinh làm sai rồi yêu cầu học sinh chép vào vở học thêm.

Tâm lý nhiều phụ huynh là sợ con mình không học thêm thì sa vào các trò chơi trực tuyến, sợ năm tới không bằng bạn bè nên cho đi học thêm.

Một số giáo viên thì tận dụng tối đa thời gian để kiếm thêm thu nhập cho mình và bao giờ cái chiêu trò sau khi tổng kết thì những em học sinh giỏi, học sinh khá ấy lại là những học sinh yếu chỗ này, hạn chế chỗ kia để phụ huynh lo lắng.

Mới học thêm ở thời gian hè, đầu năm học thì học sinh đa phần đều yếu, cuối học kỳ, cuối năm học thì những học sinh yêu đó lại có bước nhảy phi thường để đạt điểm 9, điểm 10 và đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

Nhưng, sau cái giây phút huy hoàng được lên bục nhận thưởng cuối năm thì đa phần những học sinh đó lại trở thành những học sinh…cần phải học thêm.

Cái vòng luẩn quẩn bệnh thành tích, học thêm cứ lặp đi, lặp lại theo một chu kỳ của năm học và với thực tế hiện nay thì cũng chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt được được tình trạng này.

Bởi, bao giờ người dạy cũng có lý do chuyện học thêm của học sinh là nhu cầu của phụ huynh! Phụ huynh thì thấy con mình không đi học thêm thì thua thiệt với bạn bè, thua về điểm số.

Thế là cái vòng xoáy dạy thêm, học thêm cứ diễn ra đều đều từ năm này sang năm khác như một ma trận đã bày sẵn.

KIM OANH