Ai đang tiếp tay cho bệnh thành tích, giả dối trong ngành giáo dục?

29/12/2019 06:12
NHẬT DUY
(GDVN) - Muốn triệt tiêu được “bệnh thành tích”, “bệnh giả dối” trong giáo dục phải bắt đầu từ những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường.

“Bệnh thành tích” trong giáo dục đã bùng phát từ nhiều năm qua mà chưa có “thuốc đặc trị” chặn đứng được căn bệnh này nên sau mỗi học kỳ, mỗi năm học thì chúng ta lại thấy loạn học sinh giỏi, học sinh xuất sắc.

Khi “bệnh thành tích” lên ngôi cũng là lúc những giả dối được những người trong cuộc áp dụng tối đa. Nhà trường áp dụng chỉ tiêu, giáo viên cũng đua nhau nâng điểm cho học trò.

Người dạy giỏi, lớp giỏi điểm cao đã đành, người dạy yếu, học sinh học kém cũng có chất lượng dạy và học cao ngất ngưởng. Nếu cứ để tình trạng này tiếp tục “phát triển” thì tương lai học sinh nước nhà sẽ khó khăn lắm mới tìm được học sinh có học lực yếu.

Bệnh thành tích, giả dối trong ngành giáo dục ngày càng nhiều hơn. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Bệnh thành tích, giả dối trong ngành giáo dục ngày càng nhiều hơn. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Chúng ta đều biết, không có cha mẹ nào mong muốn con mình học yếu, không có thầy cô nào lại muốn học trò mình không tiếp thu được bài. Nhưng, giữa mong muốn và thực tế giảng dạy, học tập tại các nhà trường lại thường rất xa nhau.

Số học sinh chịu khó học hành, tiếp thu bài nhanh vẫn có nhiều nhưng không thể là đa số học sinh trong lớp, trong trường. Nhiều em học rất chậm và yếu nhưng khi tổng kết vẫn đạt được loại cao. Những học sinh xếp loại trung bình trong các trường học bây giờ không nhiều.

Học sinh đạt điểm cao bằng chính năng lực của mình thì đó là điều đáng vui mừng cho gia đình và nhà trường nhưng thực học của học sinh yếu mà vẫn được tổng kết điểm cao, vẫn được nhận danh hiệu và khen thưởng thì đó là một thất bại của giáo dục.

Giữa thật- giả đan xen với nhau, hòa quyện với nhau làm mất đi những giá trị thực sự trong các nhà trường. Nhiều em vì thế mà không còn động lực để học tập, xem thường chuyện học và đương nhiên cũng không còn biết sợ, biết mắc cỡ khi không thuộc bài, không nắm được kiến thức cơ bản.

Đề khó…có thầy cô!

Một nghịch lý mà chúng ta đang thấy là nhiều khi giáo viên kêu các đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa khó, phụ huynh than phiền là đề cương ôn học kỳ khó, có những bài tập, đề kiểm tra cấp tiểu học mà phụ huynh không thể giải được.

Ai đang tiếp tay cho bệnh thành tích, giả dối trong ngành giáo dục? ảnh 2Em không nâng, phải gánh thành tích của cả trường đấy?

Nhưng, kết quả học tập, kết quả kiểm tra học kỳ của học trò luôn cao. Không chỉ điểm khá mà các em cấp tiểu học đa phần đạt điểm 9, điểm 10. Phải là những điểm đẹp nhất, cao nhất thì học sinh mới được khen thưởng chứ?

Học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cũng có nhiều kiến thức khó, cũng có những bài kiểm tra mà nhiều học sinh không làm được. Nhưng, cứ nhìn điểm tổng kết thì chúng ta phải thừa nhận một điều là học sinh đều đạt điểm đẹp. Phải điểm đẹp mới có nhiều học sinh khá giỏi.

Đề kiểm tra ai ra, bài kiểm tra của học trò ai chấm, điểm tổng kết cho học sinh ai tổng kết? Tất nhiên phải là giáo viên dạy lớp chấm bài và tổng kết cho học trò? Vậy, tại sao kiến thức khó, đề kiểm tra khó, nhiều học sinh học yếu mà các em lại toàn  đạt điểm cao- đó mới là mấu chốt của vấn đề.

Khó nhưng khi kiểm tra thì giáo viên ôn cực sát, bài kiểm tra học kỳ thì được lấy từ các bài kiểm tra định kỳ nên học sinh đã từng làm rồi. Trước khi kiểm tra học kỳ thì giáo viên ôn đi, ôn lại những nội dung kiểm tra, thậm chí có giáo viên cho học sinh biết trước đề, giải trước đề.

Ngày kiểm tra chỉ cần học sinh tái hiện lại là đương nhiên có điểm cao. Cấp trên biết điều này nhưng cũng đôi lúc lờ đi, hoặc có về kiểm tra, chấm thẩm định bài kiểm tra thì cũng không thể nào bắt bẻ được vì giấy trắng mực đen trên bài kiểm tra đã thể hiện sự “trung thực” đó là bài của học trò.

Một số giáo viên chủ nhiệm tiểu học còn trắng trợn đề nghị giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục thay đổi kết quả học tập của học trò để được khen thưởng vì điểm các môn kiểm tra lấy điểm đều 9 và 10. Nhưng, vì sao học sinh có nhiều điểm 9 và 10 thì giáo viên chủ nhiệm rõ hơn tất cả.

Một số giáo viên chủ nhiệm cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông còn đề nghị giáo viên Văn, Toán điều chỉnh điểm để học sinh được điểm khá, giỏi vì các em học sinh đạt điểm trung bình các môn loại khá, giỏi nhưng vì khống chế điểm Toán và điểm Văn theo Thông tư 58 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chính cách thương học trò “không đúng cách” bởi vì chuộng hình thức, hư danh mà nhiều giáo viên đang góp phần làm cho “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục ngày càng bùng phát.

Ai chữa được bệnh thành tích, bệnh giả dối trong ngành giáo dục bây giờ?

Ai đang tiếp tay cho bệnh thành tích, giả dối trong ngành giáo dục? ảnh 3Thành tích, danh hiệu và nỗi buồn xin điểm ở cấp Tiểu học!

Trường học là nơi đào tạo con người, là nơi nuôi dưỡng cho con người những giá trị cốt lõi nhất để trưởng thành nhưng trường học còn giả dối thì biết tin vào ai bây giờ?

Muốn kìm hãm bệnh thành tích trong giáo dục thì điều đầu tiên phải thay đổi từ cấp vĩ mô. Lãnh đạo ngành giáo dục, các Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện không áp chỉ tiêu một cách cứng nhắc mà cần nhìn nhận thực tế của ngành mình, địa phương mình mà giao chỉ tiêu cho các đơn vị nhà trường.

Các trường học, đặc biệt là các thành viên Ban giám hiệu không nhất thiết phải “xấu hổ” khi họp hành, giao ban. Điểm của trường mình thấp nhưng đánh giá đúng đó mới là niềm tự hào vì thầy cô giáo đã hướng học trò tới giá trị thật.

Không cần thiết phải làm mọi cách để được “rửa tai” bằng những lời có cánh, không nhất thiết phải có danh hiệu thi đua tập thể cuối năm mà phải làm mọi cách để đạt được.

Thầy cô giáo phải là người trung thực nhất để "nói không" với bệnh thành tích. Không cần “nâng uy tín” của mình khi hào phóng cho điểm học trò một cách tùy tiện.

Không đổi trắng, thay đen bằng cách những điểm thấp của học trò thì cho kiểm tra lại hoặc “cấy điểm” cao vào. Khi kiểm tra không “tháo khoán” không lờ đi những hành vi quay cóp của học trò.

Thầy cô cũng đừng dùng chiêu trò kéo học trò đến nhà dạy thêm rồi khi kiểm tra cho học sinh biết đề trước đề bài để học trò có điểm cao mà thấy cô được khen là “dạy giỏi”.

Muốn triệt tiêu được “bệnh thành tích”, “bệnh giả dối” trong giáo dục phải bắt đầu từ những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường chứ không thể là ai khác.

Nói gì thì nói, lãnh đạo có quở trách cũng chỉ có một vài lần trong cuộc họp còn việc giảng dạy trong nhà trường là cả năm học và cách giáo dục, đánh giá học lực của học trò có ảnh hưởng đến cả một đời người.

Thầy cô đánh giá học trò bằng sự giả dối, hư danh thì tương lai xã hội cũng sẽ có những con người giả dối. Bởi các em đã được “nuôi dưỡng” tinh thần này từ những lúc 6,7 tuổi đầu- khi các em mới chập chững bước vào trường học!

NHẬT DUY