Nhiều chuyên gia đã phân tích về sự tổn thương tâm lý của lứa tuổi học sinh nhất là các em bậc Tiểu học, đây là lứa tuổi đang hình thành nhân cách.
Xã hội nhiều lần lên án việc chạy theo thành tích của ngành giáo dục cũng như cư xử thiếu tính giáo dục của một vài giáo viên.
Nhưng ngay thời điểm hiện tại cách khen ngợi trẻ không có tính sư phạm lại dễ làm trẻ bị tổn thương tâm lý, thậm chí nó ám ảnh theo em đó suốt những năm ngồi ghế nhà trường.
Cô Lê Thị Nếp: " Giáo dục rất cần sự yêu thương". Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Nếp - Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình, chia sẻ:
“Cán bộ giáo viên trường chúng tôi thật sự không đồng tình, bất bình và cảm thấy ái ngại sau khi xem bức ảnh cả lớp giơ giấy khen nhưng một học sinh lại không có gì với nét mặt rất buồn.
Tâm lý trẻ em rất nhạy cảm, giáo viên khoe nhưng cái sự khoe ở đây không khéo thành ra phản tác dụng, sự không khéo đó nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của em học sinh đó.
Đừng nghĩ rằng các em chưa nhận thức được mà ngược lại các em hiểu rất rõ, các em được nhận giấy khen thì tâm trạng rất vui trong khi một mình em đó ngồi thu lu ở góc bàn thì quả là đáng thương và tủi thân.
Mình không thiếu gì cách khen và cũng không thiếu gì cách để khoe, nhưng với kiểu khoe như vậy thì với tư cách là giáo viên Tiểu học tôi hoàn toàn không tán thành. Bản thân người lớn cũng sẽ buồn nếu bị như vậy mà ở đây là trẻ em.
Trong giáo dục đại trà hiện nay thì chúng ta đang lạm dụng giấy khen có thể nói là quá mức, khen quá nhiều và khen không đúng, khen không trúng, không thực chất.
Ngay lớp tôi đang dạy có 34 học sinh nhưng cuối năm vừa qua chỉ có 7 học sinh được giấy khen vì hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện, có 8 em được đi dự thi Trạng nguyên qua mạng, Toán trên Internet…đã đạt giải và nhận giấy khen.
Vậy cả lớp có 15 em được nhận giấy khen trên tổng số 34 học sinh, tôi thấy việc khen ngợi các em như vậy rất trúng và thực chất, có thế thì học sinh mới tâm phục khẩu phục mặc dù những em học sinh còn lại không phải là học kém, cũng chỉ thua các bạn được bằng khen một khoảng cách rất ngắn".
7 em học sinh lớp 1C Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình, được giấy khen vì hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện, trên sĩ số lớp 34 học sinh. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Theo cô Nếp: "Nói như vậy không phải chúng tôi tiết kiệm sự khen ngợi học sinh mà hàng ngày trong mỗi giờ lên lớp, trong mỗi hoạt động thì tôi vẫn khen học sinh bằng lời.
Với những năng lực, kỹ năng, phẩm chất… các con đã đạt được trong giờ học thì tôi khen ngay lập tức và tôi cũng không bao giờ tiết kiệm lời khen.
Nhưng đến cuối năm học để có một tờ giấy khen đúng nghĩa ghi nhận sự cố gắng chăm chỉ của học sinh, được phụ huynh tôn trọng và cảm thấy đúng, xứng đáng thì tờ giấy khen đó mới có ý nghĩa.
Chứ mình cứ phát giấy khen đại trà với số lượng quá nhiều như hiện nay thì tờ giấy khen đó không còn giá trị gì.
Cũng như chúng tôi, nếu một giáo viên đứng lên nhận bằng khen đại trà của cấp huyện, cấp tỉnh… thì chưa chắc đã được các đồng nghiệp tâm phục, mất đi ý nghĩa.
Một tờ giấy khen có ý nghĩa, được tôn vinh từ những việc mình đạt xuất sắc nhất và chỉ mình mình đạt được.
Còn nếu cứ phát giấy khen cho đủ bộ, rồi nhìn mặt phụ huynh để phát, nhìn ông nọ bà kia để nhận xét kết quả học tập thì tôi thấy hoàn toàn không được.
Trong các buổi họp phụ huynh của lớp tôi chủ nhiệm, tôi nói rõ khi dạy và đánh giá các em thì phụ huynh phải thông cảm rằng tôi sẽ đánh giá thực chất.
Không phải nhìn mặt các bậc phụ huynh để tôi đánh giá các em, còn khi đã đánh giá thì đó là kết quả đúng và trúng.
Xin phép các bậc phụ huynh đừng lấy việc đó để mà giận vì tôi không làm được những điều phụ huynh mong muốn, tôi thấy năng lực của các em thế nào thì tôi đánh giá như thế, không thiên vị hay chạy theo thành tích”.
Cô Nếp cho biết: “Trong trường tôi việc khen thưởng được quy đinh rõ ràng, bản thân Hiệu trưởng cũng rất tâm lý và nghiêm khắc.
Không bao giờ chúng tôi khen quá nhiều trong một tập thể lớp vì việc đó sẽ mất đi ý nghĩa, không mang lại hiệu quả cao trong giáo dục. Với những em có học lực yếu trong lớp, tôi sẽ chọn một điểm nổi bật gì đó của các em để mà khen ngợi trước lớp, có thể là về năng lực thể thao, vẽ đẹp, tin học hoặc đầu tóc gọn gàng…
Chả lẽ những em học sinh đó không thể có điểm gì đáng được khen hay sao? Với những em như vậy thì giáo viên phải bám vào một đặc điểm gì đó để khuyến khích các em cố gắng.
Mình sẽ khen từng mặt mạnh của em đó để làm sao cho em đỡ tủi thân trong một tập thể lớp, hơn nữa đó sẽ là động lực giúp em tiến bộ và cố gắng hơn trong học tập”.
8/34 em học sinh lớp 1C Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình, được đi dự thi Trạng nguyên qua mạng, Toán trên Internet…đã đạt giải và nhận giấy khen. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Phụ huynh suy nghĩ gì?
Chị Ngọc Trâm, Cầu Giấy, Hà Nội nêu quan điểm: “Theo tôi thì phụ huynh họ không thể tự vào lớp học để chụp những tấm ảnh như vậy, mà ở đây là có sự sắp đặt của giáo viên.
Tấm ảnh này thể hiện thành tích của giáo viên chứ không phải là mục đích để tuyên dương học sinh giỏi.
Mọi hành động của giáo viên trên lớp đều ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, làm sao để khi các con nhìn vào phải tự mình thấy cần phải cố gắng hơn, đấy mới là điều cần thiết chứ không phải để các con thấy tự ti, tủi thân.
Nếu tôi là mẹ cháu học sinh kia thì thực sự tôi thấy rất rất buồn và thương con vô cùng. Vẫn biết con mình có thể yếu mặt nào đó không được như giáo viên mong muốn nhưng cháu không đáng bị đối xử như thế, không hề có tính giáo dục trong một hoàn cảnh như vậy.
Tôi cũng trách cô giáo vì tại sao lại chụp tấm ảnh như đó? Trong khi cô quá rõ có một vài học sinh trong lớp không theo kịp các bạn về khả năng.
Nếu như sự việc cứ im lặng trôi qua thì không nói làm gì, đằng này còn đưa lên mạng xã hội và bàn tán thì thật sự hành động đó không thể nào chấp nhận được.
Thật xót xa khi thấy con mình trở nên lạc lõng giữa “rừng” giấy khen của cả lớp. Hình ảnh đó cho thấy sự phản cảm, phản giáo dục, thể hiện sự phô trương, thích hình thức.
Nay lại chụp con mình như vậy thì quá là xúc phạm danh dự một đứa trẻ và phụ huynh của cháu, cho dù giáo viên vô tình hay cố ý. Tôi thấy thương con mình nhiều hơn và cũng cảm thấy mất niềm tin vào giáo dục.
Có thể nghĩ hơi bi quan nhưng là tôi thì tôi sẽ chuyển trường cho cháu, cứ để cháu ở lại lớp đó thì chắc cháu cũng không học được sau sự việc chụp ảnh kia, rồi rất nhiều những bình luận, còn các bạn cháu nghĩ sao về việc này?”.
Cô Lê Thị Nếp và các em học sinh lớp 1C Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Đồng tình với những quan điểm trên khi trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sỹ Lê Thị Túy - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, chia sẻ quan điểm:
“Tổn thương hay chấn thương tâm lý của những đứa trẻ là quá rõ ràng, trẻ bị tổn thương là khi có sự bỏ rơi về mặt tâm lý, thiếu quan tâm.
Điều quan trọng nữa sẽ làm tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần cho em học sinh này là khi về nhà mà không có tờ giấy khen để khoe với bố mẹ.
Nếu những hành động kiểu như tặng giấy khen tràn lan, chụp ảnh kiểu này vẫn còn tiếp diễn thì trẻ sẽ có những thái độ tiêu cực, thiếu tự tin hoặc ngược lại sẽ trở nên lỳ lợm, chống đối.
Sang chấn tâm lý hay tổn thương về cảm xúc không hề đơn giản, trẻ con giàu cảm xúc nhưng cũng dễ bị tổn thương nếu như trẻ cảm thấy mình bị cô lập, tách biệt trong lớp học”.
Bà Túy nói: “Hiện nay tôi thấy lớp học gần như em nào cũng được nhận đủ loại giấy khen, như vậy là quá dễ dãi trong việc khen thưởng.
Chính điều này gây ra hiệu ứng ngược về tâm lý, nếu giấy khen là thứ dễ dàng đạt được thì nó không còn trở nên đáng quý trọng và sẽ không khiến cho các em học sinh nỗ lực phấn đấu để đạt được.
Bệnh thành tích có lẽ đã trở thành một vấn nạn, càng đáng suy ngẫm hơn khi các em học sinh được sống trong một nền giáo dục đang lấy những tờ giấy khen làm thành tích. Giáo dục mà đề cao giấy khen hình thức, bằng cấp, sẽ tạo ra những máy học vẹt”.
Bà Túy nhấn mạnh: “Thực tế xã hội đã cho thấy, việc tốt nghiệp đại học và những sinh viên có bằng cấp cao giờ đây không còn là hiếm.
Đó mới là điều quan trọng và đáng phải suy nghĩ một cách nghiêm túc, chứ không phải chỉ chạy theo những bệnh thành tích, những tờ giấy khen vô nghĩa”.