Tại buổi tọa đàm "Nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định tựu trường đối với khối phổ thông tư thục" do Tạp chí điện tử Giáo Dục Việt Nam tổ chức, lãnh đạo các trường tư thục đã ký đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không nên quy định học sinh trường tư thục phải tựu trường như học sinh trường công (phải nghỉ hè 3 tháng).
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (người đầu tiên bên phải ảnh) và các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Tùng Dương. |
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ:
“Trường tư thục ra đời, hoạt động và phát triển theo đường lối khuyến khích xã hội hóa của Đảng và nhà nước.
Đặc thù của trường tư thục là phải tự lo tất cả, nhà nước không hỗ trợ, khác hẳn với trường công lập.
Nếu mỗi năm có 3 tháng nghỉ hè đóng cửa trường thì đồng nghĩa với việc các thầy cô không có lương trong thời gian đó, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.
Đồng thời việc nghỉ đó sẽ phá vỡ cam kết với cha mẹ học sinh khi nhà trường công bố tuyển sinh từ đầu năm học.
Nếu tạm dừng dù chỉ 1 tháng thôi là học sinh không có chỗ học các môn năng khiếu, không có chỗ chơi, không có nơi trông nom các em khi cha mẹ đi làm, lêu lổng đầy nguy hiểm rình rập ngoài xã hội.
Thời đại 4.0 rồi, mọi người không ai để lãng phí thời gian dù chỉ là 1 phút đồng hồ, nay lại cho những đứa trẻ đang tuổi ăn học nghỉ để chơi không 3 tháng thì quả là lãng phí.
Lứa tuổi này các em còn phải học nhiều thứ để phục vụ cho cuộc sống hiện đại sau này, chứ không phải là chỉ học mỗi kiến thức trong sách giáo khoa”.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ: “Thời đại 4.0 rồi, mọi người không ai để lãng phí thời gian dù chỉ là 1 phút đồng hồ, nay lại cho những đứa trẻ đang tuổi ăn học nghỉ để chơi không 3 tháng thì quả là lãng phí". Ảnh: Tùng Dương. |
Đồng ý với những quan điểm trên, nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết: “Đây là lúc Bộ trưởng cần phải xem xét thấu đáo và có những quyết định chính xác, kịp thời.
Trường tư thục ngoài thực hiện mục tiêu của Bộ Giáo dục thì chúng tôi còn có những mục tiêu khác nữa, không có những mục tiêu này thì không thể thu hút được học sinh.
Trường tôi được công nhận là trường chất lượng cao thì bắt buộc chúng tôi phải có 20% thời lượng của chương trình nhà trường, ngoài việc giáo dục kiến thức ra thì còn phải giáo dục trẻ em phát triển toàn diện.
Từng giảng dạy nhiều năm nên tôi nhận thấy tất cả những kỹ năng của học sinh đều hình thành từ bậc Tiểu học.
Nên chúng tôi đã đưa ra rất nhiều chương trình để hình thành kỹ năng cho học sinh, hướng tới hình thành kỹ năng công dân toàn cầu.
Để hoàn thành khối lượng công việc như vậy thì không thể bó gọn trong 9 tháng học được. Vậy tôi đề nghị cho học sinh khối tư thục được tựu trường sớm trước 1 tháng để kịp thực hiện chương trình của nhà trường”.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết: “ Đây là lúc Bộ trưởng cần phải xem xét thấu đáo và có những quyết định chính xác, kịp thời". Ảnh: Tùng Dương. |
Theo bà Hiền: “Nếu chúng ta quay lại đợt nghỉ phòng dịch Covid -19 vừa qua thì thấy có nhiều cha mẹ học sinh không biết gửi con ở đâu, cuối cùng gửi về quê mặc dù không muốn, và đã có trường hợp đáng tiếc trẻ bị đuối nước.
Thời gian 3 tháng nghỉ hè mở cổng trường không phải để dạy chương trình mới, mà để học sinh tham gia các hoạt động lành mạnh, cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh.
Vậy nên việc được tựu trường sớm là nhu cầu thực sự của phụ huynh cũng như các em học sinh”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Qua vấn đề chúng ta bàn tại buổi Tọa đàm ngày hôm nay tôi thấy cách làm của Bộ Giáo dục mang tư duy như cách đây 20 năm.
Nếu như chúng ta vẫn dùng một công thức chung để áp cho mọi đối tượng như vậy sẽ là cứng nhắc, không phù hợp.
Bộ Giáo dục nên có những quy định mang tính nguyên tắc khung, ví dụ nguyên tắc số 1 là đảm bảo lợi ích, theo nhu cầu của người học, không quá tải kiến thức, đảm bảo sức khỏe học đường…
Nó thành một nguyên tắc trên thế giới bao giờ họ cũng lấy người học làm trung tâm để từ đó xây dựng chính sách.
Thứ 2 là theo điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương để ra chính sách cho phù hợp thực tế.
Thứ 3 là đối với trường phổ thông thì tính chủ động và tích cực trong quản lý trường công lập và ngoài công lập nên được đặt lên hàng đầu.
Tôi thấy những hoạt động tại các trường tư thục ở nước ta hiện nay theo các nghiên cứu đánh giá trên thế giới là đang đi rất đúng hướng, không những truyền dạy kiến thức mà còn dạy nhiều kỹ năng.
Thực tế nhiều sinh viên đại học đã ra trường nhưng vẫn thiếu những kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề…
Hiện nay chúng ta nay chưa tích hợp được những vấn đề ngoài sách giáo khoa như vậy vào trong trường học, nhưng rất may là hệ thống trường tư thục họ đã làm được.
Cá nhân tôi rất ủng hộ việc dạy và đào tạo những kỹ năng này cho học sinh từ bậc Tiểu học, đây là cấp học rất quan trọng khởi đầu cho việc hình thành nhân cách con người sau này, và tôi được biết Bộ trưởng cũng rất ủng hộ việc dạy kỹ năng trong nhà trường”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Qua vấn đề chúng ta bàn tại buổi Tọa đàm ngày hôm nay tôi thấy cách làm của Bộ Giáo dục mang tư duy như cách đây 20 năm". Ảnh: Tùng Dương. |
Theo ông Vinh: “Nghe ý kiến của các thầy cô trao đổi tôi thấy rất hợp lý, không những nó ảnh hưởng trực tiếp đến học trò mà kể cả các em học sinh trong nhà trường công lập.
Chúng ta áp dụng cùng 1 phương pháp trong giáo dục là không đúng, học sinh rất đa dạng về trí tuệ và cái này chúng ta vẫn chưa dạy các em có được một trí khôn đúng nghĩa.
Bộ Giáo dục phải đặt lòng tin vào hệ thống trường tư thục, đã có khung Luật rồi nếu trường nào làm sai thì xử lý theo Luật”.
Ông Vinh nhấn mạnh: “Phải lấy người học làm trung tâm, cần phải đáp ứng được nhu cầu chính đáng của học sinh cũng như cha mẹ các em chúng ta không được phép lãng phí thời gian, lãng phí cơ sở vật chất.
Rất cảm ơn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm này, đây là cuộc trao đổi rất hay, thiết thực và tôi hy vọng là Bộ Giáo dục sẽ sửa, tất cả vì học sinh”.
Đến dự và phát biểu tại buổi Tọa đàm, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết:
Một chính sách về giáo dục làm ra không phải chỉ ngày một ngày hai, nó đều có sự nghiên cứu bởi đối tượng chịu tác động không chỉ là số đông mà còn cực kỳ đặc biệt, đây là những công dân toàn cầu.
Vậy nên ngoài mặt bằng chung phổ cập kiến thức thì hệ thống trường tư thục còn nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo truyền dạy nhiều kỹ năng khác.
Vấn đề hợp tác quốc tế cũng được chú trọng trong hệ thống tư thục, đây là một vấn đề rất tốt nhưng không phải trường nào cũng thực hiện được, mà cũng không phải trường nào cũng làm tốt”.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết:"Tôi đề nghị Bộ Giáo dục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, đảm bảo quyền của học sinh được tham gia trang bị các kỹ năng, hơn nữa giúp cho các phụ huynh việc quản lý con em trong 3 tháng hè". Ảnh: Tùng Dương. |
Ông Nhưỡng nói: “Thông tư 13/2011 này phải được cập nhật và sửa đổi cho phù hợp với Luật mới, bám sát những vấn đề đòi hỏi chính đáng của thực tế.
Chúng ta không giữ nguyên thông tư này, cũng không phải chỉ bổ sung những vấn đề mà các thầy cô ở đây vừa nêu mặc dù vấn đề đó rất quan trọng.
Tôi đề nghị Bộ Giáo dục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, đảm bảo quyền của học sinh được tham gia trang bị các kỹ năng, hơn nữa giúp cho các phụ huynh việc quản lý con em trong 3 tháng hè.
Thời gian này có thể nói là vô cùng quan trọng đối với vấn đề quản lý và dạy kỹ năng cho học sinh, cũng như củng cố kiến thức.
Ngoài ra chúng ta cũng phải chú trọng vấn đề đào tạo giáo viên trong 3 tháng hè, cập nhật cho họ về kiến thức mới, kỹ năng giảng dạy cũng như trau dồi phẩm chất đạo đức”.