Đừng cứ gắn vào từ “quốc tế” xong rồi thu tiền

23/07/2020 08:42
Thùy Linh
GDVN- Tất cả các chương trình đào tạo quốc tế phải xứng với chất lượng, để phụ huynh và học sinh tin tưởng chọn trường, cũng như được đảm bảo chi phí bỏ ra.

Những năm qua giáo dục đại học đã có bước phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách tự chủ đại học và tăng cường hợp tác quốc tế ngày một sâu rộng.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được ghi nhận trong danh sách các bảng xếp hạng đại học uy tín nhất tại Châu Á và trên thế giới (3 trường thuộc top 1000 đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng của QS và THE; 8 trường thuộc top 500 đại học tốt nhất Châu Á theo xếp hạng của QS).

Tại Việt Nam, hiện có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam diễn ra ngày 21/7, đại diện nhiều trường đại học trong và ngoài nước nêu vấn đề “minh bạch” trong đào tạo quốc tế tại Việt Nam.

Cụ thể, bà Dương Hồng Loan - Giám đốc đối ngoại chiến lược của Đại học RMIT mong Bộ có cơ quan làm trọng tài để minh bạch giữa liên kết đào tạo với nước ngoài và chi nhánh, phân hiệu đại học nước ngoài tại Việt Nam, tránh nhập nhèm giữa hai khái niệm này.

Bởi lẽ, theo bà Loan, việc nhập nhèm sẽ gây thiệt thòi cho các em khi tham gia học chương trình này trong khi phụ huynh bỏ ra chi phí không hề nhỏ khi cho con em họ theo học.

Đây cũng là vấn đề được Giáo sư Ray Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh quốc tại Việt Nam thẳng thắn nêu vấn đề rằng nhiều trường có “mác quốc tế”, song thực tế chất lượng đào tạo lại không đạt.

Giáo sư Ray Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh quốc tại Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Ray Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh quốc tại Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Ông Gordon lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của các trường quốc tế, các chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam, đồng thời kiến nghị phải có biện pháp đảm bảo minh bạch, công bằng.

Ngoài ra, Giám đốc đối ngoại chiến lược của Đại học RMIT kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng để cơ hội học tập của các em bị gián đoạn thì quy trình công nhận bằng cấp, công nhận tín chỉ là đặc biệt quan trọng.

Do đó bà Loan mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện để các trường đại học, các cơ quan kiểm định chất lượng của các nước được ngồi làm việc với nhau để từ đó có diễn đàn công khai cho sinh viên, phụ huynh hiểu việc công nhận tín chỉ giữa Úc, Anh, Mỹ, Việt Nam được diễn ra như thế nào, còn những gì là thách thức bởi thực tế là 1 trường hợp được công nhận là một vấn đề rất đau đầu đối với các em, phụ huynh.

Bà Dương Hồng Loan - Giám đốc đối ngoại chiến lược của Đại học RMIT (cầm micro) mong Bộ có cơ quan làm trọng tài để minh bạch giữa liên kết đào tạo với nước ngoài và chi nhánh, phân hiệu đại học nước ngoài tại Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Bà Dương Hồng Loan - Giám đốc đối ngoại chiến lược của Đại học RMIT (cầm micro) mong Bộ có cơ quan làm trọng tài để minh bạch giữa liên kết đào tạo với nước ngoài và chi nhánh, phân hiệu đại học nước ngoài tại Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Từ thực tế của Đại học RMIT, bà Loan cho biết, sau Covid-19, hiện nay có rất nhiều khó khăn, thách thức các trường đó là việc sau khi giảng viên về nước và giờ việc quay trở lại làm việc là điều cực kỳ khó.

Cụ thể, theo bà Loan, để 1 chuyên gia, giảng viên vào được Việt Nam thì phải mất 1 tháng mà đòi hỏi 10 người làm việc liên tục với các cơ quan bộ, ngành, cấp thành phố, phường.

Ngoài ra, hiện Đại học RMIT có 600 sinh viên quốc tế theo học, hiện nay không thể quay trở lại Việt Nam học tập vì không được cấp visa và không có chuyến bay nào để bay về.

“Nhiều sinh viên đi trải nghiệm xong 1 kỳ nhưng vì dịch Covid-19 nên 3 tháng nay các em phải xếp hàng chờ đợi, sống trong nỗi nơm nớp, sợ hãi”, bà Loan nói.

Với vấn đề mà lãnh đạo các trường nêu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Minh bạch là điều rất cần thiết để tránh tình trạng cứ gắn vào từ “quốc tế” xong rồi thu tiền. Đây là vấn đề chúng tôi đang giải quyết quyết liệt để đảm bảo minh bạch.

Tất cả các chương trình đào tạo quốc tế phải xứng với chất lượng, để phụ huynh và học sinh tin tưởng chọn trường, cũng như được đảm bảo chi phí bỏ ra sẽ thu về chất lượng học tập”.

Riêng đối với việc công nhận tín chỉ thì Bộ trưởng cho rằng đây không phải là việc của thời Covid mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang làm việc với Bộ Giáo dục một số nước trong chuyện công nhận tín chỉ, tới đây Bộ sẽ công bố một cách cụ thể để các em sinh viên tự chọn, tự tham chiếu.

Liên quan đến vấn đề cấp visa, chuyến bay nước ngoài về Việt Nam thì Bộ trưởng sẽ ghi nhận ý kiến của các trường và báo cáo Chính phủ tuy nhiên trong thời gian chờ đợi thì các trường có thể đưa một số tín chỉ để dạy online chứ không ngồi chơi.

Thùy Linh