Ngày 21/7, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Tham gia hội nghị có đại diện sứ quán các nước hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo với Việt Nam và hơn 40 Hiệu trưởng/ Giám đốc các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sự kiện hôm nay mang tính đột phá trong chính sách thúc đẩy phát triển giáo dục quốc tế tại Việt Nam và rộng hơn nữa là thúc đẩy phát triển giáo dục giữa các nước.
Bởi lẽ, Bộ trưởng cho rằng, những năm gần đây xu hướng hợp tác và liên kết quốc tế ngày càng mạnh. Xu hướng hợp tác giáo dục không chỉ dừng lại ở trọn vẹn 1 chương trình đào tạo mà xuất hiện nhiều phương thức linh hoạt với mục đích tạo thuận lợi nhất cho nhu cầu của người học.
Người học không chỉ học ở những nơi tiên tiến mà còn muốn có cơ hội tốt để trải nghiệm xã hội, lịch sử, văn hoá. Cách đào tạo như vậy thuận lợi để hình thành công dân toàn cầu.
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì mô hình liên kết đào tạo giữa các nước càng phong phú, chương trình kiểm định cũng linh hoạt.
Theo đó, sinh viên không chỉ học một nơi mà quá trình học người học muốn tiếp cận nhiều môi trường văn hoá khác nhau, đây là xu hướng và các trường đại học phải nắm bắt.
Gần đây ở các nước phát triển, xu hướng không chỉ gửi học sinh sang các nước nước có điều kiện tốt hơn để học tập mà xuất hiện mô hình đào tạo kết hợp, từ thiết kế chương trình, tới tổ chức giảng dạy, trao đổi học thuật, giáo viên, sinh viên đa dạng, quan trọng kiểm định chất lượng và chuẩn đầu ra, còn tín chỉ thì trao đổi.
Nhiều trường trong đại dịch Covid-19 đã tổ chức đào tạo online, tạo điều kiện linh hoạt cho người học lựa chọn và các trường đại học giữa các nước liên kết với nhau thành chuỗi, cung cấp chương trình giáo dục đào tạo, rộng ra tạo thành mạng lưới nghiên cứu.
Chúng ta không chỉ dừng lại ở nhu cầu của người học học, mà rộng hơn là đáp ứng được yêu cầu của rất cả những người liên quan, người học, người dạy, phụ huynh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn chứng, thực tế nhiều phụ huynh hiện nay không muốn con em đi học nước ngoài suốt 4 năm mà muốn con có những quãng thời gian ở cùng gia đình - một chương trình đào tạo thỏa mãn được nhu cầu này là xu hướng tất yếu.
Trong đại dịch Covid - 19, một số trường đại học bộc lộ hạn chế, lúng túng, nhưng cũng không ít trường đại học phát huy được hiệu quả khi có những hình thức linh hoạt đáp ứng tốt nhất nhu cầu người học. Xu hướng này rất phát triển.
Chính phủ Việt Nam coi giáo dục là một trong 3 khâu đột phá phát triển đất nước
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, coi đây là một trong 3 khâu đột phá phát triển đất nước.
Với dân số 100 triệu người, lực lượng trẻ rất lớn, hầu hết người dân Việt Nam đều quan tâm đến việc học tập, hiếu học đây chính là điểm mạnh của Việt Nam.
Từ đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp căn cơ: đi từ nền tảng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng hội nhập để phát triển bền vững. Học sinh học ngoại ngữ, công nghệ thông tin từ lớp 3, phương pháp STEAM được khuyến khích phát triển và giáo dục phổ thông tới đây sẽ có chất lượng tốt.
Hơn nữa, kết quả PISA 2015, 2018 cho thấy, chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam được đánh giá tốt trong khối OECD. Đây là minh chứng giáo dục Việt Nam chú trọng chất lượng, vừa chú trọng phát triển toàn diện và vừa phát triển tài năng.
Đây cũng là nguồn lực tốt để vào các trường đại học trong nước và quốc tế. Việt Nam hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh đang học tập ở các nước, trong đó tập trung ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Úc...
Những năm qua, Việt Nam rất quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài.
Chính phủ đã tập trung kiện toàn chính sách cho hoạt động này. Năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành đã thúc đẩy quá trình tự chủ đại học, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, mở ra nhiều hơn nữa cơ hội thu hút các trường đại học xuất sắc vào Việt Nam.
Hiện nay, có 5 trường đại học quốc tế đã tới Việt Nam và tới đây sẽ còn nữa.
Bộ rất khuyến khích đầu tư một số trường đại học tư thục ở Việt Nam, hướng tới đẳng cấp quốc tế, cách đi rất khác, diện mạo khác, tiếp cận với các trường đại học chất lượng cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 86 với nhiều quy định hợp lý.
Chúng ta không đặt vấn đề sinh viên phải học nơi này hay nơi kia mà đặt ra là tạo được môi trường tốt nhất, chương trình đào tạo tốt nhất cho người học. Để người học có thể được tiếp nhận với nhiều nền giáo dục tiên tiến.
Trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng chưa biết như thế nào trong giai đoạn đại dịch, nếu về Việt Nam sẽ học ở đâu, thì sứ mạng của các trường đại học là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt
Nếu chỉ nghĩ đến việc giữ chân học sinh, sinh viên Việt Nam ở lại Việt Nam sẽ quá hẹp. Một mặt vẫn khuyến khích học sinh đi du học nhưng mặt khác phải tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam vẫn được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất - đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam.
Hội nghị hôm nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với sự hỗ trợ của VinUni là cơ hội để trao đổi, đề xuất và thúc đẩy các chính sách đã có về liên kết đào tạo quốc tế tới đây tốt hơn nữa.
Những chương trình đã có tiếp tục củng cố, những chương trình chưa có sẽ mở rộng, đặc biệt ở những nơi du học sinh Việt Nam còn đang lúng túng khó khăn thì các em sẽ yên tâm khi về Việt Nam sẽ được học chương trình tương tự như các em đang học tại các nước.
Đây không chỉ là giải pháp về học thuật, kinh tế, mà còn đặc biệt nhân văn trong giai đoạn hiện nay và cũng là chính sách đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Chúng ta cùng nhau thúc đẩy mang lại lợi ích cho tất cả. Tạo điều kiện cho sinh viên và cũng là cơ hội các trường đại học xích lại gầu nhau.
Toàn cảnh hội nghị (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
"Tôi rất mong đại diện các đại sứ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thúc đẩy chương trình quốc tế theo hướng đa chiều, đa bên", tư lệnh ngành giáo dục mong muốn.
Hiện nay, trong hơn 400 chương trình liên lết đào tạo, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý, vì vậy, dư địa để chúng ta mở các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như công nghệ thông tin , công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch… còn rất lớn bởi rất rất cần cho nguồn nhân lực Việt Nam.
Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo theo tín chỉ hoặc nhóm tín chỉ, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
Thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Việt Nam rất lưu ý đến chất lượng, kiểm định chất lượng. Bên cạnh những chương trình tốt không phải không phải không có những chương trình chưa đạt yêu cầu.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra tới đây là mở chương trình nào phải tốt chương trình đó. Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng lại gần 200 chương trình liên kết.
“Thông điệp chung là thúc đẩy các chương trình liên lết quốc tế thực sự chất lượng tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nhạ nói.