Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 đã hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2015/NĐ-CP chỉ yêu cầu viên chức được đánh giá ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” mới phải đáp ứng tiêu chí có 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến.
Thế nhưng, trong các tiêu chí xét thi đua hiện nay yêu cầu phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Bằng khen các cấp...
Vì thế, ở các trường học vẫn có rất nhiều giáo viên đăng ký, thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm. Có người viết bằng kinh nghiệm, có người xin, có người mua và có người sao chép.
Sự việc Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Rang -Tháp Chàm (Ninh Thuận) vừa có Thông báo số 29/TB - PGDĐT công khai 4 sáng kiến kinh nghiệm bị loại do "sao chép" là một việc làm cần thiết để loại bỏ những hành vi gian lận của một số giáo viên hiện nay.
Danh sách 4 giáo viên sao chép sáng kiến kinh nghiệm ở Phan Rang- Tháp Chàm (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại) |
4 giáo viên ở Phan Rang- Tháp Chàm bị công khai tên vì sao chép sáng kiến kinh nghiệm
Theo Thông báo số 29/TB - PGDĐT ngày 20/7/2020 do bà Trần Thị Hường- Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ký thì địa phương này có 4 giáo viên bị “nhắc tên”.
Đó là, Sáng kiến: "Một số biện pháp giúp học sinh có kỹ năng tốt về tạo lập văn bản tự sự môn Ngữ Văn 8" của cô giáo Chu Thị Thúy Vân- Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi.
Sáng kiến: "Một số trò chơi sử dụng trong dạy Sinh học 8" của cô giáo Phạm Thị Lệ Huyền- Trường trung học cơ sở Trần Phú.
Sáng kiến: "Một số giải pháp giúp học sinh hành văn tốt" của cô giáo Trần Thị Hồng Thủy- Trường tiểu học Mỹ Hải.
Sáng kiến: "Nâng cao chất lượng môn Tập viết lớp 2" của cô giáo Mai Thị Hồng- Trường tiểu học Thành Hải.
Chúng ta đều biết việc “sao chép, cắt, dán” sáng kiến kinh nghiệm là một hình thức “đạo văn” của người khác mà có- đây là một hành vi rất đáng bị lên án. Vì thế, một khi Thông báo đã được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ký và gửi đến các trường học trên địa bàn cũng đồng nghĩa 4 giáo viên này sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.
Song, chúng tôi cho rằng việc kỷ luật là cần thiết, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận trong quá trình thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm hiện nay ở ngành Giáo dục cũng như một số ngành khác.
Vì sao giáo viên lại phải sao chép, cắt, dán sáng kiến kinh nghiệm của người khác?
Phải nói thẳng ra rằng việc sao chép, cắt, dán sáng kiến kinh nghiệm của người khác ở các trường học hiện nay diễn ra khá phổ biến.
Bởi, thực tế thì số người có khả năng viết, biến những kinh nghiệm tích lũy được trong công tác, giảng dạy của mình thành một văn bản khoa học hiện nay không nhiều và viết một đề tài này rất mất thời gian, công sức và tâm huyết.
Trong khi, một bộ phận giáo viên không có khả năng, không muốn mất thời gian mà lại muốn có thành tích cá nhân thì họ vẫn đăng ký viết và sao chép của người khác một cách bình thường.
Hơn nữa, còn có một bất cập nữa là nhiều trường học giao chỉ tiêu cho tổ chuyên môn, cho các cá nhân trong trường phải viết để lấy thành tích cho đơn vị nên một số giáo viên bắt buộc phải thực hiện.
Trong khi, trên mạng internet hiện nay, chỉ cần gõ tên đề tài thì luôn có hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm đã hiện hữu trên công cụ tìm kiếm.
Có người thì tải nguyên xi một đề tài của người khác xuống rồi đổi tên cá nhân thực hiện, tên đơn vị, năm thực hiện là đem nộp. Người đầu tư hơn thì cóp đề tài này một đoạn, cóp của đề tài khác một đoạn rồi “dán” thành đề tài cho riêng mình.
Gặp phải người chấm sáng kiến kinh nghiệm mà yếu công nghệ thông tin thì qua được vì nó rất hay nhưng gặp phải người chấm có trách nhiệm, cẩn thận thì họ chỉ cần gõ vài đoạn vào công cụ tìm kiếm trên google.com.vn rồi thực hiện lệnh enter là phát hiện ra hành vi gian trái của người thực hiện đề tài.
Song, thông thường thì họ chỉ lẳng lặng loại sáng kiến kinh nghiệm này và không xếp loại chứ ít khi thông báo cho người thực hiện hay đơn vị công tác của giáo viên vì nó có phần…tế nhị.
Vì thế, việc Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Rang - Tháp Chàm dám minh bạch thông tin, công khai danh tính giáo viên gian lận khi thực hiện sáng kiến kinh nghiệm là việc làm đáng trân trọng.
Giáo viên có bắt buộc phải viết sáng kiến kinh nghiệm?
Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 đã hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức khá cụ thể.
Theo đó, chỉ viên chức được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới phải đáp ứng tiêu chí: “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.
Điều này cũng đồng nghĩa là giáo viên nào muốn được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong năm học và muốn có danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên hay muốn được Bằng khen các cấp thì mới phải viết sáng kiến kinh nghiệm mà thôi.
Ai không muốn xét thi đua thành tích cao, ai không muốn xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì đâu cần viết sáng kiến kinh nghiệm làm gì.
Vậy nên, một khi giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm để có thành tích thì cần viết bằng khả năng, tâm huyết và trách nhiệm của mình đối với ngành.
Nếu viết mà phải nhờ cậy người khác, phải sao chép người khác để rồi phải chịu kỷ luật hay bị công khai tên tuổi đến các đơn vị trên địa bàn, bị báo chí phản ánh thì thật không vui một chút nào.
Làm thầy, làm cô mà có hành vi gian dối như vậy thì làm sao dạy được học trò và nếu trót lọt, được vinh danh, được khen thưởng cũng đâu lấy làm vinh dự bởi thực tế những thầy cô sao chép đề tài sáng kiến kinh nghiệm của người khác thì đâu có gì để tự hào!
Hơn nữa, từ sự việc của Phòng giáo dục và Đào tạo Phan Rang- Tháp Chám cũng cho chúng ta thấy một điều là một khi còn đề cao sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá, xếp loại, xét thi đua giáo viên hàng năm thì sẽ còn tình trạng sao chép, mua bán, xin xỏ nhau.