Cho dù việc viết Sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên giỏi là không bắt buộc giáo viên phải thực hiện bởi tất cả các hướng dẫn trong Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Giáo dục cũng đã thể hiện rõ điều này.
Nhất là Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi vừa được Bộ công bố để lấy ý kiến cũng không thể hiện bắt buộc giáo viên phải thi. Thế nhưng, bước vào đầu năm học thì Ban giám hiệu nhà trường vẫn đưa ra chỉ tiêu và yêu cầu các tổ chuyên môn phải thực hiện theo số lượng ấn định của lãnh đạo nhà trường.
Giáo viên có ý kiến, viện dẫn các hướng dẫn của cấp trên nhưng Ban giám hiệu nhà trường đã không lắng nghe mà còn quy vào cái tội giáo viên ngại làm, thoái thác nhiệm vụ, dọa tới đây sẽ tinh giản biên chế…
Giáo viên nhiều trường học vẫn bị ép viết Sáng kiến kinh nghiệm và thi giáo viên giỏi. (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn) |
Trong hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm là thời điểm Ban giám hiệu nhà trường đưa ra các chỉ tiêu cụ thể và bắt buộc các tổ chuyên môn phải thực hiện theo nghị quyết của nhà trường.
Việc giao chỉ tiêu về chất lượng giảng thì dạy giáo viên không có ý kiến bởi đó là công việc chính của họ. Nhưng, những phong trào, những hội thi của ngành cũng ép thì đó là điều không phù hợp chút nào.
Cái lý của Ban giám hiệu đưa ra là giáo viên phải tham gia mới có thành tích cho nhà trường và thành tích cho cá nhân giáo viên.
Giao chỉ tiêu viết Sáng kiến kinh nghiệm
Giáo viên bây giờ không mấy người thiết tha với việc việc Sáng kiến kinh nghiệm, cho dù họ thừa hiểu rằng phải có Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì mới có các danh hiệu thi đua, mới có quyền lợi cho cá nhân của họ.
Nhưng, nhiều giáo viên họ không muốn viết bởi chẳng có gì...để viết. Cả một đời đi dạy tích cóp được bao nhiêu kinh nghiệm mà năm nào lãnh đạo nhà trường cũng yêu cầu họ viết Sáng kiến kinh nghiệm?
Viết- có nghĩa là sẽ xin xỏ, sẽ tải từ trên mạng Internet xuống để chỉnh sửa bởi có mấy người có khả năng viết và kinh nghiệm lấy đâu mà năm nào cũng đúc kết ra một đề tài khoa học?
Giáo viên họ không muốn viết là họ nghĩ đến lòng tự trọng bản thân, muốn trung thực và họ cũng xem thường danh hiệu thi đua của mình. Họ chỉ muốn tập trung cho việc giảng dạy của học sinh.
Sáng kiến kinh nghiệm là trên hết, các phong trào khác đâu có nhiều ý nghĩa |
Bởi, nhìn từ thực tế thì việc viết Sáng kiến kinh nghiệm phỏng có ích gì cho việc dạy và học của nhà trường đâu?
Mỗi năm, ngành giáo dục có hàng chục ngàn sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nhưng sau khi đạt giải, trao thưởng, xét thi đua rồi thì những Sáng kiến kinh nghiệm ấy đi về đâu, áp dụng vào việc gì thì ai cũng có thể hiểu.
Nó sẽ được cân phế liệu bán và nó cũng chẳng được áp dụng một cách hiệu quả như những lời hoa mỹ mà giáo viên thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm trình bày. Toàn là những lời ngoa ngôn và trình bày ý tưởng trên giấy mà thôi!
Ấn số lượng thi giáo viên giỏi cấp trường
Mặc dù Bộ vừa công bố Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp bởi những năm qua, nhất là sau sự cố thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng thì Bộ Giáo dục đã thấy được bất cập của hội thi này và đã có những chuẩn bị để thay đổi.
Vì thế, việc năm học này áp dụng theo hướng dẫn cũ hay mới vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Vậy nhưng, nhiều trường học vẫn chủ trương tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường vào đầu tháng 10 theo phương thức cũ. Vẫn là thi sáng kiến kinh nghiệm, thi lý thuyết và 2 tiết dạy thực hành.
Điều đáng nói là Ban giám hiệu đặt ra từ 70- 80% giáo viên trong trường phải tham gia. Huy động số lượng lớn giáo viên trong trường chỉ để tham gia hội thi giáo viên giỏi cấp trường để làm gì?
Bởi, thi cấp trường thì phần nhiều là anh chấm tôi, tôi chấm anh và chúng ta cùng công nhận giải cho nhau! Nó vừa lãng phí về công sức và chất lượng không nâng lên, kinh phí tổ chức cho mỗi phong trào không hề ít.
Có nên gấp gáp tổ chức "Hội thi giáo viên dạy giỏi" ngay từ đầu năm học? |
Mỗi lần nhà trường đưa ra kế hoạch tổ chức thi giáo viên giỏi thì cơ cấu Ban giám khảo là các tổ trưởng chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường. Ngoài ra, có thêm một số giáo viên “cốt cán” nữa.
Nhưng, Ban giám hiệu nhà trường đều lấy lý do là bận công việc nọ, việc kia. Thành ra, tổ trưởng chuyên môn phải dự giờ, phải làm hồ sơ giáo viên giỏi. Ban giám hiệu vừa là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, vừa là giám khảo nên mỗi lần thi là mỗi lần có rất nhiều cái lợi.
Họ vừa dự giờ thăm lớp theo quy định, vừa có tiền, vừa có thành tích là tổ chức phong trào cho nhà trường. Nhưng, sau mỗi kỳ thi cấp trường như vậy thì chất lượng giáo viên có thay đổi được gì đâu!
Thành tích, hư danh thì coi trọng, chất lượng giáo dục thì ngó lơ
Dù giáo viên đã nói nhiều về bệnh thành tích và xã hội cũng đã thấy rõ tình trạng lạm phát danh hiệu của học sinh sau mỗi kỳ tổng kết năm học.
Giáo viên đã chán việc viết Sáng kiến kinh nghiệm và tham gia thi giáo viên giỏi bởi đa phần đó chỉ là hình thức, không thúc đẩy được chất lượng dạy và học mà lãng phí thời gian, công sức.
Các Ban giám hiệu nhà trường cần chờ đợi xem hướng dẫn thi giáo viên giỏi tới đây như thế nào hãy tổ chức và cũng đừng ép nếu như giáo viên họ không muốn. Xét đến cùng, mỗi tuần giáo viên phổ thông dạy từ 17-23 tiết học (tùy cấp học).
Mỗi năm có tới 5-6 trăm tiết dạy thì 2 “tiết diễn” để công nhận giáo viên giỏi là điều không hợp lý chút nào.
Sáng kiến kinh nghiệm cũng vậy, hãy để những giáo viên thực sự chín muồi về ý tưởng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thì họ tự nguyện viết, tự nguyện chia sẻ kinh nghiệm của mình với đồng nghiệp, với ngành giáo dục. Đừng coi trọng hư danh và tôn vinh những điều giả dối.
Nhiệm vụ chính của nhà trường, của người thầy là giáo dục nhân cách, truyền thụ kiến thức, định hướng, khơi gợi cách học tập cho học trò chứ không phải là giải Sáng kiến kinh nghiệm hay danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện…!