Nếu giáo viên cả nước học chứng chỉ nghề nghiệp, sẽ phải bỏ ra 2,2 nghìn tỉ đồng

31/07/2020 06:29
THANH AN
GDVN- Nhìn vào bảng thông báo giá đào tạo chứng chỉ, ai cũng thấy mỗi địa phương mỗi giá, mỗi trường mỗi giá, thậm chí đào tạo cho giáo viên giá khác, sinh viên khác.

Mấy năm nay, gần như địa phương nào cũng đều mở các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu hiện nay cho giáo viên ở các trường mầm non và phổ thông.

Các thông báo chiêu sinh có thể được gửi về trường, được thông báo ở các trường đại học, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên của tỉnh, huyện…

Nhiều trường phổ thông vì thế mà đã đăng ký với các trường đại học để mở lớp tại trường, mời giảng viên của các trường đại học về tại trường mình để giảng dạy.

Tuy nhiên, nhìn vào bảng thông báo giá đào tạo chứng chỉ này thì ai cũng thấy mỗi địa phương mỗi giá, mỗi trường mỗi giá, thậm chí đào tạo cho giáo viên giá khác, đào tạo cho sinh viên sư phạm giá khác.

Ảnh chụp màn hình, ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Ảnh chụp màn hình, ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Giáo viên nhiều trường đổ xô đi học lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Có lẽ giáo viên chẳng ai muốn đi học lớp học này làm gì vì nó mất thời gian bởi số tiết để hoàn thành chương trình lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay cơ bản đều giống nhau là 240 tiết. Nếu học liên tục cả ngày thì cũng mất cả tháng trời mới xong.

Hơn nữa, chỉ tính riêng tiền học phí cho khóa học này thì giáo viên phải bỏ ra số tiền dao động từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Tất nhiên, đây mới là số tiền cứng bởi đi học suốt cả tháng trời như vậy thì còn kéo theo nhiều khoản tiền phải chi tiêu khác.

Nhưng vì các trường đại học, các trung tâm nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên gửi mail về trường chiêu sinh nên nhiều ý kiến được đưa ra.

Một khi trong đơn vị có chủ trương, một khi trong đơn vị có một số người đăng ký đi học thì giáo viên nào cũng đành tặc lưỡi đăng ký học cho qua, học để sau này khỏi phải học.

Bởi thực tế 4 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non đến trung học phổ thông vừa được Bộ Giáo dục công bố đều yêu cầu giáo viên từ hạng III trở lên phải có chứng chỉ này.

Vậy là mọi người đều phải tham gia học vì nếu không học trước cũng phải học sau mà học trước thì cả đơn vị học, chứ học sau thì lại phải tự liên hệ, phải đi học xa nên đa phần giáo viên phải bố trí thời gian, tiền bạc để học cho đủ…chứng chỉ.

Loạn giá chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Theo các Thông báo chiêu sinh của các trường đại học, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên các tỉnh, huyện báo giá thì chúng ta thấy nó không giống nhau- dù đơn vị kiến thức, số tiết học như nhau.

Số lượng học viên học ít thì học phí cao hơn, học viên đông thì học phí có giảm hơn chút ít nhưng những lớp mở để dạy cho giáo viên thì không có giá dưới 2 triệu đồng. Thường, dao động từ 2,2 đến 2,5 triệu (bao gồm cả tài liệu học tập).

Chúng tôi tham khảo bảng giá của một số trường đại học báo giá trong năm 2020 này như sau:

Trường đại học Trà Vinh đã đăng tải thông báo chiêu sinh lớp học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong năm 2020 này có nhiều mức giá khác nhau.

Học tại Trường đại học Trà Vinh thì giá 2.000.000 đồng; học tại các huyện, thị xã thì giá 2.300.000 đồng; học tại các điểm trên địa bàn thành phố Trà Vinh thì giá 2.100.000 đồng/ học viên/ khóa học. [1]

Trong Thông báo số 631/TB-ĐHAG của Trường đại học An Giang ngày 3/7/2020 thì các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các cấp học có giá 2.000.000 đồng (các khóa trước 2.200.000 đồng- bao gồm cả tài liệu). [2]

Nhưng cũng lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp này dạy cho sinh viên sư phạm của trường thì Trường đại học An Giang thông báo giá là 1.500.000 đồng. [3]

Cùng nội dung nhưng Trường đại học An Giang dạy cho sinh viên là 1.500.000 đồng nhưng giáo viên là 2.000.000 đồng (Ảnh: Thanh An).

Cùng nội dung nhưng Trường đại học An Giang dạy cho sinh viên là 1.500.000 đồng

nhưng giáo viên là 2.000.000 đồng (Ảnh: Thanh An).

Ngày 9/6/2020, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Tháp đã có Thông báo số 24/ TB-GDTX.QLĐT thông báo tuyển sinh lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên Trung học phổ thông hạng I, hạng II với giá 2.500.000 đồng/ học viên/ khóa học.[4]

Khi tìm kiếm thông tin về các lớp học này trên các website, chúng tôi thấy các cơ sở đào tạo mở lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên và mỗi cơ sở có một bảng giá khác nhau.

Hiện cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên đang giảng dạy. Theo dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non đên trung học phổ thông vừa được công bố thì giáo viên từ hạng III trở lên đều phải có chứng chỉ này.

Tạm tính con số 1,3 triệu giáo viên hiện nay trừ đi những thầy cô sắp về hưu, những thầy cô giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ là 300.000 thì sẽ còn 1 triệu nhà giáo.

Nếu cả 1 triệu nhà giáo trên cả nước đi học chứng chỉ lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì chúng ta sẽ thấy đội ngũ nhà giáo phải đầu tư một số tiền lên đến vài ngàn tỉ đồng.

Chúng ta sẽ có con số 1000.000 (nhà giáo) x 2.200.000 đồng (giá trung bình) = 2.200.000.000.000 đồng. Số tiền này quả là rất lớn và làm được rất nhiều việc ý nghĩa…

Bộ đã “thấu cảm” nỗi khổ của giáo viên?

Trong những năm qua, trên Giáo dục Việt Nam đã có hàng trăm bài viết của phóng viên, của đội ngũ thầy cô giáo trên cả nước phản ảnh về những bất cập, tốn kém trong việc giáo viên phải bỏ những khoản tiền lớn để đi học các loại chứng chỉ.

Trong đó, có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp….

Có lẽ vì thế mà Bộ đã “thấu cảm” nỗi vất vả hàng triệu giáo viên trên cả nước nên mới đây Bộ đã văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, đã đề xuất: “cần bổ sung thêm hình thức bồi dưỡng "qua mạng" trong danh mục các loại hình tổ chức bồi dưỡng”. [5]

Và, có lẽ còn hay hơn nếu Bộ chủ trương lồng ghép các nội dung về tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…cho sinh viên sư phạm khi các em còn đang học ở các trường đại học, cao đẳng.

Khi đã trường, được tuyển dụng thì Bộ chỉ nên tập huấn, bồi dưỡng về chuyên ngành dạy học của giáo viên, không nên yêu cầu các loại chứng chỉ như hiện nay. Nó vừa tốn kém, không hiệu quả mà lại gây bất bình cho đội ngũ giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.tvu.edu.vn/thong-bao-ve-viec-mo-lop-boi-duong-theo-tieu-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc-giang-day-trong-cac-co-so-giao-duc-cong-lap/

[2] https://www.agu.edu.vn/vi/thong-bao-ve-viec-tuyen-sinh-lop-boi-duong-theo-tieu-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-mam-non

[3]https://www.agu.edu.vn/vi/thong-bao-tuyen-sinh-lop-boi-duong-theo-tieu-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-mam-non-tieu-1

[4]http://ttgdtxkthndongthap.edu.vn/tuyen-sinh/boi-duong-chuyen-mon-nghiep-vu/thong-bao-tuyen-sinh-boi-duong-theo-tieu-chuan-chuc-danh-ngh.html

[5]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-muon-thay-chung-chi-boi-duong-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-post211210.gd

THANH AN