Cô Vũ Thị Liên vừa hoàn thành kỳ thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tại tỉnh Hà Giang.
Điều đáng nói, mặc dù từ năm 2005, cô đã đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng của trường.
Ở Diên Khánh, giáo viên đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không mất tiền |
Nhưng năm nay vẫn bắt buộc tham gia ôn và thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Cô Liên bày tỏ: “Tôi cũng vừa trải qua kỳ thi vào tuần trước.
Mặc dù từ năm 2005 mình đã là hiệu trưởng rồi nhưng người ta nói bắt buộc phải có chứng chỉ này.
Nên tôi phải đi học lại để thi và có chứng chỉ. Tiền học phí là 2 ,5 triệu đồng và kèm theo 250.000 đồng tiền quỹ lớp.
Đối với mình thì đây không phải là một số tiền lớn nhưng đối với nhiều giáo viên đặc biệt là giáo viên vùng cao thì đây là khoản tiền có khi bằng cả tháng lương của họ”.
Mặc dù việc đăng ký lớp học và thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là tự nguyện. Nhưng theo cô Liên: Hầu hết các giáo viên đều bấm bụng, cắn răng bỏ tiền đi học.
Cô Liên cho biết: “Cái này theo mình biết là đăng ký tự nguyện nhưng mà hầu như giáo viên ai cũng đi.
Không đi thì sợ, người ta dọa là nếu không có chứng chỉ này thì chỉ ngang bảo vệ hoặc người làm hành chính thôi. Từ đó giáo viên lo sợ nên họ đăng ký đi thôi”.
Giáo viên nhiều tỉnh đăng ký đi học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp với học phí cao: (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn) |
Lớp học thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mà cô Liên theo học có khoảng 50 người trong tổng số hơn 1000 giáo viên trên địa bàn huyện.
Với con số này ai cũng có thể nhẩm tính được mức học phí khổng lồ từ những lớp học như trên.
Cô Liên cũng không ngại nói thẳng: “Học cái này theo mình chẳng báu bở vào đâu cả, chỉ tốn tiền”.
Cô Liên giãi bày: “Ban đầu họ nói là sẽ học trong vòng 2 tháng tương đương với khoảng 12 buổi.
Nhưng rồi kéo hết lịch lại dạy khoảng 8 buổi trong vòng hơn 1 tuần rồi cho thi luôn.
Đến đây cũng chỉ ngồi ghi chép linh tinh. Vốn dĩ về chuyên môn thì mình đã được học và cũng có những lớp bồi dưỡng chuyên môn.
Cho nên học cái này thì nói thẳng cũng không hiệu quả lắm mà học phí lại đắt”.
Bộ Giáo dục không bắt thi thăng hạng, nhưng buộc giáo viên vẫn phải giữ hạng |
Quả thật theo nhiều giáo viên tại Hà Giang, mức học phí gần 3 triệu đồng (bao gồm cả quỹ lớp) đối với giáo viên nơi đây là một con số lớn.
Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên tại Hà Giang bày tỏ: “Thấy mọi người rủ nhau đăng ký đi thì mình cũng đăng ký học thôi.
Chẳng lẽ mọi người học mình lại không đi học.
Không đi thì người này người kia dọa không có chứng chỉ thì không lên được bậc lương rồi chỉ ngang bảo vệ thôi. Nên mọi người hầu như là đăng ký đi học hết.
Bọn mình học 8 buổi sau đó đi thi. Cá nhân mình thấy việc học không hiệu quả cho lắm vì bọn mình cũng có những đợt đi học bồi dưỡng chuyên môn.
Nhiều bạn đến chỉ dùng điện thoại. Làm bài thu hoạch thì có người làm hộ xong rồi thi thôi.
Học phí cao nên đối với các giáo viên khó khăn thì bằng nửa tháng lương. Nhiều chị em phải xoay sở vay tiền đóng cho 8 buổi học”.
Câu chuyện giáo viên vật lộn đóng tiền đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để có thể thi chứng chỉ không chỉ xảy ra tại tỉnh Hà Giang mà còn đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
Mỗi địa phương lại có mức thu học phí và quỹ lớp khác nhau. Tại tỉnh Hòa Bình cũng mới diễn ra kỳ thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Theo phản ánh của một số giáo viên tỉnh Hòa Bình. Mức học phí học nộp là 2,3 triệu đồng và tiền quỹ lớp.
Thông báo được gửi cho từng giáo viên để chào mời lớp học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp (Ảnh: Phan Tuyết) |
Cô Vũ Thị Dung, giáo viên tại huyện Lạc Thủy cho biết: “Tôi cũng mới tham gia ôn và thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Mức học phí ở đây thu là 2,3 triệu đồng, tiền quỹ lớp 200.000 đồng. Học và ôn trong một tuần sau đó thì thi”.
Theo cô Dung việc học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không đem lại nhiều ý nghĩa về mặt chuyên môn cho lắm mà hầu như giáo viên đi vì tâm lý lo sợ và hiệu ứng đám đông.
Cô Dung bày tỏ: “Thực ra họ cũng nói ai có nhu cầu thì đăng ký đi học. Nhưng cũng kèm thêm câu: Cái này rất cần thiết, trước sau các cô đều phải có thì có đợt như này nên đăng ký đi học.
Họ nói vậy thì ai dám không đi? Nghĩ vậy thì chị em cũng rủ nhau đăng ký đi học.
Đi học nói thẳng cũng không bổ ích gì lắm. Họ toàn nói mấy cái cơ bản xong mọi người đến thi ghi chép vào.
Cuối đợt học thì giáo viên làm hộ bài thu hoạch cho luôn chỉ việc đi thi thôi”.
Nói về mức học phí thầy Trần Văn Thắng, giáo viên tỉnh Hòa Bình cho biết:
“Mức học phí cũng khá cao. Với nhiều người thì không biết như thế nào nhưng với những giáo viên ở miền núi như mình thì đây là một số tiền không hề nhỏ.
Bên cạnh đó mình cũng nghĩ rằng chất lượng và mức học phí phải có sự tương đương. Như thế thì giáo viên họ mới không xót tiền bỏ ra để đi học”.
Các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mọc ra như nấm với học phí cao (Ảnh: Vũ Ninh) |
Như vậy câu chuyện giáo viên tham gia các lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp sau đó thi chứng chỉ nghề nghiệp để phục vụ việc nâng và giữ hạng đang là mối quan tâm của nhiều giáo viên tại các địa phương trên cả nước.
Ngay tại Hà Nội, giáo viên một số huyện như Sóc Sơn, Đông Anh...cũng bắt đầu rục rịch tham gia các lớp học như trên.
Xoay quanh vấn đề này, các địa phương sẽ có mức học phí và cách làm khác nhau.
Chẳng hạn, cô Nguyễn Thị Bình, giáo viên tỉnh Bắc Ninh nói: “Chúng tôi phải đóng 2.6 triệu đồng từ hè 2017-2018 để đi học thăng hạng mà đến bây giờ chưa thấy thông báo kết quả gì cả.
Chúng tôi rất bức xúc không biết vì sao phải đóng nhiều tiền như thế mà lại không có kết quả thi”.
Tại tỉnh Ninh Bình, giáo viên phản ánh: Chỉ được thông báo bằng “công văn miệng” và gần như 100% toàn thành phố phải học. Mức học phí là 2,5 triệu đồng.
Với số tiền thu được lớn như thế, chất lượng dạy và học có nhiều vấn đề cùng với cách làm thiếu đồng bộ tại các địa phương khác nhau.
Dư luận và đặc biệt là các thầy cô đang có rất nhiều câu hỏi và mong các cấp nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có ý kiến chỉ đạo về việc này để giáo viên thuận lợi khi đi học.