Nhà nước muốn tăng lương cho đội ngũ giáo viên, cần phải làm cho được việc này

12/08/2020 06:41
NHẬT KHOA
GDVN- Cần phải tinh giản biên chế 1,3 triệu giáo viên công lập, nhưng không phải cắt giảm cơ học, mà cần phát triển mạnh hệ thống trường tư.

Bài viết “Lương giáo viên 2021 có thể giảm do khó khăn khách quan, cần hỗ trợ người mới” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được khá nhiều quan tâm và tương tác của bạn đọc cả nước.

Nhiều bạn đọc cho rằng việc không cải thiện được thu nhập của giáo viên chính là rào cản sự phát triển của giáo dục hiện nay.

Trong những năm gần đây, sinh viên không mặn mà với ngành sư phạm vì nhiều nguyên nhân như thu nhập không tương xứng, nhiều vụ vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức người học, nhiều vụ phụ huynh hành hung giáo viên,…

Nói chung, có 2 nguyên nhân chính là thu nhập và môi trường làm việc chưa cải thiện.

Trong phạm vi bài viết, tác giả xin phép được phân tích vì sao khó hay rất khó để tăng lương giáo viên hiện nay và giải pháp để tăng lương giáo viên.

Vấn đề cấp thiết của công cuộc đổi mới căn bản toàn diện sắp tới không chỉ thay đổi về nội dung chương trình, sách giáo khoa, kiểm tra đánh giá,… mà còn phải nói đến công cuộc cải cách lương cho nhà giáo tương xứng với sức lao động, hiệu quả công việc cũng như vai trò, vị thế và tâm thế của người thầy.

Nếu mãi giữ thang, bảng lương như hiện nay hay lương như dự thảo xếp lương chức danh nghề nghiệp vừa công bố thì rất khó tìm được sinh viên giỏi học ngành sư phạm hay cải thiện môi trường làm việc, cạnh tranh.

Nghề giáo là một nghề cao quý, đặc biệt trong các nghề vì sản phẩm của nghề giáo không phải là của cải vật chất mà là sự phát triển toàn diện của học sinh, chỉ khi người thầy ổn định về kinh tế, chăm lo cho việc giáo dục, thầy, cô giáo tốt thì mới tạo ra thế hệ học sinh tốt.

Thầy, cô giáo sáng dạy chính khóa thì “tàng tàng” chiều tất bật dạy thêm thu tiền hay sáng dạy học chiều chạy Grap, chạy bàn, bán hàng online,… thì thế hệ học sinh không thể nào tốt được.

Nghịch lý ở việc hiện nay giáo viên mới ra trường chủ yếu là kiếm 1 suất đứng chân trong một trường học nào đó rồi ra ngoài dạy thêm kiếm tiền, mục đích dạy thêm trở thành mục tiêu chính để kiếm tiền, dạy chính khóa trên lớp chỉ là phụ.

Nhà nước muốn tăng lương cho đội ngũ giáo viên, cần phải làm cho được việc này ảnh 1Giải pháp nào để có thể tăng lương giáo viên trong thời gian tới? (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Nếu giáo viên không làm thêm, không dạy thêm hoặc không nhờ chu cấp của gia đình để sống được thì đa số đã bỏ nghề, vì đi làm công nhân, bán hàng online, giao hàng,… hiện nay ít nhất cũng được 5 triệu đồng mỗi tháng, chắt chiu vẫn tạm ổn hơn là việc mang tiếng thầy, cô giáo hay làm nhân viên trường học mà thu nhập mỗi tháng chưa đến 3 triệu đồng.

Mà sự thật là thế, giáo viên dạy trên lớp thu nhập không đến 3 triệu mỗi tháng thì làm sao mà toàn tâm toàn ý lo cho việc dạy trên lớp?.

Hình như ngành giáo dục mãi loay hoay không tìm được bài toán giải cho việc đảm bảo đời sống cho nhà giáo để hạn chế bất cập, tiêu cực, xử lý nghiêm minh người vi phạm.

Tăng lương cho đội ngũ giáo viên công lập toàn quốc vì sao bất khả thi?

Hiện nay, với biên chế giáo viên hiện nay khoảng trên dưới 1,3 triệu giáo viên cả nước (chiếm khoảng 50% biên chế công chức, viên chức cả nước).

Với lực lượng giáo viên khổng lồ như vậy nên ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hầu hết đều dùng vào việc trả lương, cũng vì số lượng giáo viên quá nhiều, ngân sách gánh không xuể, nên việc tăng lương cho cả 1,3 triệu giáo viên là bất khả thi.

Chỉ cần tăng khiêm tốn 500.000 đồng giáo viên mỗi tháng thì ngân sách phải chi 7.800 tỷ đồng mỗi năm, đây là con số không hề nhỏ trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Đấy là chưa kể, tăng đều cho 1,3 triệu giáo viên là cách làm cào bằng, không khuyến khích được giáo viên hăng say lao động sáng tạo, chỉ cần "tàng tàng" không bị kỷ luật là được, vì có phấn đấu hơn nữa, thu nhập vẫn đi theo hệ số và hàng loạt chứng chỉ - giấy phép con và điều kiện đi kèm.

Với nhiều giáo viên ở đô thị, khoản lương tăng thêm không là gì so với thu nhập từ dạy thêm.

Vì vậy nếu vẫn quy mô trường lớp, số lượng biên chế giáo viên như hiện nay, việc tăng lương giáo viên khó khả thi.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương có 7 lần nhắc đến tinh giản biên chế. Có thể thấy, tinh giản biên chế đội ngũ hưởng lương ngân sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy gần như là điều kiện tiên quyết để cải cách chính sách tiền lương.

Tuy nhiên, tinh giản biên chế vô cùng khó khăn

Ban chấp hành Trung ương đã có 2 nghị quyết về tinh giản biên chế (Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2015 và Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017). Báo Giao thông ngày 29/11/2017 dẫn lời Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho hay, tính đến 1/3/2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước khoảng 4 triệu người, chưa tính lực lượng quân đội và công an.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nêu ra nghịch lý trong câu chuyện tinh giản biên chế sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên.

“Theo Nghị quyết 39, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 – 150.000 người nhưng thực tế lại không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn”, ông nhấn mạnh. [1]

Đã từng có giải pháp tinh giản biên chế cơ học đội ngũ giáo viên hiện nay để tăng lương cho nhà giáo, tuy nhiên cách làm này bất khả thi, không thể cứ nói giảm 10% tổng biên chế là có thể giảm được vì mỗi năm số lượng học sinh tăng lên, quy mô trường lớp tăng lên, áp lực giảm sĩ số để nâng cao chất lượng chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, mỗi giáo viên giảng dạy theo định mức quy định như trung học phổ thông 17 tiết/tuần, trung học cơ sở 19 tiết/tuần, tiểu học 23 tiết/tuần.

Hiện nay, đa số giáo viên dạy đủ quy định, thậm chí nhiều hơn định mức quy định.

Do đó, việc giảm biên chế cơ học đội ngũ nhà giáo rất khó thực hiện được, nhiều nơi quay sang giảm lực lượng nhân viên y tế trường học hay nhân viên kế toán (không tuyển dụng mới), một kế toán làm việc cho nhiều trường để giảm phần nào biên chế trường học theo tôi là không hợp lý.

Nhân viên y tế trường học là cực kỳ cần thiết vì nhân viên y tế trường học hỗ trợ giải quyết học sinh bị đau ốm ban đầu, hỗ trợ các vấn đề bảo hiểm y tế học sinh, thực hiện hồ sơ y tế trường học, thực tế nhiều dịch bệnh ngày càng phức tạp…

Còn nhân viên kế toán hiện nay còn cực hơn khi các trường thực hiện tự chủ tài chính, kế toán thực hiện hồ sơ kế toán trường học liên quan đến chế độ trường học của giáo viên, học sinh và các khoản khác.

Do đó, vẫn giữ quy mô trường lớp, cách quản lý như hiện nay, việc giảm biên chế không bao giờ thực hiện được.

Mà không giảm được biên chế thì đừng nói đến tăng lương cho giáo viên, cũng không thể vô cảm một cách máy móc giảm biên chế bằng cách đẩy giáo viên ra đường, thất nghiệp.

Theo ý kiến cá nhân tôi để giảm biên chế, tạo điều kiện cho giáo viên có việc làm, giảm áp lực ngân sách, tăng thu nhập cho giáo viên thì có thể thực hiện quyết liệt 2 phương án sau:

Thứ nhất nhà nước cần có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ giảm trường công lập, tăng trường tư thục

Đã có thời gian các trường dân lập, tư thục bị “chèn ép”, hoạt động khó khăn thì nay đã đến lúc tạo mọi điều kiện tối đa cho các trường ngoài công lập như dân lập, tư thục kể cả bán công hoạt động mạnh mẽ.

Việc mở rộng các trường ngoài công lập sẽ tạo điều kiện cho giáo viên có việc làm, giảm số lượng học sinh học tại các trường công lập, thì đương nhiên sẽ giảm biên chế giáo viên.

Các trường ngoài công lập hoạt động hiệu quả, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, thu nhập giáo viên ngoài công lập phù hợp đương nhiên sẽ có nhiều giáo viên đang giảng dạy công lập chuyển sang dạy ngoài công lập, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời lại còn tăng nguồn thu ngân sách (thuế).

Các trường dân lập, tư thục phát triển mạnh mẽ tạo môi trường học tập cạnh tranh, các trường công lập, ngoài công lập đều phải tìm mọi cách để thu hút học sinh tạo ra lực lượng học sinh giỏi, tốt về mọi mặt.

Thiết nghĩ, các trường ngoài công lập phát triển thì mọi thứ đều tốt hơn, chất lượng học sinh cũng sẽ tốt hơn, môi trường cạnh tranh hơn.

Đã hết thời, bấu víu mãi vào “bầu sữa” ngân sách.

Thứ hai, nhà nước cần tập trung ngân sách chăm lo cho nhóm yếu tế, không làm dịch vụ giáo dục có thu phí

Hiện nay bậc học mầm non và phổ thông vẫn còn tập trung quá nhiều ưu đãi chính sách cho trường công lập và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng với khối tư thục.

Hệ thống trường chuyên lớp chọn (dù Nghị quyết Trung ương chỉ đạo bỏ trường chuyên lớp chọn bậc trung học cơ sở, nhiều nơi vẫn duy trì dưới hình thức khác), trường công lập chất lượng cao, trường công lập tự chủ tài chính, hệ song bằng, tiếng Anh tích hợp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang hưởng lợi thế chiếu trên so với các trường tư thục.

Nhóm trường công lập này được ngân sách ưu tiên đầu tư, được thu học phí cao không khác gì trường tư thục, lại được ưu tiên tuyển sinh "vét" cạn nguồn học sinh khá giỏi.

Ngoài một số trường tư thục đã có thương hiệu, hầu hết các trường tư thục còn lại phải chấp nhận tuyển các em có lực học yếu, kém, thậm chí nghịch ngợm mà trường công không nhận. Đây là nhóm yếu thế cần sự quan tâm của Nhà nước, lại đang do khối tư thục, giáo dục thường xuyên - dạy nghề gánh vác.

Chính điều này khiến cho nhóm trường tư thục tốp dưới, nhất là các cơ sở mới thành lập và chưa gây dựng được thương hiệu, cực kỳ khó khăn trong tuyển sinh, lại bị cạnh tranh và đối xử bất bình đẳng.

Các trường tư thục mà không phát triển mạnh mẽ, tinh giản biên chế giáo viên công lập bất khả thi, theo đó việc tăng lương cũng khó và có tăng cũng không đáng kể so với mức độ chi tiêu hiện nay.

Ngân sách nhà nước nên tập trung cho nhóm yếu thế trong xã hội và các bậc học thấp (mầm non, tiểu học), thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ các bậc học cao hơn (trung học cơ sở trở lên), bãi bỏ các chính sách ưu ái một nhóm trường công như hiện nay.

Nói cách khác, Nhà nước cần rút hoàn toàn khỏi dịch vụ giáo dục có thu phí như song bằng, chất lượng cao, tiếng Anh liên kết...Hãy để cho khối tư thục làm.

Song song với các giải pháp chính sách này, Nhà nước, ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải đổi mới và hoàn thiện công cụ đánh giá hiệu quả, sức lao động của đội ngũ giáo viên công lập làm tiêu chí để trả lương, cần phải loại bỏ bằng được các giấy phép con nặng hình thức và không thực chất như các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học và thay thế bằng các tiêu chí bám sát chất lượng đầu ra của học sinh.

Có như vậy giáo dục mới phát triển, chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng đời sống giáo viên mới có thể cải thiện.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.baogiaothong.vn/ong-pham-minh-chinh-bat-giam-140000-lai-tang-96000-bien-che-d234756.html

NHẬT KHOA