Lương giáo viên trong dự thảo mới có đúng tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW?

07/08/2020 06:21
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc yêu cầu các chứng chỉ ngoại ngữ trong việc xếp lương, thăng hạng là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo về Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non đến trung học phổ thông công lập.

Theo đó, giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông được xếp theo các hạng từ hạng IV đến hạng I với các hệ số lương khác nhau.

Cụ thể, áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06) đối với giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV có trình độ trung cấp;

Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89) đối với giáo viên mầm non hạng III, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở hạng IV có trình độ Cao đẳng.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II; tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III có trình độ đại học được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38).

Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78).

Sau khi đăng tải đã nhận được không ít ý kiến trái chiều về cách xếp lương giáo viên hay như các điều kiện tiêu chuẩn của giáo viên theo các hạng trên.

Sắp tới, lương giáo viên sẽ tăng hay giảm? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Sắp tới, lương giáo viên sẽ tăng hay giảm? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vẫn sẽ “hành” giáo viên

Giáo sư Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có ý kiến trước công luận về bất cập của các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhà giáo và hứa sẽ tìm cách tháo gỡ các chứng chỉ vô bổ kia, nhưng khi ban hành dự thảo xếp lương nhà giáo thì các tiêu chuẩn về chứng chỉ chức danh nhà giáo vẫn còn.

Gần đây trên Giáo dục Việt Nam có bài viết “Nếu giáo viên cả nước học chứng chỉ nghề nghiệp, sẽ phải bỏ ra 2,2 nghìn tỉ đồng” của tác giả Thanh An.

Tác giả bài viết đã phân tích, nếu học các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên có thể mất cả ngàn tỉ đồng, số tiền trên sẽ chảy vô túi của các cơ sở tổ chức các lớp về hạng chức danh nghề nghiệp mà hiệu quả sau khi học và cấp chứng chỉ trên là các con số 0 tròn trĩnh chỉ tốn thời gian, tốn tiền.

Thực tế con số sẽ nhiều hơn 2,2 nghìn tỉ mà tác giả Thanh An phân tích vì sẽ có nhiều giáo viên sẽ có 2 thậm chí 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Theo dự thảo trên thì chỉ có giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hạng IV (giáo viên chưa đạt chuẩn) là không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, còn tất cả hạng giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông từ hạng III đến hạng I đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Điều này sẽ vô cùng phi lý, một giáo viên muốn thăng hạng thì phải có chứng chỉ giáo viên hạng tương ứng.

Ví dụ một giáo viên trung học cơ sở xếp hạng IV muốn thăng lên hạng III thì phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, sau đó 5 năm phải tiếp tục học chứng chỉ hạng II nếu muốn thăng hạng.

Muốn thăng lên hạng I phải tiếp tục học chứng chỉ chức danh nhà giáo hạng I.

Như vậy, một giáo viên có thể phải “cõng” 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiêp.

Chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn Châu Âu vẫn là nỗi khổ giáo viên

Việc yêu cầu các chứng chỉ ngoại ngữ trong việc xếp lương, thăng hạng là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Trước đây, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân vừa ký Quyết định số 69/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch xây dựng các nghị định nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật vào thời điểm 01/7/2020.

Theo đó, có quy định sẽ giảm thiểu quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức.

Tuy nhiên trong dự thảo về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, khi xếp lương giáo viên thì các tiêu chuẩn về tin học, ngoại ngữ vẫn như cũ, vẫn yêu cầu giáo viên các hạng III trở lên phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn Châu Âu, đây là một bất cập rất lớn.

Giáo viên ở các bộ môn (trừ môn ngoại ngữ) đều đã được học ngoại ngữ ở các bậc học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học và đáp ứng được cơ bản nhu cầu giảng dạy cho học sinh, còn việc đạt các tiêu chuẩn theo chuẩn Châu Âu chỉ là giấc mơ.

Việc có chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ, để thăng hạng rồi không có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng giáo dục là việc làm không nên.

Con số tiền bỏ ra để học các chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên cả nước cũng không thấp hơn việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, vì để có được chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn Châu Âu không dưới 5 triệu đồng.

Vẫn trả lương giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp không phải vị trí việc làm

Theo dự thảo thì giáo viên được xếp thành các hạng từ hạng I đến hạng IV với các mức lương tương ứng.

Về đối tượng áp dụng thì áp dụng cho cả cán bộ quản lý gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cả giáo viên.

Như vậy kể cả hiệu trưởng, giáo viên sẽ được xếp lương theo hạng chức danh nghề nghiệp.

Trong khi đó ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW quy định về cải cách chính sách tiền lương.

Theo đó lương sẽ được trả theo vị trí việc làm gồm 3 thang, bảng lương gồm bảng lương chức vụ lãnh đạo, bảng lương giáo viên, bảng lương nhân viên.

Trong đó bảng lương mới sẽ có một số thay đổi lớn như sau:

Bãi bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương hiện nay và thay thế bằng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể;

Xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện nay, đảm bảo tiền lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng;

Bãi bỏ cũng như gộp nhiều khoản phụ cấp…

Các dự thảo về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên vẫn xếp lương theo hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo, vẫn có hệ số lương, trong khi theo Nghị quyết 27/NQTW thì xếp lương mới sắp tới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở, lương sẽ được trả theo vị trí việc làm, lương được nhận bằng lượng tiền khởi động ban đầu chứ không phải hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.

Việc trả lương theo vị trí việc làm đang được các cơ quan chuyên môn gấp rút thực hiện và triển khai, việc ban hành dự thảo xếp lương theo hạng liệu có cần thiết?

Thu nhập giáo viên sẽ tăng hay giảm?

Gần đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đang tham mưu cho Chính phủ về phương án lương mới giáo viên đảm bảo lương mới không thấp hơn lương cũ.

Tuy nhiên, với việc bỏ phụ cấp thâm niên, cộng với việc ngân sách chi lương 2021 sụt giảm, giáo viên lo lắng tổng thu nhập của giáo viên thấp hơn mức thu nhập hiện nay (tổng thu nhập gồm lương và các khoản phụ cấp).

Nếu như dự thảo xếp lương thì có thể thấy lương giáo viên ở các hạng có thể tăng về hệ số lương, tuy nhiên để được chuyển xếp lương, thăng hạng là vấn đề không đơn giản và tôi nhận thấy sẽ không có sự tăng thậm chí là giảm.

Đối với giáo viên khi chuyển xếp lương vào bảng lương mới, hệ số lương của giáo viên được xếp theo nguyên tắc chuyển ngang bằng hoặc xếp vào bậc lương có hệ số lương liền kề.

Ví dụ 1: Giáo viên trung học cơ sở A hạng III hiện nay có hệ số lương 4,27 (bậc 8) nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ chuyển sang hạng III mới là ở bậc có hệ số lương liền kề là bậc 7 có hệ số lương 4,32 (chênh lệch 0,05).

Giáo viên trung học cơ sở B hạng II hiện nay có hệ số lương 4,32 (bậc 7) nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ được chuyển sang hạng II mới có hệ số lương liền kề là 4,34 (bậc 2) chênh lệch 0,02.

Giáo viên trung học cơ sở C hạng II hiện nay có hệ số lương 3,0 (bậc 3) nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở hạng II mới, tuy nhiên do chưa đủ điều kiện về hệ số lương, bậc lương nên sẽ chưa được chuyển mà phải tiếp tục hưởng lương ở hạng III mới (tương ứng hạng II cũ) đến bậc 6 có hệ số 3,99 mới được chuyển sang hạng II mới có hệ số lương liền kề là 4,0 (bậc 1) chênh lệch 0,01.

Có thể thấy việc chuyển xếp lương thì hệ số lương chênh lệch là không lớn, giáo viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (phải bỏ ra số tiền không nhỏ) cộng với việc bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo nên giáo viên lo lắng thu nhập giảm trong thời gian tới là có cơ sở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương,… đã có chỉ đạo cải cách tiền lương mới phải ra cải cách, chứ không phải điều chỉnh đôi chút.

Thu nhập hiện nay của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và nhân viên trường học là rất thấp, hy vọng đợt cải cách này có những điều chỉnh phù hợp để cải thiện thu nhập của nhân viên trường học, giáo viên tương xứng với vai trò, vị thế nhà giáo trong giai đoạn mới.

BÙI NAM