Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là hàng chục triệu học sinh, sinh viên sẽ chính thức bước vào năm học mới, năm học 2020-2021.
Khác với các khối học khác, học sinh lớp 1 trên cả nước năm nay sẽ bước vào học Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và sách giáo khoa mới.
Vì thế, thời điểm này thì các trường tiểu học đã chuẩn bị cho khâu tuyển sinh đầu cấp và không quên thông báo cho phụ huynh học sinh chuẩn bị cho con em mình những những sách, vở cần thiết cho năm học.
Nhưng, sách giáo khoa lớp 1 năm nay không dễ để phụ huynh lựa chọn, tự mua ở các nhà sách, các cửa hàng bán sách mà phải có sự tư vấn, định hướng, thậm chí “làm thay” việc này cho phụ huynh học sinh.
Và, tất nhiên sẽ có nhiều người phụ huynh sẽ choáng và sốc với giá sách giáo khoa, sách bổ trợ mà nhà trường thông báo- nhất là những phụ huynh nghèo thì việc mua một bộ sách đầu năm cho con em mình đã thực sự là nỗi lo rất lớn.
Bảng thông báo giá sách giáo khoa, bổ trợ, bài tập cho học sinh lớp 1 tới đây (Ảnh: một phụ huynh học sinh cung cấp). |
Hơn nửa triệu đồng mua sách giáo khoa, sách bổ trợ lớp 1.
Sách giáo khoa lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 hiện nay có đến 5 bộ.Trong đó có 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn và phát hành.
Bộ còn lại là sách giáo khoa Cánh Diều do 3 đơn vị phối hợp thực hiện là Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản-Thiết bị Giáo dục Việt Nam.
Bộ sách rẻ nhất là bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, gồm 9 cuốn, giá 186.000 đồng; bộ sách đắt nhất là sách Cánh Diều Bộ sách gồm 9 cuốn có giá 199.000 đồng.
Nhưng, đó mới chỉ là sách giáo khoa cơ bản, chưa có sách giáo khoa Tiếng Anh, sách bổ trợ.
Trong khi, những loại sách bổ trợ đi kèm thì phụ huynh cũng bắt buộc phải mua, không mua không được vì nhà trường đã thông báo.
Và sách bổ trợ mới là vấn đề cần bàn bởi nó cao hơn nhiều sách giáo khoa mà các nhà xuất bản đã công bố trước các phương tiện thông tin đại chúng. Những loại sách này chủ yếu là bán theo đường nội bộ, diễn ra âm thầm…
Một phụ huynh có con năm tới vào lớp 1 đưa cho chúng tôi bảng Thông báo giá sách giáo khoa là 186.000 đồng. Nhưng, cộng cả sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách bài tập, sách tiếng Anh thì tổng số tiền là 566.000 đồng.
Số tiền này, phụ huynh ở khu vực đô thị, vùng có điều kiện thì nó cũng chưa phải là quá lớn nhưng học sinh nông thôn, vùng khó khăn thì quả là một số tiền rất lớn.
Bởi, ngoài các loại sác này còn phải mua thêm đồ dùng học tập, rồi hàng loạt khoản tiền mà phụ huynh phải đóng góp đầu năm.
Thậm chí, có nhiều trường sẽ còn tổ chức dạy thêm, học thêm bởi môn tiếng Anh ở lớp 1 chưa phải là môn học bắt buộc.
Đã xác định “chương trình” là pháp lệnh thì cần gì sách bổ trợ nhiều đến vậy?
Khác với chương trình hiện hành xác định sách giáo khoa là pháp lệnh thì Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 xác định “chương trình” mới là pháp lệnh và sách giáo khoa chỉ là “tư liệu” cho giáo viên và học sinh.
Có nghĩa là sách giáo khoa chỉ là “thứ yếu” cho việc áp dụng giảng dạy, học tập đối với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhưng, ở thời điểm hiện tại thì không chỉ sách giáo khoa mà sách bổ trợ, sách bài tập cũng đã là “danh mục bắt buộc” phải mua ở các nhà trường.
Điều này cũng đồng nghĩa những sản phẩm mà các nhà xuất bản hướng tới là các loại sách giáo khoa và sách bổ trợ chứ “chương trình” thì mỗi lớp vài chục trang giấy chẳng bõ bèn gì…
Cái “hay nhất” là phụ huynh không chỉ phải mua sách giáo khoa thông thường mà bao giờ cũng có “bia kèm lạc” đi cùng.
Một mình nhà trường có dám bán sách bổ trợ không? Chắc chắn là đố hiệu trưởng nào dám thông báo đến phụ huynh nếu không có một sự “thống nhất” của cấp trên.
Một khi các loại sách bổ trợ, sách bài tập được bán ở các nhà trường thì phải có sự liên kết mật thiết từ các nhà xuất bản thì sách mới có thể bán được bởi những loại sách này không thuộc danh mục bắt buộc phụ huynh phải mua cho con em mình.
Chẳng có hiệu trưởng nào lại chỉ đạo nhân viên của mình lập danh mục sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách bài tập để đăng ký mua với nhà xuất bản mà bản thân họ không có lợi ích trong công việc này.
Vô tình, nhà trường trở thành những chi nhánh để phân phối các loại sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách bài tập…cho các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành sách.
Trong khi, học sinh lớp 1 mới bắt đầu học chữ, học số thì có nhất thiết phải cần đến 9-10 cuốn sách giáo khoa và hàng chục quyển sách bổ trợ và sách bài tập đi kèm hay không?
Vì thế, việc mua sách là việc bắt buộc của phụ huynh nhưng có dạy hết các đầu sách, viết hết các loại sách, vở mà phụ huynh đã mua hay không lại là chuyện của các nhà trường.
Rõ ràng, trong chuyện này thì cái lợi không bao giờ thuộc về phụ huynh học sinh khi hàng năm phải bỏ tiền ra mua quá nhiều các đầu sách!