Việc chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 ở các địa phương đã hoàn thành.
Xung quanh câu chuyện chọn sách giáo khoa lớp 1 cũng có khá nhiều chuyện lùm xùm để dư luận hoài nghi đặt không ít câu hỏi.
Giáo viên có quá ít thời gian để nghiên cứu sách giáo khoa (Ảnh minh họa: Báo Plo.vn) |
Người ta quan tâm nhiều nhất về tính minh bạch trong khâu chọn sách. Không ít câu hỏi được đặt ra: “Có sự chỉ đạo hay định hướng ngầm nào không?
Có sự tác động gì đến lá phiếu của giáo viên hay không? Và như thế, việc chọn sách giáo khoa có còn vì học sinh hay vì một điều khác?
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không bàn đến những vấn đề ấy vì cũng đã có khá nhiều bài viết nói rồi.
Với góc nhìn của người trong cuộc (từng tham gia, nghiên cứu bình chọn sách) sẽ đưa bạn đọc “thâm nhập” vào một buổi chọn sách của trường (cũng như khá nhiều trường học khác).
Qua đó, câu trả lời việc chọn sách như thế đã thật sự hiệu quả hay không là của chính các bạn.
Giáo viên nhà trường đã nghiên cứu, bình chọn sách thế nào?
Có lẽ giá mỗi bộ sách khá đắt so với giá sách hiện hành nên mỗi trường tiểu học chỉ đặt mua 5 bộ sách.
7 giờ 30 phút (buổi chiều thì 2 giờ), Hội đồng bình chọn sách giáo khoa bắt đầu làm việc.
Giáo viên được phát sách để nghiên cứu (mỗi nhóm nghiên cứu 1 bộ và xoay vòng).
Thời gian nghiên cứu đến 10 giờ hoặc 10 giờ 30 là tiến hành bỏ phiếu. Hơn 2 tiếng đồng hồ cho hơn 30 cuốn sách.
Sách nhiều, thời gian có hạn nên giáo viên chủ yếu lật, dở từng trang xem qua. Có thầy cô thì xem hết hơn 30 cuốn sách (chỉ là xem thôi chứ nghiên hoàn toàn không kịp) nên có người cũng chỉ lật dở qua loa mỗi cuốn sách vài trang đầu.
Sau đó, ai có ý kiến gì thì nêu lên, ai không tìm ra điều gì để nhận xét thì có ngay điện thoại thông minh để vào ngay mạng để tìm kiếm.
Khoảng 10 giờ đến 10 giờ 30 phút tiến hành bỏ phiếu. Sau khi có kết quả kiểm phiếu sẽ chọn bộ sách được nhiều người bình chọn nhất làm kết quả chính thức.
Biên bản được đọc và thông qua, buổi bình chọn sách kết thúc vào lúc 11 giờ hoặc muộn hơn là 11 giờ 30 phút.
Khoảng 4 tiếng đồng hồ (chưa kể thời gian giải lao) cho các công đoạn đọc sách; nêu nhận xét ưu, khuyết; bỏ phiếu; công bố kết quả.
Dù có bình chọn công tâm thì với thời gian tốc hành giống đánh trận như thế, liệu những bộ sách được chọn ra đã thật sự phù hợp với học sinh?
Câu hỏi này cũng đã từng được một số giáo viên hỏi, câu trả lời xem ra có phần khá thuyết phục:
“Năm học này cứ học thế đã, cũng coi như là thử nghiệm. Sau một năm học, các địa phương sẽ rút ra được ưu, nhược điểm chính xác nhất.
Năm sau, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chọn, lúc ấy chắc chắn họ cũng sẽ lấy nhận xét từ dưới cơ sở để tham khảo. Bộ sách nào được đánh giá tốt chắc sẽ được giữ lại tiếp tục giảng dạy. Và như thế, học sinh vẫn được học bộ sách tốt nhất.
Chỉ thương cho nhiều phụ huynh lại phải mất tiền mua cho con thêm một bộ sách giáo khoa khác dù bộ sách giáo khoa (anh, chị) vừa học vẫn còn mới nguyên.