Đại biểu Đà Nẵng lên tiếng về việc các trường Đại học bị xuyên tạc, “nói xấu"

27/08/2020 06:20
TẤN TÀI
GDVN- Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng sẽ theo dõi chặt chẽ sự việc để có những kiến nghị, góp ý làm trong sạch môi trường giáo dục, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

Liên quan đến sự việc nhiều trường Đại học ở Đà Nẵng phản ánh bị xuyên tạc thông tin, đánh giá chất lượng đào tạo không đúng... được đăng tải trên mạng xã hội cũng như được in ấn thành các bưu phẩm gửi đến phụ huynh, học sinh lớp 12 đã khiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bức xúc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn lên tiếng về việc nhiều trường Đại học ở Đà Nẵng bị xuyên tạc thông tin. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn lên tiếng về việc nhiều trường Đại học ở Đà Nẵng bị xuyên tạc thông tin. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Nhiều người cho rằng, đây là cách cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường Đại học vào mỗi lần bước vào mùa tuyển sinh.

Việc các trường bị bôi xấu, “hạ bệ” không chỉ gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh khi quyết định chọn trường mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục Đại học.

Ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho biết, vụ việc đang được cơ quan công an vào cuộc điều tra và đây là bước đi cần thiết nhằm tìm ra người phát tán các thông tin xuyên tạc nói trên.

Qua đó, sẽ làm rõ được động cơ, mục đích của hành vi vi phạm pháp luật này.

Tôi không nghĩ đây là chủ trương của một trường nào đó ở Đà Nẵng. Tôi cũng tin tưởng rằng, không có thầy cô nào trong các trường Đại học lại đi làm một việc phản giáo dục như thế”.

Ông Sơn đặt nghi vấn có một số người đã gây ra sự việc này nhằm một mục đích khác chứ không chỉ đơn thuần là so sánh, đánh giá, khen – chê, xuyên tạc thông tin về các trường Đại học ở Đà Nẵng.

“Dù mục đích của hành vi này là gì đi nữa thì nó đã tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục, làm vẩn đục môi trường đào tạo của Đà Nẵng.

Sự việc này cũng làm xấu hình ảnh của ngành giáo dục đào tạo nói chung. Và đó là điều không thể chấp nhận được”.

Ông Sơn cũng chia sẻ thêm: “Họ gửi tài liệu đến các trường trung học phổ thông, các thầy cô, học sinh và cả phụ huynh.

Thầy cô thì hoang mang, còn phụ huynh và học sinh thì lo lắng nên đã phản ánh về các trường Đại học cũng như cơ quan chức năng.

Việc này đã tác động xấu đến việc lựa chọn trường học của học sinh, phụ huynh. Do đó, cần phải trừng trị thích đáng những hành vi phản giáo dục như thế”.

Thông qua nắm bắt thông tin từ các phản ánh, ông Sơn cho rằng, đây không phải là chủ trương hay một kiểu cạnh tranh của một trường Đại học nào đó ở Đà Nẵng mà nó có biểu hiện cá nhân.

Tất nhiên, việc điều tra, kết luận các sai phạm liên quan là của cơ quan công an.

Qua đây, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cũng gửi lời nhắn nhủ đến các thầy cô giáo hãy yên lòng vì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ phải bị xử lý.

Phụ huynh, học sinh cũng yên tâm với sự lựa chọn của mình khi đã chọn vào học ở các trường Đại học Đà Nẵng.

Chia sẻ thêm về việc cạnh tranh không lành mạnh, “bêu xấu” nhau giữa các trường Đại học, Cao đẳng khi vào “mùa” tuyển sinh, ông Sơn cho biết, trong vài năm gần đây cũng nghe loáng thoáng câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh trong công tác tuyển sinh giữa các trường Đại học, Cao đẳng.

“Sự việc vừa rồi đã làm hoen ố hình ảnh của người làm giáo dục, làm buồn lòng nhiều thầy cô nên không chỉ Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng quan tâm mà nhiều địa phương khác cũng sẽ quan tâm, đặt vấn đề trong kỳ họp tới.

Nếu ban đầu nó là vụ việc mang tính cá nhân, một biểu hiện nhỏ mà chúng ta không xử lý rốt ráo, quyết liệt thì nó sẽ biến hóa lớn hơn, mức độ tác động tai hại hơn. Đoàn sẽ theo dõi chặt chẽ sự việc này”, ông Sơn nói.

Trước đó, Đại học Đà Nẵng đã có công văn gửi công an thành phố Đà Nẵng đề nghị hỗ trợ điều tra, làm rõ việc nhiều trường thành viên bị xuyên tạc thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

TẤN TÀI