Năm nay con vào lớp 1, mẹ mong chờ ngày này biết bao nhiêu. Ngày đánh dấu con đã lớn khôn, ngày con bước vào quãng đời học sinh tươi đẹp. Trường treo bảng danh sách học sinh, ba biết tin vào giữa trưa mà không chờ được đến chiều, phải chạy ngay đến trường. Trường đóng cửa, ba chờ giữa trưa nắng một lúc rồi quyết định leo rào vào. Đọc thấy tên con trong danh sách, ba xuýt khóc vì vui sướng. Nhưng niềm vui chẳng tày gang. Ngành giáo dục xây trường lên dĩ nhiên là cho con học, nhưng thật không may cái trường này lại thuộc cái phường trung tâm thành phố này nên nó to nhất, khang trang nhất và cũng danh giá nhất thành phố này. Phụ huynh nào cũng muốn con mình được học ở đó Nhưng nếu trái tuyến thì phải đóng tiền. Giá vào trường dao động theo từng năm học, có lẽ theo giá vàng. Cách đây vài năm, khi trường mới đưa vào hoạt động thì học phí mỗi năm 10 triệu, rồi cứ mỗi năm tăng lên, năm nay thì đã tăng lên khoảng 50 triệu rồi. Tiền đó dĩ nhiên là thầy hiệu trưởng và một số giáo viên chủ chốt trong trường hưởng. Cũng có lại quả cho một số lãnh đạo phường và phòng giáo dục có liên quan, và cũng có nhận một vài xuất con em trái tuyến của các vị này. Mà nếu không phải con em thì các vị này có quyền ôm hết số tiền trên mà không phải chia cho ai cả. Khi xây trường dĩ nhiên người ta tính quy mô trường phù hợp với số dân và số trẻ sinh trong phường sở tại. Vậy nếu mọi tính toán đã khít khao vậy thì chỗ đâu để nhận học sinh trái tuyến, làm sao để thầy cô và các vị lãnh đạo kiếm tiền? Vậy nên có quy định học sinh có hộ khẩu nơi khác chuyển đến phường dưới 3 năm, chỉ cha hoặc mẹ có hộ khẩu trong phường, hoặc hộ khẩu nơi nhập vào không phải nhà ông bà nội ngoại ruột mà chỉ bà con hay bạn bè… thì học sinh phải đóng tiền vào trường hoặc trả về học ở trường nơi phường đã nhập sinh. Học sinh nộp hồ sơ mà có hộ khẩu đúng phường thì thầy cô trong trường rất ghét, nộp trái tuyến thầy cô vui hơn nhiều.
Trẻ đang bị nhiễm thói gian dối ngay từ khi vào lớp 1 (Ảnh minh họa, nguồn internet) |
Thật không may, ông bà ngoại của con là công dân lâu năm của phường, và mẹ có hộ khẩu từ khi chưa biết mặc quần nên dĩ nhiên con có hộ khẩu nhập sinh trong phường luôn. Và thế là việc con dĩ nhiên vào trường làm thầy cô và một số người không vui. Họ mất một xuất tiền còn gì, nên có một chiến dịch bới lông tìm vết. Họ phát hiện ra rằng, con chỉ có hộ khẩu thôi chứ không ở thường xuyên. Một cô giáo và 2 cán bộ phường hùng hổ đến nhà. Bà ngoại chưa kịp mời vào phòng khách. Khách cũng không thèm giới thiệu tên, mục đích đến nhà. Đứng ngay ngoài sân, câu đầu tiên, khách đòi gặp "Bé năm nay vào lớp 1” (Mấy vị khách vô giáo dục này hóa ra là mấy vị khách đầu tiên trong đời con. Bất hạnh cho con quá!). Bà ngoại đành gọi con ra vì chẳng hiểu khách muốn gì. Vị cán bộ già rút ra tờ giấy, cô giáo cao giọng hỏi: - Con tên gì? - Con tên Nobita. Bà ngoại phải nhắc, con đi học tên gì. Con sửa: - Con tên Nguyễn Văn... Cô hỏi tiếp: - Ba con tên gì? - Ba tên... Mẹ tên gì? Mẹ tên... - Nhà con ở đâu? Đến đây thì con “điếc”. Bà ngoại nhắc: "Con ở đây". Cô nạt: Bác để yên cho nó nói. Rồi cô mớm: - Nhà con ở XXXX phải không? Con ngơ ngác rồi gật đầu. Cô tiếp: - Tối con ngủ ở đâu? - Con ngủ với mẹ. - Ngủ với mẹ ở XXXX phải không? Con lại gật. Khách có vẻ thỏa mãn, gật đầu chào về. Mẹ nghe có gì đó đổ vỡ rất lớn trong lòng mình. Không phải là chuyện rồi con sẽ học ở đâu, không phải là chuyện cơ sở vật chất nơi ấy thế nào, mà là chuyện mẹ phải tự tay đẩy con vào môi trường vô đạo đức, phản giáo dục và phi sư phạm đến thế mà không cách nào cứu con được.
Lá thư xúc động gửi những học sinh đã tốt nghiệp Trường Đồi Ngô
Khi "khuôn vàng thước ngọc" bị vỡ, nền giáo dục sẽ trôi về đâu?
Ngày sinh các con, mẹ đau chết đi sống lại, nhưng giữa hai cơn đau, mẹ chỉ làm một việc duy nhất là cầu nguyện cho các con bình an, bao nhiêu bất trắc mẹ xin nhận hết về mình. Sinh con ra, mẹ nuôi bằng dòng sữa ngọt ngào, đồ ăn thức uống là những thứ được chọn lọc tinh khiết nhất. Ba mẹ nâng niu những giấc mơ thiên thần. Vậy mà, nay bước chân đầu tiên con bước ra khỏi vòng tay cha mẹ đã bị vấy bẩn. Vì những toan tính bẩn thỉu ngay trên đầu các con, những đứa trẻ ngây thơ, tội nghiệp. Họ cao giọng điều tra con vì điều gì chứ? Vì bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bé vừa có hộ khẩu, vừa sinh sống ổn định trong phường, hay dành chỗ cho những trường hợp trái tuyến để lấy tiền? Con người ta không có mảy may dính dáng đến cái phường này thì trải thảm đỏ mời vào. Con có hộ khẩu từ khi mới sinh ra thì họ đến với cái mặt hình sự, nghiêm khắc hỏi: Có ở hay không? Cứ như là lật tẩy được một trò gian dối. Nếu có một người gian dối ở đây thì là chúng ta hay họ? Mà dự án xây trường bao nhiêu phòng học là có tính đến cả hộ khẩu của chúng ta, chứ đâu có tính được có bao nhiêu học sinh từ nơi khác tới. Nhưng thầy cô thì tính được việc loại con ra thì có được bao nhiêu tiền. Họ đáng khinh như vậy đấy! Nhà giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý giáo viên mầm non, tiểu học vừa cao quý vừa nhận lãnh trách nhiệm thiêng liêng. Như câu hát: "Tâm hồn thơ ngây như trang giấy trắng, Tổ quốc giao em viết nét mở đầu”. Mỗi lần đọc đến câu này mẹ đều thấy lòng rưng rưng. Nay đọc lại mẹ thấy đau đớn xót xa. Lẽ ra khi nhìn các con đang tung tăng hồn nhiên trong sân trường cửa lớp, các thầy cô phải cảm thấy tự hào vì mình đã được chọn là người thầy đầu tiên cho một thế hệ sẽ nắm giữ vận mệnh quốc gia. Vậy mà họ chỉ thấy các tờ giấy bạc polime xanh đỏ đang chạy nhảy tung tăng. Mẹ buồn vì phải giao con cho những người xấu xa, thật chẳng may họ lại "viết nét mở đầu" cho con - trang giấy tinh khôi của mẹ. Nếu có điều ước mẹ chỉ ước cho con khỏi đi học. Mấy hôm nay, mẹ đọc và suy nghĩ hoài về chuyện bé 9 tuổi không đến trường ở Hà Nội. Ba sợ quyết tâm của mẹ ngày càng dày nên cố phá từ trong trứng nước. Những ngày lẽ ra đã rất hạnh phúc của mẹ con mình, khi mà mỗi lần đi nhà sách mẹ con lại háo hức chuẩn bị cho ngày con đến trường, giờ lại trở thành những ngày ám ảnh nặng nề.
ĐIỂM NÓNG |
|
Độc giả Thu Trang