Bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện tự chủ của Đại học Tôn Đức Thắng

06/09/2020 06:24
Thùy Linh
GDVN- Đến nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có tổng kết về thuận lợi, khó khăn; những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp qua quá trình thực hiện tự chủ.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng xây dựng Đề án thí điểm tự chủ để trình Chính phủ, nhằm chính thức hóa hoạt động tự chủ của Trường; và ngày 29/01/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 158/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ toàn diện cho Trường.

Đến nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có tổng kết về thuận lợi, khó khăn; những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp qua quá trình thực hiện tự chủ.

Theo đó, một là, về mặt thuận lợi khách quan thì có:

Đặc thù từ lịch sử hình thành đã giúp trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ chế hoạt động tự chủ ngay từ đầu đến nay; mà thực chất là hoạt động như trường tư thục.

Tiếp theo là những nghị quyết đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết 14/NQ-CP, Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 77/NQ-CP. Nghị quyết 19-NQ/TW; Luật 08/2012, Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Sự tạo điều kiện tốt của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh như duyệt cho mua Nhà kho của Công ty dệt may Gia Định, duyệt tài trợ lãi để Nhà trường vay vốn kích cầu (tự đầu tư và tự trả vốn với sự quản lý của ngân hàng), giao đất và sau này cho thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; các hỗ trợ về thủ tục khác.

Sự tạo điều kiện của Công đoàn các cấp từ năm 2016 trở về trước; như làm thủ tục thành lập, cho mượn vốn không lấy lãi; và nhất là tình yêu thương và sự hỗ trợ tối đa về thủ tục, về kiến nghị cơ chế cho Trường từ một số lãnh đạo Tổng liên đoàn.

Còn về thuận lợi ở mặt chủ quan thì do Nhà trường đã chọn hướng đi đúng và kiên định làm đúng ngay từ đầu.

Lãnh đạo Nhà trường đủ năng lực để thuyết phục mọi người.

Quản trị đại học khoa học, công bằng và kiên trì theo kế hoạch đã quyết.

Chăm chút cho con người và phát triển nhân lực một cách cơ bản-lâu dài.

Tập thể đoàn kết, gương mẫu.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: tdtu.edu.vn)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: tdtu.edu.vn)

Việc có được người đứng đầu quyết liệt đổi mới, quyết liệt học tập những điều tốt nhất từ đại học tiên tiến nước ngoài vào để thay đổi toàn bộ hệ thống cũ; không ngại đương đầu, chấp nhận hy sinh để làm cho được điều mình tin là đúng, là tốt cho nhân dân, cho người học; để bám theo đến cùng tất cả mọi công việc từ lớn nhất đến nhỏ nhất của Nhà trường là yếu tố quan trọng nhất.

Để tạo được những thành công mà chưa ai có, tạo những bước chuyển mình thì Đại học Tôn Đức Thắng đã mạnh dạn làm những gì chưa ai làm, đi con đường chưa ai đi, luôn đổi mới, sáng tạo và không hài lòng với những thành công hiện có. Kiên quyết đấu tranh với sự lạc hậu, trì trệ; kiên trì kiến nghị đổi mới để tiến lên.

Hai là, những khó khăn và hạn chế, yếu kém

Khó khăn của Nhà trường tóm tắt vào 2 nhóm:

Xây dựng một đại học với khởi đầu là 6 số không (không tài chính, không đất đai-cơ sở vật chất, không trang thiết bị có sẵn, không nhân lực, không giáo trình-tài liệu, không tên tuổi), để trở thành đại học đẳng cấp quốc tế là khó khăn lớn nhất.

Vào năm 2007: “muốn trở thành đại học đẳng cấp thế giới thì phải phát triển qui mô sau đại học, phải có đủ phòng thí nghiệm, lab cá nhân; phải có đủ nhân lực nghiên cứu sâu và mạnh, giỏi tiếng Anh để công bố quốc tế, phải có hợp tác quốc tế rộng rãi để liên kết nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn khoa học quốc tế...;

Muốn có những điều trên, thì phải có nguồn thu bởi Đại học Tôn Đức Thắng không nhận tài trợ chi thường xuyên và chi đầu tư từ nhà nước và Công đoàn; làm gì cũng phải tự lo bằng chính tích lũy của mình.

Muốn có nguồn thu thì phải tập trung cho đào tạo đại học theo hướng thực hành, nghề nghiệp nhằm bảo đảm sinh viên ra Trường làm việc tốt, thành công để xây dựng uy tín bền vững; từ đó mới chắc chắn được nguồn thí sinh lựa chọn vào học ở Trường...”.

Có thể thấy rằng giữa mục tiêu lâu dài và mục tiêu trước mắt không tương đồng.

Nhà trường buộc phải liên tục củng cố chất lượng của hoạt động đào tạo bậc đại học, cao đẳng; nặng về thực hành nhằm bảo đảm sinh viên ra Trường có việc làm ngay để ổn định việc tuyển sinh.

Mặt khác, Trường Đại học Tôn Đức Thắng phải:

Cấp tốc tuyển và gửi người đi nước ngoài đào tạo tiến sĩ ngay để chuẩn bị nhân lực cho 10 năm tới.

Tiết kiệm triệt để để nhanh chóng mở rộng cơ sở vật chất; trang bị ngay phòng thí nghiệm vừa cho giảng dạy thực hành vừa từng bước mở rộng nghiên cứu.

Thành lập ngay các Nhóm nghiên cứu trọng điểm để làm đầu tàu cho mọi người khác nhìn vào mà học, nhìn vào mà theo; để từng bước, mỗi cá nhân đều tin rằng hoàn toàn có thể nghiên cứu và công bố công trình trên các tạp chí ISI.

Thúc các Khoa chuyên môn phải liên kết quốc tế. Từng khoa, mỗi 2 năm phải tổ chức một hội thảo quốc tế với điều kiện kỷ yếu hội thảo phải được vào ISI hoặc Scopus nhằm đưa hoạt động nghiên cứu vào đời sống của Trường.

Thúc ép viên chức phải học tiếng Anh. Nhà trường cấp tiền, cấp thời gian; và yêu cầu viên chức, giảng viên trong một thời gian từ 12 đến 24 tháng phải đạt tiếng Anh với chuẩn TOEIC quốc tế 4 kỹ năng từ 600 điểm trở lên nhằm xây dựng môi trường tiếng Anh để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu theo chuẩn quốc tế.

Liên tục xây dựng và cập nhật hệ thống văn bản pháp qui để làm hành lang quản trị đại học nói chung, quản trị hoạt động giáo dục và khoa học-công nghệ nói riêng theo mục tiêu, theo tiêu chuẩn, theo qui trình và được giám sát mọi ngóc ngách.

Liên tục cải cách chế độ phụ cấp và thu nhập tăng thêm để bảo đảm đời sống và thu hút nhân tài....

Tích cực mở rộng hoạt động đào tạo sau đại học và liên kết giáo dục, khoa học công nghệ với các đại học danh tiếng nước ngoài để vận dụng thế mạnh của các đại học đi trước, đại học đẳng cấp quốc tế cho sự phát triển của Trường.

Nhân lực: việc thu hút nhân lực giỏi đối với một trường tự chủ, không có ngân sách giai đoạn đầu rất gian nan. Trong một thời gian dài, nhân lực được đào tạo trong nước có khoảng cách chất lượng khá lớn với nước ngoài.

Nhà trường phải ưu tiên tuyển người để đưa đi nước ngoài đào tạo. Tình trạng vừa chạy vừa sắp hàng là khó khăn lớn. Hệ quả là nhân lực luôn không đồng bộ. Có những đơn vị chuyên môn có nhân lực mạnh, một vài đơn vị khác củng cố mãi mà vẫn khó vì khan hiếm người.

Đặc biệt, nhân lực có kinh nghiệm, từng trải và năng lực quản lý đại học theo tiêu chuẩn quốc tế thì hầu như là không có. Hệ quả là đến nay lực lượng lãnh đạo kế cận vẫn chưa bảo đảm.

Ngoài ra, còn gặp khó khăn về cơ chế, luật pháp còn thiếu, chưa đồng bộ.

Hạn chế, yếu kém:

Trường vẫn chưa xây dựng được lực lượng nhân lực đồng bộ cho mục tiêu phát triển lâu dài, ổn định của từng đơn vị trực thuộc.

Chưa đào tạo được lực lượng nhân sự kế cận, quản lý đại học chuyên nghiệp.

Phát triển các cơ sở địa phương để giúp các tỉnh đào tạo tại chỗ nhằm giữ được nhân lực cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương là đúng đắn; nhưng trong giai đoạn này còn hạn chế do giới trẻ chưa coi trọng việc học tại địa phương.

Quá trình đấu tranh, thực hiện phê và tự phê nhằm bảo vệ pháp luật và chủ trương của Đảng còn cứng nhắc, chưa mềm dẻo, hiệu quả chưa cao.

Ba là, nguyên nhân và giải pháp

Khó khăn nhóm 1 có nguyên nhân từ đặc thù của quá trình thành lập. Đến nay, Nhà trường cơ bản đã khắc phục.

Khó khăn nhóm 2 và hạn chế có nguyên nhân từ thực tế khách quan của nguồn nhân lực trong nước; khả năng thu hút của Trường; cũng như việc Trường phát triển quá nhanh chóng đã khiến cho nhu cần nhân lực chuyên môn cao luôn luôn lớn.

Một số hạn chế còn lại là do nguyên nhân ở chỗ trong nước không sẵn có những nhân lực được đào tạo và có kinh nghiệm quản trị đại học đẳng cấp quốc tế.

Thu hút hoặc thuê hiệu trưởng, phó hiệu trưởng từ nước ngoài thì chi phí rất lớn mà không chắc rằng người ta có thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện chính trị và xã hội Việt Nam.

Hiện Đại học Tôn Đức Thắng đã có một kế hoạch chi tiết trong 7 năm và 10 năm để khắc phục; và Nhà trường tự tin rằng sẽ khắc phục thành công.

Thùy Linh