Trẻ lớp 1 còn đang học I TỜ ÍT thì sách tham khảo làm gì?

12/09/2020 06:56
Thùy Linh
GDVN- Từ năm 2018, Bộ trưởng Nhạ đã có Chỉ thị 3798 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục, lãnh đạo trường An Phong đã quên chăng?

Vấn đề sách giáo khoa luôn là chủ đề nóng đầu năm học mới, như vừa qua ngày 31/8/2020, khi Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam phản ánh việc trường Tiểu học An Phong (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) giới thiệu tới phụ huynh bộ sách giáo khoa lớp 1 có giá 807.000 đồng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi tình trạng “bán bia kèm lạc” tồn tại trong nhà trường những năm qua.

Bộ sách lớp 1 của học sinh Trường tiểu học An Phong (Ảnh:P.L/giaoduc.net.vn)

Bộ sách lớp 1 của học sinh Trường tiểu học An Phong (Ảnh:P.L/giaoduc.net.vn)

Trước thực trạng này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Trẻ lớp 1 thì cần gì ngoài mấy cuốn sách giáo khoa đâu, mới có 6, 7 tuổi mà “cõng” 23 cuốn sách thì sức đâu mà học, thời gian đâu mà vui chơi. Trong khi kết thúc lớp 1 chỉ cần đọc, đánh vần và cộng trừ ở 1-2 chữ số là được.

Đối với Giáo sư thì ngoài sách đang nghiên cứu mới cần thêm sách tham khảo Pháp, Nga , Mỹ…hoặc sinh viên làm luận án xã hội học thì tham khảo thêm sách tâm lý học xã hội, những vấn đề về kinh tế học xã hội để viết chứ trẻ đang học 1+1=2, đang đánh vần I TỜ ÍT thì tham khảo thêm tài liệu gì nữa hả trời”, thầy Dong kêu than.

Theo thầy Dong: “Cần cấm sách tham khảo bởi đối với trẻ lớp 1 thì 9 cuốn sách giáo khoa là đủ lắm rồi, còn phải cho trẻ vui chơi nữa chứ. Ai cũng muốn con nên người nhưng trẻ lớp 1 thì cần gì tham khảo, chưa biết đọc, chưa biết viết thì tham khảo làm gì”.

Trong khi đó, bà Bùi Thị An- Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Đất nước đang thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nên đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thậm chí, Chính phủ đã phải mở gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, vậy tại sao trường học không thông cảm, chia sẻ với phụ huynh học sinh mà đưa tài liệu tham khảo vốn là tự nguyện lại đưa vào danh sách bắt buộc”.

“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và địa phương phải vào thanh tra, kiểm tra vì có mua tài liệu tham khảo hay không, mua tài liệu tham khảo nào là quyền của học sinh, phụ huynh cớ sao lại ép buộc. Nhà trường cần phải tôn trọng quyền lựa chọn của phụ huynh. Nếu phát hiện cơ sở giáo dục nào ép buộc phụ huynh mua tài liệu tham khảo thì cần xử lý”, bà An nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục ban hành 2 công văn: 3401/BGDĐT-GDTH và 3453/BGDĐT-GDTH gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn.

Cụ thể gồm các sách giáo khoa: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên -xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.

Ngoài các cuốn sách giáo khoa chính thức trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Đặc biệt, vào tháng 9/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký Chỉ thị 3798 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông trong đó yêu cầu Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các Phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương:

“Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, khiến cho học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.”

Chỉ thị cũng nêu rõ: Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo “phối hợp với các ban, ngành liên quan đến tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng sách giáo khoa và xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm”.

Thùy Linh