Bộ Giáo dục cần có ý kiến cách chức Hiệu trưởng Trường An Phong để làm gương

09/09/2020 11:33
Lê Văn Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế tài ngăn chặn tình trạng biến trường học thành đại lý cung cấp dịch vụ mà nhà trường được hoa hồng.

Việc nhiều trường tiểu học bán sách giáo khoa có kèm theo sách tham khảo, sách bài tập, sách nâng cao không phải là chuyện hiếm trong suốt nhiều năm học qua.

Nhưng, các năm trước đây thì đa phần các trường học chỉ dùng chung một bộ sách giáo khoa, chỉ có một số trường dùng sách VNEN nên phụ huynh dễ dàng lựa chọn sách cho con em mình.

Năm nay, Chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy ở lớp 1 và các trường thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội nên có thể chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 hoặc chọn một vài đầu sách trong mỗi bộ sách.

Vì thế, gần như các trường học đảm nhận luôn việc cung cấp sách học lớp 1 cho học sinh bởi phụ huynh có ra ngoài mua thì cũng chẳng biết mua bộ sách nào, lựa chọn ra sao.

Trong vòng 4 ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ra 2 văn bản chỉ đạo

Ngày 31/8/2020, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, phụ huynh của Trường tiểu học An Phong, quận 8 thành phố Hồ Chí Minh rất bức xúc khi nhìn thấy giá của bộ sách lớp 1 chương trình mới có giá 807 nghìn đồng theo thông báo có đóng dấu treo của nhà trường.

Bộ sách lớp 1 của học sinh Trường tiểu học An Phong (Ảnh:P.L)

Bộ sách lớp 1 của học sinh Trường tiểu học An Phong (Ảnh:P.L)

Thông tin này lập tức dấy lên sự quan tâm đặc biệt của dư luận, cả trên truyền thông lẫn mạng xã hội, về tình trạng "bán bia kèm lạc" nhức nhối nhiều năm qua, khi không ít nhà trường bán kèm sách tham khảo, vở bài tập, đồ dùng học tập với sách giáo khoa và phụ huynh phải đăng ký mua cả bộ.

Lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ra 2 văn bản liên tục để chấn chỉnh việc bán sách và đồ dùng học tập trong nhà trường. Ngày 04/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.

Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, một số phụ huynh đã phản ánh với cơ quan báo chí về tình trạng một số trường tiểu học yêu cầu phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 năm học 2020-2021 không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã dược quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4 ngày sau, ngày 8/9/2020 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tiếp tục ký công văn 3453/BGDĐT-GDTH gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Chuyện Trường tiểu học An Phong (Quận 8-Thành phố Hồ Chí Minh) bán bộ sách lớp 1 cho học sinh lên đến 807.000 đồng với 23 đầu sách gây chấn động dư luận, và Bộ Giáo dục đã nhanh chóng vào cuộc và liên tục có động thái chấn chỉnh, là điều rất đáng được ghi nhận.

Bộ Giáo dục chỉ đạo thanh tra, các đơn vị đã có sẵn đối sách

Nếu được thanh tra tất cả các trường tiểu học ở các địa phương, có lẽ không có mấy trường là không bán sách giáo khoa lớp 1 có kèm theo sách bổ trợ cùng một số dụng cụ học tập cho học sinh- nhất là các trường ở khu vực thành thị.

Nhưng điểm khác nhau ở chỗ là đa phần là các trường học khác không “cẩn thận” soạn và in sẵn vào trang giấy A4 như Trường tiểu học An Phong mà thôi.

Các trường học bây giờ họ sợ phụ huynh chụp lại nội dung và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí hoặc đưa lên mạng xã hội.

Vì thế, đa phần các trường thực hiện theo phương thức sau khi đón nhận học sinh thì sẽ thông báo miệng số tiền mua các loại sách, vở, dụng cụ học tập, đồng phục cho học trò.

Các nhân viên nhà trường tư vấn rất cẩn thận và gần như phụ huynh nào cũng đều mua những loại sách theo sự hướng dẫn, tư vấn của nhà trường.

Nếu sự việc này bị phát giác thì nhà trường có thể phủ nhận việc bán sách bổ trợ, sách bài tập và một số dụng cụ, đồ dùng học tập khác bằng phương thức là nhà trường chỉ tư vấn chứ không bắt buộc phụ huynh mua.

Vì thế, sự việc Trường tiểu học An Phong liệt kê ra 23 đầu sách, cùng với tập viết và bảng viết lên đến 807.000 đồng đã bị dư luận phát hiện, lên án.

Không phải trường nào cũng "dại" như Trường tiểu học An Phong.

Một đồng nghiệp của người viết năm nay có con vào lớp 1 cho biết, khi họp cha mẹ học sinh, cô giáo chủ nhiệm thông báo danh mục sách giáo khoa 8 môn, 14 đầu sách bổ trợ và đồ dùng học tập;

Một danh sách khác bao gồm 10 cuốn vở ô ly, các loại "phụ kiện" như 5 bìa kê tay, 1 hộp bút chì 12 cái, bọc vở đề can, bọc sách giáo khoa, gọt chì...tổng cộng 970 ngàn đồng.

Ảnh nhân vật cung cấp.

Ảnh nhân vật cung cấp.

Tất nhiên, trên 2 tờ thông báo cho phụ huynh đăng ký, không có tên trường, càng không có dấu treo như Trường tiểu học An Phong đã làm.

Cô giáo chủ nhiệm nói rõ, nhà trường không bắt buộc cha mẹ học sinh phải mua sách giáo khoa và đồ dùng tại trường, có thể mua ở ngoài. Còn phụ huynh nào đăng ký ở trường thì phải mua cả bộ, 970 ngàn đồng/bộ, để nhà trường đăng ký với phòng giáo dục quận. Nhà trường không thu lắt nhắt, không mua lẻ.

Một số cha mẹ học sinh toan tự ra ngoài mua sách giáo khoa và những đồ dùng thực sự cần thiết cho con, vì học sinh lớp 1 trong 1 năm không thể sử dụng hết 14 cuốn vở bài tập in sẵn cộng với 10 quyển vở ô ly. Anh chị của các cháu đã từng mua rồi không sử dụng, rất lãng phí.

Nhưng khi ra ngoài hiệu sách tìm mua sách giáo khoa lớp 1 cho con, thì ôi thôi, không nhà sách nào có trọn bộ. Ngay trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có bài ghi nhận, Hà Nội đang rất khan hiếm sách giáo khoa lớp 6, lớp 1, phụ huynh đi khắp các nhà sách mà không mua nổi một bộ sách giáo khoa đầy đủ cho con.

Cuối cùng, các phụ huynh này lại phải quay về trường đăng ký trọn gói, dù biết rằng có nhiều thứ không bao giờ dùng đến.

Phải chăng đây là một chiêu thức mới giữa đơn vị sản xuất sách giáo khoa với các cơ sở giáo dục trong vai trò đại lý phân phối, để "dồn" phụ huynh vào kênh duy nhất, đăng ký trọn bộ tại trường một cách "tự nguyện" nếu muốn con mình có đủ sách học?

Cách chức Hiệu trưởng để xảy ra vi phạm làm gương, vá các lỗ hổng về cơ chế

Năm 2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra nghịch lý trong việc xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa. Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đặt câu hỏi: "Lỗ 40 tỉ, nhưng mức chi chiết khấu phát hành sách giáo khoa phổ thông vẫn lên đến 250 tỉ đồng/năm là sao?", báo Tuổi trẻ ngày 26/9/2018 tường thuật. [1]

Thế nên, ngay cả khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục tiến hành thanh tra kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và báo cáo về Bộ trước ngày 20/9, thì với chiêu "song kiếm hợp bích" giữa nhà xuất bản với các trường học như trên, rất khó để có thể xử lý triệt để.

Một bên là cần bán các sản phẩm giáo dục, một bên là cần được nhiều “hoa hồng” nên những loại sách tham khảo, bổ trợ của cấp tiểu học cứ âm thầm thâm nhập vào các trường học bằng nhiều con đường khác nhau.

Mức chiết khấu sách giáo khoa cho các đại lý năm 2018, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là từ 18% đến 20% [2], tuy nhiên mức chiết khấu các loại sách bổ trợ, sách tham khảo, vở bài tập và dụng cụ học tập, phụ kiện bán kèm thì không thấy Bộ thống kê.

Tuy nhiên, ngay trong năm 2020 có những đơn vị cung ứng sách thông báo mức chiết khấu đến 40% giá bìa tất cả sách tham khảo và sách ngoại ngữ [3] đủ thấy hoa hồng hấp dẫn như thế nào.

Tại Hà Nội có những trường tiểu học công lập tuyển xấp xỉ 1000 học sinh lớp 1, chỉ cần tính tỉ lệ chiết khấu 20% thôi trên giá bìa trọn bộ như trường học nói trên, đã có 194 ngàn đồng/bộ.

Nếu trừ đi 190 ngàn đồng tiền sách giáo khoa, thì với 780 ngàn đồng của sách bổ trợ, vở bài tập và dụng cụ, phụ kiện bán kèm, với mức chiết khấu 40% các trường (và ai đó đứng sau) có thể kiếm được 312 ngàn đồng/bộ.

VTC News ngày 9/9/2020 dẫn lời ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Cơ sở giáo dục nào không thông báo rõ ràng mà chỉ liệt kê danh mục các sách cần mua, trong đó để kèm cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo thì trường đó làm sai. Trộn chung sách giáo khoa và sách tham khảo là sai quy định, hiệu trưởng chịu trách nhiệm. [4]

Vì vậy, với những trường hợp đã vi phạm rõ ràng Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT như Trường tiểu học An Phong, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến với thành phố Hồ Chí Minh về việc xử lý nghiêm người đứng đầu, ít nhất cũng cần cách chức Hiệu trưởng nhà trường để xảy ra việc này và xem xét trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 nhằm làm gương cho toàn ngành.

Đồng thời về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế tài ngăn chặn tình trạng biến trường học thành đại lý cung cấp các loại dịch vụ mà nhà trường được hưởng hoa hồng, có như thế mới chấm dứt được vấn nạn vắt kiệt sức dân bởi những khoản lạm thu hay mua - bán độc quyền, khép kín trong trường học.

Bởi lẽ lâu nay phụ huynh đã trở thành "mỏ vàng lộ thiên" cho rất nhiều người…khai thác từ năm này sang năm khác.

Điều bất nhẫn nhất là học sinh mới bước vào lớp 1- chưa hề biết chữ thì cần gì phải yêu cầu phụ huynh mua đến 23 đầu sách ngay trong những ngày học trò chưa bước vào học chính thức.

Trường học là nơi dạy chữ, dạy người chứ đâu phải là đại lý phân phối sách và đồ dùng học tập cho các nhà xuất bản, cung cấp dịch vụ cho các công ty phát hành sách và thiết bị trường học cũng như nhiều doanh nghiệp khác?

Vì vậy, sự việc Trường tiểu học An Phong lần này đã “bắt tận tay, day tận mặt” thì cần thiết phải xử lý tận gốc vấn đề để cho những Hiệu trưởng khác phải biết sợ, biết thương học trò và biết dừng lại trước những cám dỗ...

Dù ai cũng biết rằng việc xử lý Hiệu trưởng nhà trường cũng chỉ là giải quyết phần ngọn vấn đề nhưng ít ra nó cũng sẽ thức tỉnh lương tâm cho nhiều người khác!

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/sach-giao-khoa-lo-40-ti-chiet-khau-den-250-ti-20180926085626474.htm

[2]https://thuongtruong.com.vn/news/chiet-khau-phat-hanh-sach-250-ty-dong-van-con-o-muc-thap-8575.html

[3]https://ccbook.vn/doc-tin/chinh-sach-chiet-khau-ban-hang-nam-2020/

[4]https://vtc.vn/tron-chung-sgk-va-sach-tham-khao-la-sai-quy-dinh-hieu-truong-chiu-trach-nhiem-ar568697.html

Lê Văn Minh