10 địa điểm của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng chưa có giấy phép hoạt động

10/09/2020 08:58
Việt Dũng
GDVN- Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, 10 địa điểm của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng không có giấy phép hoạt động.

Ngày 9/9/2020, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội tháng 8/2020.

Tại buổi họp báo này, trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng hoạt động trong một thời gian dài nhưng không có giấy phép hoạt động, trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lý như thế nào?

Thay mặt lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Trung – Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Sở cho biết: Cuối năm 2019, Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng có xin phép thành lập 10 địa điểm, nhưng chưa có giấy phép hoạt động.

Cho đến nay, tất cả các chi nhánh, địa điểm của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng đã trả mặt bằng, đóng cửa.

Một địa điểm của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng ở quận 10 đã trả mặt bằng (ảnh: P.L)

Một địa điểm của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng ở quận 10 đã trả mặt bằng (ảnh: P.L)

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã mời Giám đốc của Trung tâm Anh ngữ này đến làm việc, tuy nhiên ông này cũng chỉ là làm thuê, và đã nghỉ việc từ hồi tháng 5/2020.

Sở cũng đã mời chủ đầu tư của trung tâm này vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng họ cũng không đến làm việc.

Sở đã yêu cầu trung tâm trả học phí cho học viên, các chi phí có phát sinh với người lao động.

Hiện Sở đang tiến hành thủ tục thu hồi giấy phép thành lập, phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra, làm rõ sự việc.

Theo quy định, việc cấp phép hoạt động của Trung tâm Anh ngữ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Để việc cấp phép minh bạch, rõ ràng và nâng cao hiệu quả giám sát của người dân, từ cuối năm 2018, trên cổng thông tin điện tử của Sở có mục dịch vụ giáo dục. Các đơn vị được cấp phép hoạt động, nội dung được cấp phép đều được cập nhật tại đây.

Bất cứ một cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực nào thì cũng phải chịu sự giám sát của địa bàn, chính quyền địa phương. Việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử của Sở để việc phối hợp thanh tra, giám sát của người dân, tổ chức được nhịp nhàng hơn.

Để sự việc không tái diễn, Sở đề nghị các quận huyện tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát địa bàn.

Đối với người học, trước khi đăng ký học thì nên tìm hiểu kỹ hơn về cơ sở pháp lý của các cơ sở giáo dục, nhất là tra cứu nhanh thông tin trên cổng thông tin điện tử của Sở, trong mục dịch vụ giáo dục.

Trước đó, hồi tháng 8 vừa qua, theo phản ánh của nhiều học viên tại Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng, các địa điểm của trung tâm này đột ngột đóng cửa, tự ý thay đổi hình thức học tập từ tập trung sang trực tuyến.

Các học viên đã đóng tiền học luyện thi IELTS có đảm bảo đầu ra, với số tiền học phí từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/khóa học đã rất hoang mang, khi nhận được tin trung tâm đóng cửa.

Còn đối với người lao động, thì trung tâm chây ì không chịu trả lương, gây cho họ cuộc sống rất nhiều khó khăn.

Ngày 4/9/2020, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo khẩn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố - ông Dương Anh Đức, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố lập đoàn thanh tra, xác minh cụ thể các nội dung phản ánh của học viên, giảng viên và người lao động của trung tâm này, báo cáo kết quả xử lý cho lãnh đạo thành phố.

Trên cơ sở kết luận này, lãnh đạo thành phố sẽ có các biện pháp xử lý tiếp theo, nhằm đảm bảo quyền lợi của các học viên, giảng viên và người lao động.

Việt Dũng