Nhiều năm qua, giáo viên vùng cao của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) phải chật vật chạy gần trăm km để về trung tâm huyện nhận lương qua ATM.
Việc trả lương cho gần 1.000 cán bộ, nhân viên, giáo viên ngành giáo dục qua cây ATM duy nhất của huyện không chỉ gây khó khăn mà còn phát sinh nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.
Khổ như... đi rút tiền
Nhận được tin nhắn có lương, chị Y Lan (giáo viên mầm non) hiện đang công tác tại trường mầm non xã Ngọk Lây (huyện Tu Mơ Rông) tất tả chạy xe máy đi rút tiền.
Cả huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) chỉ có một trụ ATM khiến nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa phải chạy một quãng đường xa để rút tiền lương. Ảnh: MT |
“Lương giáo viên mầm non không được bao nhiêu nhưng thay vì trả tiền mặt thì gần ba năm nay, chúng tôi được chi trả qua ATM. Nhận tiền qua thẻ khiến tôi cũng như nhiều đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Bởi cả huyện chỉ có một cây ATM duy nhất đặt tại trung tâm huyện, mỗi lần đến đó rút tiền phải chạy xe hơn 30 cây số”, chị Y Lan cho biết.
Quảng đường đến trung tâm huyện cũng lắm dốc đèo, đường đi lởm chởm đá, ổ gà, ổ voi. Khổ nhất là vào mùa mưa lũ, việc đi lại càng trở nên nguy hiểm.
“Do hoàn cảnh nên mỗi lần rút tiền, giáo viên không dám rút hết tiền trong tài khoản mà chỉ rút vài trăm ngàn đồng để chi tiêu dè xẻn. Nhiều người không đi rút được phải nhờ đồng nghiệp rút hộ”, một giáo viên cho hay.
Dù là cây ATM duy nhất của huyện nhưng những giáo viên ở Tu Mơ Rông cũng không được rút tiền đúng ngân hàng.
Lý do là lương của những giáo viên này được trả qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) nhưng huyện không được lắp đặt trụ ATM của ngân hàng này.
Giáo viên muốn rút tiền chỉ còn trông cậy vào trụ ATM của VietinBank. Vậy là họ phải mất thêm một khoản phí do rút tiền khác ngân hàng.
“Khổ nhất là những ngày mưa bão, vừa chạy đến trụ ATM rút tiền thì trụ gặp sự cố, đành phải quay về”, chị Y Lan cho hay.
Nằm cách xa trung tâm huyện nên suốt mấy năm qua, anh A Xen (giáo viên) ở xã Đăk Sao phải chạy sang huyện Đăk Tô bên cạnh để “dùng ké” ATM. Tính cả quảng đường đi và về thì anh A Xen phải chạy gần trăm cây số.
“Mỗi lần chạy đi rút tiền thì chúng tôi phải mất thêm một khoản chi phí tiền xăng xe, ăn uống nghỉ ngơi trên đường. Mong muốn của giáo viên cũng như cán bộ, công chức ở Tu Mơ Rông là có thêm nhiều cây ATM để dễ dàng nhận lương qua thẻ”, anh A Xen nói.
Cần thêm nhiều trụ ATM
Ông Vương Văn Mười - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cũng thừa nhận việc nhiều cán bộ, giáo viên của huyện đang gặp khó khăn khi nhận lương qua thẻ ATM.
Tuy nhiên, đây là quy định theo Chỉ thị số 20 năm 2007 của Thủ tướng về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên phải thực hiện.
“Cả huyện chỉ có một cây ATM nên chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) đề nghị bổ sung cây ATM.
Nhưng phía ngân hàng trả lời là việc lắp đặt cây ATM ở huyện không đạt hiệu quả nên không đầu tư. Sắp tới, nếu không thể lắp đặt thêm trụ ATM mới thì chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị tỉnh cho huyện thực hiện việc thanh toán tiền lương bằng tiền mặt”, ông Mười cho hay.
Cũng theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông thì nếu Ngân hàng Agribank không mở trụ ATM thì huyện này cũng sẽ nghiên cứu phương án chuyển sang trả lương qua thẻ Viettinbank để cán bộ, giáo viên không phải mất thêm một khoản phí và việc rút tiền được thực hiện dễ dàng hơn.
Trước đó, nhiều giáo viên ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) cũng đã có phản ánh về việc nhận lương qua thẻ ATM nhưng cả huyện không có trụ ATM nào. Giáo viên muốn rút tiền lương phải chạy sang huyện bạn rút nhờ.