Giải pháp xóa bỏ nạn lạm thu không thiếu, cái khó nằm ở lòng tham người đứng đầu

21/09/2020 05:50
NGUYỄN NGUYÊN
GDVN- Một khi Ban giám hiệu buông bỏ tất cả các dịch vụ giáo dục và xã hội hóa giáo dục tràn lan như hiện nay thì môi trường giáo dục sẽ lành mạnh, trong sạch.

Những năm gần đây, cứ bước vào thời điểm đầu năm học là khắp các nơi lại thấy nổi lên tình trạng lạm thu, tình trạng nhà trường triển khai nhiều gói dịch vụ để nhằm hưởng hoa hồng.

Nhưng “hoa hồng” trong trường học chủ yếu chỉ có một vài người hưởng mà thôi nhưng nhiều khi “tai tiếng” thì cả nhà trường cùng chịu.

Nếu vẫn như bây giờ, chúng tôi cho rằng chuyện lạm thu trong năm học và chuyện bán sản phẩm cho học trò vẫn cứ tiếp tục diễn ra bởi các cơ quan chức năng chưa có chế tài để hạn chế tình trạng này.

Thậm chí, một số sản phẩm giáo dục còn có sự rích rắc, triển khai từ Sở xuống Phòng Giáo dục nên bắt buộc nhà trường phải thực hiện theo các chỉ đạo từ trên xuống. Vì thế, tình trạng lạm thu, bán dịch vụ trong trường học vẫn có thể còn bủa vây phụ huynh trong những năm tiếp theo.

Phía sau các loại dịch vụ và những khoản hoa đồng được trích lại (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Phía sau các loại dịch vụ và những khoản hoa đồng được trích lại (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Tìm những Hiệu trưởng nói không với lạm thu và hoa hồng bây giờ không dễ

Là người đã công tác trong ngành giáo dục nhiều năm trời, chúng tôi hiểu được nỗi vất vả của nhiều phụ huynh học sinh. Nhiều người còn nghèo túng lắm nhưng vẫn mong muốn cho con được đến trường.

Tuy nhiên, gánh nặng về các loại tiền trường không bao giờ buông tha họ.

Bây giờ, có không ít lãnh đạo nhà trường đua nhau đồng phục và họ cực kỳ “quái” trong các chiêu làm tiền phụ huynh.

Ví như chuyện đồng phục của học trò hiện nay vậy. Học sinh có đồng phục học chính khóa, đồng phục thể dục, đồng phục áo khoác, áo dài nữ (học sinh Trung học phổ thông).

Cộng các loại áo quần đồng phục có ít thì mỗi năm cũng phải trên dưới 500 ngàn đồng, thậm chí lên đến tiền triệu.

Cái chiêu mà một số lãnh đạo nhà trường đang áp dụng là đồng phục thể dục mỗi khối mỗi màu. Điều này có nghĩa là quần áo thể dục chỉ chỉ mặc 1 năm rồi bỏ- cho dù mỗi tuần học sinh chỉ mặc có 2 tiết học thể dục mà thôi.

Nhưng, cuối năm phải vứt bỏ cho dù còn mới còn rộng vì đồ thể dục thường co giãn được.

Các loại áo quần đồng phục cũng có những trường thay đổi thường xuyên khi thì thêm trên cổ áo, viền ánh tay một màu khác để …đẹp hơn.

Nhưng, vấn đề cốt lõi không nằm ở chỗ làm mới, làm đẹp mà cái chính là để bán sản phẩm mới.

Những sản phẩm đồng phục nhiều nhất hiện nay là được áp dụng ở các trường tiểu học. Đồng phục từ áo quần, sách giáo khoa, sách bổ trợ, vở viết, bìa bao, ba lô học tập…

Nhiều trường học bây giờ cứ lập lờ, nhập nhèm bán các loại sản phẩm giáo dục cho phụ huynh, học sinh vào dịp đầu năm học và đương nhiên là mỗi sản phẩm như thế đều có hoa hồng từ các nhà cung cấp dịch vụ chiết khấu lại.

Bỏ chuyện đồng phục và lãnh đạo trường không hưởng hoa hồng có được không?

Thực ra, bỏ các loại đồng phục trong nhà trường không khó nếu không nói là cực dễ mà nó sẽ tự tăng uy tín cho nhà trường và Hội đồng sư phạm nhà trường.

Quần áo chỉ cần 2 màu giản đơn là quần xanh, áo trắng truyền thống. Phụ huynh có thể từ trang bị cho con em mình để nó vừa vặn mà được may cẩn thận. Học sinh có thể mặc từ năm này sang năm khác nếu vẫn còn vừa vặn.

Sách vở thì nhà trường chỉ cần liệt kê ra những loại cần thiết cho phụ huynh mua.

Những học sinh nghèo thì hướng dẫn các em lên thư viện nhà trường mượn bởi trường nào cũng trang bị rất nhiều sách giáo khoa…cho đẹp ở thư viện chứ chưa chú trọng cho học trò mượn dẫn đến sự lãng phí kép cho cả nhà trường và phụ huynh.

Các loại dịch vụ như sổ liên lạc, tin nhắn điện tử thì bỏ hẳn vì thời đại bây giờ việc liên hệ với học sinh cực dễ dàng. Giáo viên chỉ nhiệm chỉ cần lập một nhóm zalo là thông tin được cho tất cả học sinh và phụ huynh.

Những lớp bán trú thì chuyện ăn uống đưa về cho Hội cha mẹ học sinh tự lo, nhà trường chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát, không can thiệp vào chuyện cung cấp sản phẩm để bớt đi khâu trung gian, giảm bớt giá thành và đảm bảo được an toàn về thực phẩm cho học trò.

Chuyện dạy thêm, học thêm, dạy kỹ năng sống thì nhà trường không nên đứng ra tổ chức. Hãy tập trung dạy chính khóa cho tốt. Phụ huynh, học sinh có nhu cầu học thêm thì họ tự đến các trung tâm gia sư.

Tất cả các loại sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo thì nhà trường không ôm nữa, hãy để cho phụ huynh tự lo các khoản này.

Nhà trường chỉ cần thống nhất loại sách giáo khoa và sách bổ trợ nào rồi đăng trên website của nhà trường hoặc thông báo cho học sinh những ngày đầu tựu trường để các em tự mua sắm cho riêng mình.

Một khi Ban giám hiệu buông bỏ tất cả các dịch vụ giáo dục và xã hội hóa giáo dục tràn lan như hiện nay thì môi trường giáo dục sẽ lành mạnh, trong sạch.

Thực tế cho thấy các trường công lập thì hàng năm ngân sách nhà nước đã cấp về để nhà trường chi trả các khoản thường xuyên, không thường xuyên và mua sắm những trang thiết bị dạy học.

Các thầy cô trong Ban giám hiệu, kế toán nhà trường thì đều được trả lương đầy đủ hàng tháng. Đi công tác thì có tiền công tác phí, tổ chức các cuộc thi, hội thi đều có thêm các khoản thu nhập theo luật định nên họ cũng đâu có thiếu thốn gì.

Vì thế, đừng xã hội hóa tràn lan như hiện nay mà khiến cho học sinh phải ai oán khi cho con đến trường.

Qúa nhiều các loại tiền trường bủa vây không hẳn là vì lãnh đạo nhà trường lo lắng, quan tâm gì đến học sinh mà cái chính là phía sau những khoản tiền đó chứa đựng nhiều bất minh nhằm làm lợi cho một số người trong nhà trường mà thôi.

NGUYỄN NGUYÊN