Như đã thành thông lệ, đầu năm học là các Ban giám hiệu nhà trường lại triển khai kế hoạch họp phụ huynh và tất nhiên là giáo viên chủ nhiệm là người chủ trì buổi họp này ở lớp mình.
Nhưng, vì vừa mới bước vào đầu năm học nên thực tế cũng chẳng có chuyện gì quan trọng ngoài việc phổ biến một số nội quy của trường, của lớp nên vấn đề then chốt nhất của các buổi họp này là nhắc nhở, vận động phụ huynh đóng các khoản tiền trường.
Thú thực, mỗi khi nhắc đến chuyện tiền trường trong buổi họp phụ huynh thì có lẽ giáo viên nào cũng ngại bởi trong vô vàn các khoản thu đó thì có cả khoản bắt buộc và cả những khoản không bắt buộc.
Khoản bắt buộc theo quy định như học phí, bảo hiểm y tế thì dễ nói với phụ huynh nhưng còn vô số các khoản không bắt buộc và có cả những khoản vận động xã hội hóa thì quả là vấn đề không dễ dàng chút nào đối với những thầy cô làm công tác chủ nhiệm lớp.
Nhiều khoản tiền "tự nguyện" được nhắc đến trong buổi họp phụ huynh đầu năm (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Nhiều phụ huynh không thiết tha đến họp phụ huynh đầu năm học
Có một điều mà giáo viên chủ nhiệm thường thấy là phụ huynh đến họp không nhiều. Cho dù trước đó thì giáo viên chủ nhiệm đã gửi thư mời và còn mời trên tin nhắn nhóm zalo phụ huynh của lớp.
Nhưng, có người lấy lý do này, lý do khác để nghỉ họp, người thì chẳng có nói năng gì nhưng họ không đến dự họp.
Trong khi, có những trường quy định nếu phụ huynh đến không được 50% thì giáo viên phải tổ chức họp lại buổi 2 nên đầu buổi họp là giáo viên chủ nhiệm phải đứng chờ trước cửa lớp.
Khi thấy được khoảng trên nửa phụ huynh đến họp thì lúc ấy tâm trọng mới đỡ lo âu và như trút được gánh nặng trong người vì không phải mời và tổ chức buổi họp lần thứ hai.
Song, đó mới là khâu đầu tiên của buổi họp vì vấn đề quan trọng nhất là khi thông báo các khoản tiền trường mà phụ huynh cảm thấy phù hợp, không có ý kiến gay gắt mới là điều mà giáo viên chủ nhiệm mong muốn nhất.
Thực tế, tiền trường các năm học gần đây rất nhiều. Ngoài chuyện sách, vở, quần áo, đồ dùng của học sinh ra còn có thêm nhiều khoản thu khác nữa. Có khoản thu nhiều, có khoản thu ít.
Nhưng, chỉ riêng 2 khoản bảo hiểm y tế và học phí của học sinh từ cấp Trung học cơ sở trên lên là phụ huynh cũng đã phải đóng trên 1 triệu đồng rồi. Ngoài ra còn có bảo hiểm tai nạn, tiền phô tô bài kiểm tra, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền quỹ hội, quỹ lớp…
Đó là chưa kể một số trường còn vận động phụ huynh mua bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo, tiền mua máy chiếu, mua quạt, sửa điện, tiền vệ sinh, tiền gửi xe… mà ai cũng biết rằng trong vô vàn các khoản thu đó có những khoản đã bị cấm.
Nhưng, biết làm sao được, giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện theo kế hoạch của Hiệu trưởng ban hành xuống.
Trước hội đồng sư phạm thì cũng đã có ý kiến thắc mắc của một số giáo viên nhưng nhiều khi Hiệu trưởng nói rằng các thầy cô cố gắng vận động các khoản tự nguyện nhằm sửa chữa, nâng cấp một số trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của trường đã xuống cấp…
Vì thế, ý kiến của giáo viên thì cũng chỉ là ý kiến thôi, khi Hiệu trưởng đã triển khai, đã quyết rồi thì khó lòng thay đổi bởi có nhiều lãnh đạo nhà trường không mấy khi nghe góp ý mà góp ý nhiều chỉ khiến họ ghét mà thôi…
Một bên là chỉ đạo của cấp trên, một bên là phụ huynh học sinh của mình, giáo viên chủ nhiệm phải cố gắng để làm sao hài hòa giữa nhà trường và phụ huynh học sinh nhưng đôi lúc cũng không phải là điều dễ dàng…
Chính vì phụ huynh thừa hiểu là đến họp phụ huynh đầu năm thì ngay cả tên học sinh giáo viên chủ nhiệm còn chưa biết hết, điểm số thì chưa có nên không có chuyện gì khác là chuyện…tiền trường nên nhiều phụ huynh họ né bởi họp cũng vậy mà không họp thì cũng thế.
Thà trường thu, lớp thu bao nhiêu thì họ cho con đem đến nộp chứ đi họp vừa mất công mà có ý kiến thì cũng thay đổi được gì đâu.
Giá như những khoản tiền trường đừng quàng lên cổ giáo viên chủ nhiệm
Có lẽ, trong thâm tâm mỗi giáo viên chủ nhiệm thì họ không ngại khi Ban giám hiệu nhà trường phân công kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp. Bởi, ai cũng hiểu đó là nhiệm vụ của người thầy và cũng là sự phục tùng sự phân công của cấp trên.
Vì thế, đầu năm học với vô vàn công việc như vận động học sinh vào lớp, ổn định nền nếp đầu năm, rồi thực hiện việc ghi chép lý lịch học sinh vào phần mềm, vào sổ chủ nhiệm và muôn vàn các việc không tên khác…
Nhưng, họ không sợ những công việc đó bằng việc thu tiền. Phần vì họ không có nghiệp vụ, phần vì thu tiền là công việc chán nhất khi 15 phút đầu giờ hay đầu mỗi tiết dạy thì giáo viên cứ phải lặp đi, lặp lại chuyện đóng tiền của học sinh.
Bởi, có nhiều khoản thu phải thực hiện đúng theo thời hạn được giao. Trong khi, trường học có đầy đủ kế toán, thủ quỹ nhưng họ lại chỉ làm công việc nhận tiền từ tay giáo viên chủ nhiệm lớp.
Giá như, nhà trường thu qua tài khoản (đối với trường có điều kiện) và giá như các Hiệu trưởng bớt đưa những dịch vụ bán cho học trò, bớt triển khai các khoản xã hội hóa thì giáo viên chủ nhiệm đỡ khổ biết bao.
Và, những buổi họp phụ huynh đầu năm không còn các khoản tiền trường chi phối để phụ huynh học sinh đến họp trong một tâm thế chỉ là một buổi trao đổi, góp ý về công tác giáo dục, dạy dỗ học trò.
Những mong ước tưởng chừng giản đơn, nhỏ nhoi, bình dị vậy thôi mà bao năm rồi nhiều trường học vẫn không thay đổi được, vẫn là câu chuyện tiền trường chi phối, ám ảnh trong buổi họp phụ huynh đầu năm học!