Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT có kẽ hở để giáo viên dạy thêm o ép học sinh?

02/11/2020 06:20
Lê Mai
GDVN- Quy định kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn liệu có trở thành cái roi lùa học sinh đi học thêm?

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành đang nhận được sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên trên cả nước.

Từ năm học này, giáo viên sẽ giảm hẳn số bài phải chấm khi đánh giá học trò, đặc biệt là giáo viên các môn Văn, Toán.

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT đã gỡ bỏ được áp lực phải làm nhiều bài kiểm tra cho học trò và phải chấm nhiều bài kiểm tra cho giáo viên là có thật.

Liệu Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT có gỡ bỏ được áp lực học thêm cho học sinh?

Học sinh phải học thêm từ 2 lên ... 6 lần?

Học thêm dạy thêm hiện nay, phải nói thẳng, nói thật là tệ nạn của giáo dục nước ta hiện nay. Chỉ mới nhập học hai tuần, thế nhưng trên khắp các địa phương cả nước, học thêm, dạy thêm đã vào nề nếp! [1]

Thông tư 26 có giảm áp lực học thêm cho học sinh? (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Thông tư 26 có giảm áp lực học thêm cho học sinh? (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn là cái roi lùa học sinh đi học thêm?

Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT quy định: Số lần KTđk (Kiểm tra định kỳ) được quy định trong kế hoạch dạy học, bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn.

Ngoài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút trở lên giáo viên phải lên lịch trong kế hoạch giảng dạy; học sinh biết rõ số bài kiểm tra của mình phải làm, làm khi nào, giáo viên khó lấy số bài kiểm tra để lùa học sinh đến lớp học thêm.

Thế nhưng học sinh vẫn suốt ngày “cày ở lớp học thêm”, nay Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT giảm số bài kiểm tra, thế nhưng áp lực học thêm không giảm, không muốn nói là tăng lên.

Điểm 1 Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ghi rõ:

“a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:

Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này”.[2]

Như vậy giáo viên bộ môn có thể chủ động số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên, nhưng khi vào sổ điểm chỉ vào đúng số con điểm quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

Ví dụ cụ thể: Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: 2 ĐĐGtx (Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên); giáo viên bộ môn có thể kiểm tra 3, 4, 5... lần; nhưng vào sổ 2 con điểm.

Kiểm tra lần 1 học sinh A (không đi học thêm) được 2, học sinh B (đi học thêm) được 6. Kiểm tra lần 2 học sinh A được 6, học sinh B được 6. Kiểm tra lần 3 học sinh A được 7, học sinh B được 7.

Giáo viên có thể vào sổ học sinh A điểm 2; 6 hoặc 6;7, học sinh B chắc chắn sẽ là 6; 7 do đi học thêm. Trong Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT không hề có quy định chọn con điểm nào vào sổ, nên giáo viên hoàn toàn tự quyết.

Chính vì vậy, giáo viên dạy thêm không trong sáng có thể phân biệt “con đẻ, con ghẻ” vào điểm; thông báo với học trò “ngày mai sẽ kiểm tra”, học sinh bao giờ cũng chuẩn bị “ngày mai sẽ kiểm tra”, bước chân học trò lại “lối cũ đi về số lần không giới hạn”.

Giải pháp nào hạn chế tiêu cực dạy thêm?

Việc phải làm ngay, dễ làm nhất, ngành giáo dục làm được, phải quy định “giáo viên chọn điểm số cao nhất của học trò vào sổ điểm để tổng kết” để tránh tình trạng “con ghẻ, con đẻ”.

Số lần kiểm tra phải quy định cụ thể, giới hạn, với trường hợp nào thì tăng số lần kiểm tra, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “ngày mai sẽ kiểm tra” lùa học sinh đi học; ngoài ra đây cũng là lổ hổng để giáo viên nâng điểm vô tội vạ.

Đặc biệt, đề kiểm tra phải xây dựng trên ma trận, có bản đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình, công khai.

Ra đề theo yêu cầu như thế này, giáo viên sẽ phải cân nhắc có hay không tăng số lần kiểm tra thường xuyên.

Vì vậy đề kiểm tra kiểm tra thường xuyên phải xây dựng trên ma trận, có bản đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình, công khai hóa cũng là giải pháp hạn chế dạy thêm.

Mục tiêu của đổi mới giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, trong đó "tự chủ và tự học" là một trong ba năng lực cơ bản.

Dạy thêm, học thêm triệt tiêu hoàn toàn năng lực "tự chủ và tự học", vì vậy còn “dạy thêm chính khóa”, đổi mới phương pháp đánh giá, đổi mới phương pháp giảng dạy chỉ nằm trên khẩu hiệu và báo cáo cuối năm của nhà trường.

Dạy thêm là nguồn thu nhập lớn của giáo viên, nhà trường. Dịch Covid-19 đang tàn phá thu nhập của phụ huynh, lý ra thầy cô giáo phải hiểu điều đó, dạy thêm miễn phí hay giảm tiền học thêm cho học sinh, hoặc tập trung dạy chính khóa thay vì dành để dạy thêm, đó mới thực sự là người thầy.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://phunuvietnam.vn/cuoc-dua-hoc-them-dau-nam-hoc-moi-20200922201301204.htm

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-giao-vien-o-thanh-pho-ho-chi-minh-van-day-them-trong-truong-hoc-post212508.gd

[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx

[2]https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1364

Lê Mai