Học sinh sẽ được giảm áp lực điểm số, học thêm

20/05/2020 06:05
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Sự thay đổi này sẽ giảm được áp lực kiểm tra, áp lực điểm số cho học trò và cũng có thể hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm như hiện nay.

Việc Bộ vừa công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Bởi, theo dự thảo của Thông tư mới thì số lượng bài kiểm tra, nhất là bài kiểm tra định kỳ đã được giảm đi nhiều hơn so với Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT và cách kiểm tra, đánh giá cũng linh hoạt hơn.

Việc đánh giá, kiểm tra theo Thông tư 58 hiện nay đang có rất nhiều bài kiểm tra (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)

Việc đánh giá, kiểm tra theo Thông tư 58 hiện nay đang có rất nhiều bài kiểm tra

(Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)

Về cơ bản, dự thảo Thông tư lần này với Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT cũng giống nhau giữa viêc kết hợp nhận xét và cho điểm số. Vẫn thực hiện nhận xét ở 3 môn học, đó là: Âm nhạc, Mĩ thuật và Thể dục, các môn còn lại thì cho điểm.

Tuy nhiên, dự thảo Thông tư lần này có nhiều điểm mới hơn đó là cách kiểm tra và số lượng bài kiểm tra và chúng tôi cho rằng dự thảo Thông tư lần này phù hợp hơn với thực tế.

Bởi, việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT lâu nay vẫn là nỗi ám ảnh đối với học sinh khi liên tục phải thực hiện các bài kiểm tra và ngay cả với đội ngũ thầy cô giáo cũng sợ khi phải chấm các bài kiểm tra dồn dập.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn 9 hiện nay đang có tới 5 cột điểm kiểm tra thường xuyên và 7 cột điểm kiểm tra định kỳ trong mỗi học kỳ. Vì thế, chỉ trừ một số tuần đầu, tuần cuối học kỳ thì các tuần còn lại bình quân có 1 bài kiểm tra. Học sinh ngán và giáo viên cũng ngán ngẩm theo.

Bây giờ, theo dự thảo Thông tư mới về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông thì số lượng bài kiểm tra đã giảm hẳn.

Dự thảo Thông tư mới sửa đổi, bổ sung Điều 8 đã quy định như sau:

a) Kiểm tra đánh giá thường xuyên

- Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: 2 (hai) ĐĐGtx

- Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học: 3 (ba) ĐĐGtx

- Môn học có từ trên 70 tiết/năm học: 4 (bốn) ĐĐGtx

b) Kiểm tra đánh giá định kì Mỗi môn học có 1 (một) ĐĐGgk (điểm đánh giá giữa kỳ) và 1 (một) ĐĐGck (điểm đánh giá cuối kỳ).

Như vậy, chúng ta thấy điểm kiểm tra thường xuyên đã có giảm đi chút ít so với việc kiểm tra, đánh giá hiện nay, nhất là đối với những môn học trên 70 tiết/năm học như môn Ngữ Văn.

Tuy nhiên, hình thức kiểm tra thì được hướng dẫn đa dạng hơn khi giáo viên có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như: hỏi - đáp, viết ngắn (trên giấy hoặc trên máy tính), thực hành, thuyết trình, sản phẩm học tập…

Điều này tạo ra sự đa dạng trong kiểm tra chứ không đóng khung như trong Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT nên nó sẽ thuận lợi hơn cho cả thầy và trò trong quá trình giảng dạy và học tập.

Điều đặc biệt là trong dự thảo Thông tư lần này thì điểm kiểm tra định kỳ đã giảm đi rất nhiều. Theo đó, kiểm tra đánh giá định kì gồm có 1 bài kiểm tra đánh giá giữa kì và 1 bài kiểm tra đánh giá cuối kì.

Thời gian quy định đối với bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số theo hình thức bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính như sau:

- Môn học có dưới 70 tiết/năm học: bài kiểm tra đánh giá giữa kì không quá 45 phút, bài kiểm tra đánh giá cuối kì không quá 60 phút.

-Môn học có trên 70 tiết/năm học: bài kiểm tra đánh giá giữa kì không quá 45 phút, bài kiểm tra đánh giá cuối kì không quá 90 phút.

Như vậy, khi Thông tư mới này có hiệu lực (có thể sẽ áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới) thì chúng ta thấy áp lực về số lượng bài kiểm tra sẽ không còn nhiều như hiện nay nữa.

Việc giảm số lượng bài kiểm tra định kỳ là rất cần thiết và nó cũng thống nhất giữa các cấp học hiện nay. Sự thay đổi này sẽ giảm được áp lực kiểm tra, áp lực điểm số cho học trò và cũng có thể hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm như hiện nay.

Rõ ràng, đây là tín hiệu đáng mừng cho đội ngũ thầy cô giáo của cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông và có lẽ mừng hơn cả là các em học sinh khi không còn phải đối mặt với rất nhiều bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ như hiện nay nữa.

Thực ra lâu nay cả thầy và trò cứ mải mê chạy theo điểm số, tới đây- khi mà Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện cùng với sự thay đổi về cách kiểm tra, đánh giá như thế này thì chúng ta hy vọng sẽ có nhiều thay đổi.

Học sinh học xong một đơn vị kiến thức, một năm học phải vận dụng được gì cho cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần là những điểm số khô khan mà đôi khi không phải đến bằng chính năng lực của học trò.

NHẬT DUY