Phụ huynh phản ánh khoản thu xã hội hóa chưa thỏa đáng
Gửi đơn thư đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh có con theo học Trường Mầm non Cự Khê bức xúc khi năm học 2020 – 2021 nhận được thông báo cần đóng các khoản thu xã hội hóa để làm điều hòa, rèm cửa cho 6 phòng học mới nhưng chưa hề được góp ý thảo luận, bàn bạc.
Theo đó, chi phí lắp điều hòa cho 6 phòng học mới là 123.226.000 đồng. Bao gồm: Phòng học lớp A6 là 20.396.000 đồng; phòng học lớp B6 là 20.396.000 đồng; phòng học lớp B5 là 21.446.000 đồng, phòng học lớp C6 là 20.396.000 đồng, phòng học lớp D2 là 20.396.000 đồng, phòng học lớp D1 là 20.196.000 đồng.
Tổng kinh phí lắp đặt điều hòa cho 6 phòng học mới (Ảnh: Phụ huynh cung cấp) |
Tổng chi phí làm rèm cửa cho các phòng Ban giám hiệu, phòng y tế, phòng hành chính, phòng hiệu phó và phòng học các lớp hết 11.437.000 đồng.
Theo chia sẻ của một phụ huynh, những điều hòa này đều đã được lắp đặt trong thời gian hè và thời gian thực hiện nghiệm thu vào ngày 18/09. Thời điểm đó, các bậc phụ huynh vẫn chưa đóng nộp khoản thu xã hội hóa để thực hiện mục đích này.
“Cách làm của nhà trường là “tiền trảm hậu tấu”, làm xong và sau đó “bổ đầu” khoản thu cho học sinh”, phụ huynh thẳng bày tỏ sự ấm ức trước khoản thu không đúng quy trình.
Theo vị phụ huynh này, khi gặp phải phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh, hiệu trưởng đã “nhờ” Ban đại diện cha mẹ học sinh cân đối lại thu chi.
Phụ huynh Trường Mầm non Cự Khê bất bình với cách làm "tiền trảm hậu tấu" của nhà trường. (Ảnh: Phạm Minh) |
Một phụ huynh khẳng định: “Rõ ràng nhà trường đã làm rồi và bây giờ trút gánh nặng lên Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tôi cho rằng hành động này là không thỏa đáng.
Nhiều năm học qua, phụ huynh của trường đã quyên góp rất nhiều vào các khoản thu xã hội hóa để mua tivi, bình nóng lạnh.
Khi phụ huynh băn khoăn tiền chi từ ngân sách nhà nước đi đâu, Hiệu trưởng trả lời rằng nhà trường nhận ngân sách vài tỷ đồng mỗi năm nhưng chi cho nội dung khác”?
Phụ huynh không chỉ bức xúc vì họ không được tham gia bàn bạc, thảo luận về các khoản thu xã hội hóa mà họ còn không được minh bạch về khoản thu chi này.
Điều hòa tại các phòng học mới của Trường Mầm non Cự Khê đã được lắp đặt, hình ảnh được phóng viên ghi nhận vào ngày 18/9 (Ảnh: Phạm Minh) |
Phụ huynh nói có, nhà trường khẳng định không làm xã hội hóa!
Ngày 21/09, để làm rõ những nội dung phản ánh của phụ huynh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi qua điện thoại với cô Đào Thị Phương Nghi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cự Khê.
Cô Nghi khẳng định là từ năm 2019, các khoản thu xã hội hóa nhà trường không đứng ra thu mà do phụ huynh tự vận động, quyên góp.
Cô Nghi chia sẻ: “Việc xã hội hóa ở Trường Mầm non Cự Khê, nhiều năm nay, nhà trường đều đều làm đúng quy trình trong Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Năm 2019, thành phố có công văn bãi bỏ điều 11 trong Quyết định 51 nên năm học trước và năm nay nhà trường không làm.
Việc lắp điều hòa, rèm cửa hoàn toàn do các phụ huynh đứng lên làm.
Sau khi nghiệm thu, họ sẽ làm biên bản trao tặng lại cho nhà trường và tôi tiếp nhận tài sản ấy đưa vào sử dụng”.
Chia sẻ về các khoản thu xã hội hóa này đều áp mức cụ thể đối với các đối tượng từ trẻ 2 tuổi đến trẻ 5 tuổi, cô Nghi giải thích:
“Năm nay các bé mới vào trường sẽ học 4 năm liền, mức ủng hộ điều hòa tính theo số năm thụ hưởng, các bé đó sẽ cao nhất và cứ thế giảm dần theo độ tuổi.
Ban đầu, mức đóng cao nhất dành cho các bé lớp 2 tuổi là 600.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát kỹ càng hơn và mở rộng đối tượng vận động ra thì mức đóng mỗi độ tuổi đều giảm xuống 100.000 đồng.
Các bé đã học năm trước là nhà trường không làm xã hội hóa điều hòa, các con vào các con đã được hưởng luôn. Nhưng năm học này phát sinh thêm phòng mới, mỗi lớp lắp 2 điều hòa. Vì vậy mà Ban đại diện phụ huynh vận động thêm những bạn đã học, đã được hưởng điều hòa nhưng chưa phải ủng hộ.”
Thông tin về phản ánh của phụ huynh đối với nguồn thu xã hội hóa tại Trường Mầm non Cự Khê, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết:
“Chúng tôi đã nhận được phản ánh vấn đề này ở Trường Mầm non Cự Khê. Hiện tại, cả nhà trường và phụ huynh đều đang làm báo cáo.
Nhà trường không thu gì cả và trường đó không chỉ có điều hòa mà phụ huynh còn tặng cả tivi, có biên bản bàn giao trao tặng. Nhà trường đã làm báo cáo và không có vấn đề gì”.
Trái ngược với trả lời của Hiệu trưởng Đào Thị Phương Nghi và Bùi Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai, một vị phụ huynh đã cung cấp thông tin cho thấy nhiều nội dung đáng lưu tâm.
Theo tài liệu (ghi âm) phụ huynh cung cấp cho phóng viên, trong cuộc họp với đại diện cha mẹ học sinh các lớp, phụ huỵnh cho biết, bà Đào Thị Phương Nghi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cự Khê đã phổ biến và giải đáp thắc mắc về khoản thu xã hội hóa.
Cụ thể đoạn trao đổi của Hiệu trưởng nhà trường và phụ huynh tham dự cuộc họp như sau:
Về việc xã hội hóa, năm nay, phụ huynh đứng ra vận động ủng hộ cho ban đại diện phụ huynh để tiến hành lắp điều hòa cho 6 phòng học mới và rèm cửa cộng với một số lớp đang thiếu rèm cửa.
Kinh phí này khá lớn, nếu chúng tôi thấy chỗ nào cấp bách thì cho làm trước.
Có những lớp đã làm rồi, những vẫn còn một số cửa ra vào sáng lắm thì nên làm.
Một số lớp đã có rèm, có điều hòa sẽ nảy ra tư tưởng là không muốn đóng, chỉ để sửa chữa, bảo dưỡng. Cái đóng mới thì mới nhiều chứ sửa chữa, bảo dưỡng thì ít lắm nên không muốn đóng.
Có nghĩa là phụ huynh có con mới vào trường và đặc biệt là những năm trước là điều hòa trường chúng ta triển khai từ rất sớm.
Có ai là phụ huynh ngồi đây mà năm học 2019 – 2020 mới vào trường không ạ? Có ai thì giơ tay lên.
Năm phụ huynh này cho hỏi khi vừa vào có ủng hộ điều hòa không (Một số phụ huynh trả lời có).
Một phụ huynh phát biểu:
“Như ở lớp D con em năm ngoái không có điều hòa nên các cô khuyến khích ủng hộ tùy phụ huynh, phụ huynh để chi thêm tiền bảo dưỡng điều hòa nhưng không áp mức như năm nay”.
Bắt đầu từ những năm 2014 – 2015, điều hòa trường mình làm đại trà, và sẽ phải đóng trong nhiều năm, nhà cung cấp còn cho nợ. Theo tôi nhớ là các cháu nhà trẻ đóng 500.000 đồng/người.
Các cháu mới vào nhà trẻ bao giờ cũng đóng nhiều nhất, các bạn lớn tuổi hơn thì đóng ít hơn, quy tắc ủng hộ điều hòa của trường chúng ta là như vậy.
Quan điểm của tôi là điều hòa là xã hội hóa, là tự nguyện, ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít, ai nghèo không đóng. Thế nhưng mà nói thế thì rất khó thành công,con số chúng ta thu lại không đủ kinh phí để duy trì.
Kinh phí này là để cho Ban đại diện phụ huynh mua điều hòa, mua rèm cửa lắp cho các lớp mới. Và năm nay tôi cũng đề nghị là tất cả các cửa ra vào, cửa sổ còn sót, đợt này phụ huynh vận động để ủng hộ làm hết.
Có một số lớp rất nhanh nhẹn như là lớp A3, tự giác, mới có 1 cửa thôi còn 2 cửa vẫn phải lắp.
Cái việc học sinh mới vào trường, ủng hộ cho nhà trường là đương nhiên rồi. Ví dụ như ở đây lớp D4, D3 là hai lớp mặc dù năm nay các con mới vào nhưng có điều hòa, có rèm cửa đầy đủ hết rồi. Các bậc phụ huynh nghĩ mình có rồi, mình chỉ đóng để bảo trì, bảo dưỡng thôi.
Chúng tôi nghĩ cái tư tưởng này là không được. Nếu mà nghĩ như thế, tôi sẽ cho các phụ huynh cũ tháo hết điều hòa chuyển đi, để các lớp mới vào đóng. Và như thế sẽ tốn kém, lãng phí.
Chúng tôi, các cô giáo nhà trường ngồi đây thống nhất là không chuyển mà sẽ vận động phụ huynh là dù lớp mình có rồi nhưng mình vẫn ủng hộ để trang bị cho các lớp mới.
Và xin trả lời luôn rằng, không phải đóng điều hòa cho nhà trường làm chất lượng cao đâu. Tại vì các bạn học sinh mới vào có thể học lớp mới, có thể học lớp cũ.
Lớp cũ có rồi nhưng lớp mới là phải lắp. Nhưng nếu riêng lớp mới, kinh phí cho một người vào lắp, chúng tôi tin cả điều hòa, cả rèm sẽ đến 1 triệu/cháu.
Nên tôi nghĩ là mức vận động các phụ huynh, lát nữa chúng ta sẽ bàn thêm vì năm ngoái có lớp đóng rồi lớp chưa đóng.
Chúng tôi mở rộng đối tượng vận động. Năm ngoái lớp nào mới vào mà chưa ủng hộ thì nên vận động ủng hộ thêm.
Những lớp năm ngoái không phải vận động ủng hộ điều hòa nhưng mà các lớp ủng hộ bình nóng lạnh như lớp D1, cô Oanh nói năm ngoái ủng hộ 3 triệu rưỡi, chưa kịp lắp bình nóng lạnh năm nay sang lớp mới có bình nóng lạnh thì 3 triệu rưỡi chuyển sang để lắp điều hòa.
Rồi những cháu năm ngoái ủng hộ ti vi, đặc biệt những cháu của năm 2019 – 2020 mà chưa ủng hộ các cô giáo nắm được tinh thần như thế, nên vận động ủng hộ.
Từ năm ngoái đến năm nay, nhà trường không được quyền làm việc này, nhường quyền này lại cho phụ huynh.
Phụ huynh đứng ra ủng hộ, nhà trường sẽ nhận và mở sổ kế toán, cho tài sản ấy vào tài sản được tặng và sẽ trở thành tài sản công. Đã là tài sản công thì mọi cái bảo dưỡng, sửa chữa nhà trường chi.
Tồn từng năm là trả nợ cho cái lắp mới, kinh phí đóng mỗi năm một ít chứ không phải chi phí bảo dưỡng ở đây.
Các lớp chất lượng cao, có ai phụ huynh lớp chất lượng cao. Lớp chất lượng cao học cái lớp không có gì. Và kinh phí 500.000 đồng phụ huynh đóng cho nhà trường, nhà trường quay trở lại đầu tư cơ sở vật chất, mua thiết bị.
Ví dụ như cái ghế các con ngồi, đó là tiền phụ huynh đóng góp, các giá kệ của các con, một số đồ dùng nó thuộc không nằm trong chúng tôi mua sắm nhà nước mà mua sắm bằng kinh phí từ các lớp.
Chứ không phải đóng 500.000 đồng, 400.000 đồng để nhà trường làm lớp chất lượng cao. Ai hiểu thế là sai lầm. Tại vì việc đóng góp mua điều hòa mới trường mình làm trong nhiều năm nay rồi.
Nhà trường dùng kinh phí này trở lại mua sắm tất cả, có chi cho giáo viên, chi cho bồi dưỡng chuyên môn, các quản lý nhưng phần lớn chi phí được cho vào cơ sở vật chất để trang bị.
Riêng điều hòa, xin nhấn mạnh lại, năm ngoái các cô giúp phụ huynh thu tiền và giúp nhà trường thu tiền, các đợt đã ủng hộ cần xác minh lại, các cháu năm ngoái chưa ủng hộ, các cô năm nay nhận lớp này tiếp tục vận động ủng hộ.