“Xã hội hóa” là khái niệm khoa học về con người và xã hội (Nhân loại học và Xã hội học), xã hội hóa là quá trình con người tiếp nhận văn hóa xã hội và chuyển hóa thành nhân cách của mình.
Xã hội hóa có thể giúp cá nhân trở thành thành viên có trách nhiệm với xã hội nhưng cũng có thể biến một người bình thường thành tội phạm nếu sự tiếp nhận bị sai lệch.
Gần đây tại Việt Nam khái niệm “xã hội hóa” đã bị hiểu và vận dụng không theo cách mà các nhà khoa học mô tả.
Trong nhiều văn kiện chính thức, “xã hội hóa” được giải thích như là cách nhà nước động viên các nguồn lực xã hội tham gia vào một số lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông vận tải,…
Một số lĩnh vực khác như chính trị, quốc phòng, an ninh không có chuyện xã hội hóa.
Có nhiều cách thực hiện xã hội hóa.
Cho phép tư nhân kinh doanh, sản xuất, hoạt động trong một số lĩnh vực kinh tế, xã hội mà nhà nước không độc quyền được cho là biểu hiện rõ nhất của khái niệm “xã hội hóa” theo cách hiểu của Việt Nam.
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng được một số học giả, quan chức gọi là “xã hội hóa” mặc dù thực chất đây là quá trình tư nhân hóa tài sản công.
Doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, cơ quan công ích bắt tay tư nhân cùng khai thác cơ sở vật chất, thương hiệu cũng là một dạng xã hội hóa.
Người dân trực tiếp trả tiền để nhận được các dịch vụ công ích như thu gom rác thải sinh hoạt, công chứng tài liệu,… cũng được hiểu là xã hội hóa.
Ba lĩnh vực xã hội hóa rầm rộ nhất và cũng xuất hiện nhiều tai tiếng nhất là giao thông, y tế và giáo dục.
Có tới 300.000 kết quả tìm kiếm liên quan đến cụm từ “Lùm xùm BOT giao thông” và số bài báo đã đăng về sự “lùm xùm” này chắc không chỉ dừng lại ở con số hàng trăm.
Đối với giáo dục, chủ trương xã hội hóa góp phần giải quyết nhiều khó khăn mà nhà nước đang phải đối diện như thiếu trường lớp, kinh phí, việc làm cho giáo viên mới tốt nghiệp các trường Sư phạm,…
Số liệu trong “Tờ gấp giáo dục 2019” cho thấy toàn quốc có 10.461 số trường mầm non công lập, trong khi có tới 2.878 trường ngoài công lập chiếm 27,5%.
Năm 2020, thành phố Hà Nội ban hành chủ trương chỉ tuyển 62% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào các trường trung học phổ thông công lập, số còn lại phải học trường tư hoặc các loại hình đào tạo khác.
Có ý kiến cho rằng không phải các địa phương thiếu trường lớp mà do định hướng nghề nghiệp và phân luồng sau trung học cơ sở, đây là cách lý giải khó chấp nhận.
Phải chăng xã hội hóa giáo dục chính là cứu cánh cho sự bất cập về quy hoạch dân cư, mạng lưới trường lớp, đội ngũ nhà giáo,… và do đó đôi khi phải mắt nhắm mắt mở cho hoạt động của không ít cơ sở không đạt chuẩn?
Bên cạnh mặt tích cực, cần phải khẳng định chính xã hội hóa đã dẫn tới không ít kết quả đau lòng ở tất cả các cấp học như vụ cháu bé tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô, lãnh đạo nhà trường cấu xén tiền ăn của học trò, trường tư thục ăn chặn tiền phụ huynh đã nộp khi muốn chuyển trường cho con (vì chuyển nơi cư trú),…
Ảnh minh hoá về xã hội hoá giáo dục trên Plo.vn |
Ở bậc đại học, chuyện bán văn bằng như Đại học Đông Đô không phải là cá biệt.
Ngày 06/07/2020, Báo điện tử Đài truyền hình Việt Nam Vtv.vn trong chuyên mục “Chuyển động 24h” có phóng sự “Nhiều bất thường trong hoạt động đào tạo của trường Đại học Chu Văn An”. [1]
Đến ngày 09/07/2020, báo Nongnghiep.vn đăng bài liên quan đến đại học này:
“Thêm một 'lò' đào tạo cử nhân giấy: Dịch vụ chuẩn hóa cán bộ!” [2];
Để những chuyện lùm xùm xảy ra liên tục tại không ít cơ sở giáo dục đại học liệu có thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Đây chỉ là buông lỏng quản lý khi ồ ạt “xã hội hóa giáo dục” hay còn những điều mà truyền thông và người dân không thể biết?
Cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đào tạo không đúng luật, cấp phát văn bằng bừa bãi không thể nói chỉ là thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi đảng bộ địa phương quản lý về mặt đảng, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý nhân sự và theo luật được cử người tham gia ban lãnh đạo trường,…
Rõ ràng là chức năng quản lý nhà nước của nhiều bộ phận thuộc hệ thống chính trị với công tác xã hội hóa giáo dục đang bị xem nhẹ nếu không phải là có sự đan xen lợi ích.
Thế còn “xã hội hóa y tế” và giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế có thực sự mang lại những điều tốt đẹp?
Bốn năm trước, một bài viết trên Vov.vn cho biết “Bệnh viện Bạch Mai, giá phòng dịch vụ dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/1 người tùy từng loại, phòng 9 giường, 3 giường hay 1 giường”. [3]
Hình ảnh phòng dịch vụ của Bệnh viện Bạch Mai mà Vov.vn đăng tải. |
Tưởng chừng với những điều truyền thông phát hiện, người bệnh sẽ được hưởng các dịch vụ phù hợp với đồng tiền bỏ ra nhưng sự thật không phải vậy.
Thảm họa khủng khiếp nhất là vụ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình giao cho tư nhân bảo trì, sửa chữa thiết bị chạy thận đã khiến 8 bệnh nhân tử vong vào năm 2017.
Bộ Công an vừa công bố một vài số liệu trong vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Bệnh viện Bạch Mai, điều tra bước đầu cho thấy các đối tượng nâng khống máy móc từ 7,4 tỉ đồng (đã bao gồm thuế VAT) lên 39 tỉ đồng.
Việc này khiến người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca sử dụng dịch vụ và số tiền chênh lệch mà các đối tượng chiếm đoạt của người bệnh lên tới khoảng 10 tỉ đồng.
Người nghèo, người có thu nhập thấp bị móc túi 18 triệu đồng cho một ca sử dụng dịch vụ không biết có khiến lương tâm những người có trách nhiệm tại Bệnh viện Bạch Mai day dứt?
Gần 20 năm trước, một bài báo đăng trên Tạp chí nghiên cứu pháp luật của Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội đã nêu khá nhiều ý kiến:
Bài báo cho rằng bệnh nhân là “Người mua dịch vụ y tế” còn thầy thuốc (bác sĩ điều trị) là “người bán dịch vụ y tế”. Trong mối quan hệ này, khách hàng (người mua) không bao giờ là “thượng đế”, mọi quyết định đều phụ thuộc vào lương tâm và trình độ người bán.
“Khi người bán có lương tâm, trách nhiệm, người ta sẽ có sự chọn lọc và cung cấp đúng các dịch vụ phù hợp với nhu cầu chẩn đoán và điều trị của bệnh tật có hiệu quả, đó chính là y đức của đại bộ phận các thầy thuốc và nhân viên y tế.
Ngược lại, cũng có thể người bán không những chỉ bán các dịch vụ y tế mà còn bán cả lương tâm và trách nhiệm, chạy theo đồng tiền để thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt thì không thể nói trước được những hậu quả của nó”. [4]
Ông Nguyễn Quốc Anh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (thời điểm liên kết với Công ty thiết bị y tế BMS) khẳng định “việc đưa máy móc vào sử dụng là đúng quy định và bệnh viện cũng chỉ là nạn nhân”?
Nói “bệnh viện là nạn nhân” là hoàn toàn đúng bởi “bệnh viện” không thể đặt bút ký hợp đồng liên kết, đại bộ phận y, bác sĩ và cán bộ phục vụ thuộc biên chế Bệnh viện Bạch Mai cũng không liên quan gì trong vụ việc này, nhưng bảo người có trách nhiệm cầm bút ký cũng là nạn nhân thì thật khó lọt lỗ tai.
Có thể những người chuyên ngành y như ông Nguyễn Quốc Anh không có thông tin về giá cả thiết bị song một bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai không thể không có những người phụ trách mua sắm trang thiết bị, chẳng lẽ ông Quốc Anh không hề tham khảo ý kiến nhân viên dưới quyền hay những người này đẫ tham khảo đơn giá từ chính công ty BMS?
Không phải ai cũng có thể nhận được chân trông giữ ô tô, xe máy, bán nước sôi trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai, vì thế việc liên kết với ai, liên kết như thế nào và lợi nhuận thu được từ những “liên kết” này luôn là điều công luận muốn cơ quan chức năng làm sáng tỏ.
Những kẻ bòn rút từng đồng tiền trên bệnh tật của của người bị mắc bệnh là những kẻ mất hết nhân tính, hành động của chúng phải xem là tội ác và phải bị nghiêm trị.
Bên cạnh đó, không thể không nêu câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trước những sai phạm trong quá trình xã hội hóa ồ ạt các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông,…
Để xảy ra sai phạm, những người liên quan ai cũng cho rằng mình vô can, và đương nhiên người dân không thể là người quyết định họ có tội hay vô tội.
Thiết nghĩ Bộ Công an nên mở rộng điều tra xem còn bao nhiêu bệnh viện đã thực hiện xã hội hóa kiểu như Bệnh viện Bạch Mai đã làm.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vtv.vn/xa-hoi/hang-tram-nguoi-co-bang-dai-hoc-tu-lop-hoc-ma-co-dau-hieu-cua-toi-gia-mao-202007061148306.htm
[2] https://nongnghiep.vn/them-mot-lo-dao-tao-cu-nhan-giay-dich-vu-chuan-hoa-can-bo-d267987.html
[3] https://vov.vn/xa-hoi/phong-dieu-tri-dich-vu-tai-benh-vien-xuong-cap-van-12-trieu1-ngay-519528.vov
[4] http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208799