Ấn định chỉ tiêu cao ngất là căn nguyên ngụy tạo thành tích, hủy hoại giáo dục

30/09/2020 06:40
NGUYỄN NGUYÊN
GDVN- Nhiều nơi, người ta đều muốn đề cao bệnh thành tích, đều muốn giấu giếm những khiếm khuyết, hạn chế của đơn vị trường mình để được tôn vinh, được khen ngợi.

Phải nói rằng phần lớn giáo viên đứng lớp rất ghét bệnh ngụy tạo thành tích đang tồn tại dai dẳng ở ngành giáo dục. Trong các phát biểu của lãnh đạo, các công văn gửi về trường thì luôn nhắc đến cụm từ “trung thực trong dạy và học, trong thi cử”; “đánh giá đúng năng lực của học sinh”…

Thế nhưng đầu năm học lại bắt giáo viên đăng kí chỉ tiêu mà thực ra là “ấn” chỉ tiêu từ trên xuống. Tổ chuyên môn, giáo viên đăng kí tỉ lệ học sinh khá giỏi ít thì lãnh đạo nhà trường không chịu.

Cuối năm, trường nào mà có tỉ lệ chất lượng học tập thấp hơn thì bị lãnh đạo Phòng, Sở nhắc nhở, dọa cắt thi đua. Trong khi, thực tế thì mỗi trường, mỗi địa phương đều khác nhau.

Vì thế, việc “chữa” được bệnh ngụy tạo thành tích được hay không phải là sự cương quyết của lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương và các Ban giám hiệu nhà trường.

Một khi mà cấp trên còn giao chỉ tiêu không nhìn vào thực tế, còn tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi thì khi ấy luôn đan cài sự thật-giả...

Bệnh thành tích của nhiều trường học hiện nay khá nặng (Ảnh minh họa: Cổng thông tin Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Bệnh thành tích của nhiều trường học hiện nay khá nặng

(Ảnh minh họa: Cổng thông tin Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Ai cũng biết, những trường thị thành thì điều kiện học tập của học sinh tốt hơn, trang thiết bị dạy học tốt hơn thì chắc chắn sẽ có kết quả cao.

Những trường khó khăn thì thường khó mọi bề: có rất nhiều trường hợp phụ huynh đi làm ăn xa, các em học sinh như cây cỏ giữa đời, bữa vào học lại có vài bữa nghỉ thì làm sao chất lượng có thể ngang với các trường có điều kiện?

Vậy mà lãnh đạo đòi kết quả giảng dạy các trường phải bằng nhau.

Muốn bằng nhau thì Ban giám hiệu các trường khó khăn sẽ có biện pháp đối phó cho... bằng nhau. Đó là chỉ đạo giáo viên trong trường nâng điểm. Giáo viên gác kiểm tra 2 người một phòng nhưng chủ yếu là cho có hình thức.

Bởi mỗi phòng kiểm tra chỉ có một vài em học được. Coi thi nghiêm, có nghĩa là thất bại về điểm số, là không có được thành tích đẹp. Vì thế, bệnh giả dối sinh ra và tồn tại một cách mặc nhiên từ năm này qua năm khác.

Những năm qua, bệnh ngụy tạo thành tích không chỉ phát triển dưới cơ sở mà có cả ở các chương trình, kế hoạch của Bộ, Sở.

Chúng ta cứ nhìn xem các kế hoạch của Bộ trong thời gian qua sẽ thấy rõ điều này. Nào là Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 Bộ đã đề ra một số mục tiêu quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học đã không thể đạt kết quả như mục tiêu đặt ra.

Đề án 911 về đào tạo 20 000 tiến sĩ đã dẫn đến việc đào tạo tràn lan, vì thế, dư luận gọi là “lò ấp” tiến sĩ.

Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến dự án VNEN với kinh phí 87 triệu USD triển khai dạy ở hàng nghìn trường học rồi cuối cùng Bộ, Sở buông bỏ, mạnh ai nấy lo!

Các kì thi của Bộ, của Sở Giáo dục tổ chức hàng năm, chúng ta cũng thấy muôn vàn những bất cập. Điểm thi tốt nghiệp mấy năm gần đây đều có tỉ lệ gần 100%. Một số tỉnh thì để xảy ra tình trạng điểm cao bất thường.

Các kì thi tuyển sinh 10 của các Sở Giáo dục tổ chức cũng đề cao thành tích là chủ trương, có những lãnh đạo Sở “bật đèn xanh” để cán bộ ra đề thi dễ để điểm đầu vào lớp 10 cao lên nhằm hướng tới Uỷ ban nhân dân tỉnh không quở trách, các trường trung học phổ thông không than phiền điểm đầu vào quá thấp.

Bệnh ngụy tạo thành tích còn thể hiện rõ nét ở việc chỉ đạo và xây dựng các trường chuẩn quốc gia ở các cấp học trong cả nước.

Để được công nhận là “chuẩn quốc gia” thì địa phương, nhà trường phải đầu tư không biết bao nhiêu tiền của, công sức trong nhiều năm trời. Thế nhưng, chúng ta mới thấy được cái “chuẩn” bề ngoài là cơ sở vật chất còn chất lượng đào tạo thì vẫn vậy.

Khổ nỗi, khi đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia thì thì phải khống chế tỉ lệ bỏ học, tỉ lệ học sinh yếu kém để “giữ chuẩn”.

Thành thử, học sinh bỏ học cũng phải tìm cách “lấp” cho vừa tỉ lệ khống chế, học sinh yêu kém cũng phải cho lên lớp.

Điều này báo chí là phản ánh rất nhiều trường hợp học sinh học hết cấp tiểu học mà chưa đọc thông, viết thạo. Vậy, chúng ta có nhất thiết cứ phải lên trường chuẩn quốc gia hay không? Đó là chưa kể việc được công nhận chuẩn quốc gia xong thì các trường học phải giữ chuẩn với muôn vàn khó khăn, dâu bể...

Bệnh ngụy tạo thành tích trong giáo dục phải nói rằng hiện nay quá nhiều mà kể mãi cũng không hết.

Đó là công tác phổ cập; xây dựng thành lập hàng loạt các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các huyện, thị; các trường nghề; trung tâm giáo dục cộng đồng…

Ở đó, chúng ta thấy nhiều sự giả dối và lãng phí về nhân lực, vật lực mà ngành, địa phương đầu tư nhưng hiệu quả, chất lượng giáo dục thì chẳng đáng gì. Nhưng, có lẽ đó là trào lưu của các địa phương, nơi này có thì nơi khác cũng có nên dẫn đến hàng loạt những lãng phí cho đất nước.

Chính cấp Bộ, cấp Sở còn coi trọng thành tích ảo nên cấp Phòng và các đơn vị trường học cũng thi nhau giả dối.

Mỗi lần kiểm tra học kì, tổng kết cuối năm, tham gia các hội thi đều hướng tới những số liệu đẹp, những thành tích cao. Vì thế, giáo viên cũng phải hòa mình vào “dòng chảy” của bệnh thành tích. Không giả dối để có chất lượng giảng dạy cao thì thua thiệt, bị quở trách, bị góp ý.

Vậy nên, dù biết trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp nhưng rồi một số giáo viên dưới cơ sở cũng đành làm ngơ để đồng lõa với căn bệnh thành tích từ năm này qua năm khác.

Là giáo viên đang đứng lớp, chúng tôi nhìn thấy rất rõ những gì mà ngành giáo dục đang triển khai, đang chỉ đạo. Thế nhưng, giữa những chỉ đạo và thực hiện lại đang có những mâu thuẫn với nhau.

Nhiều nơi, người ta đều muốn đề cao thành tích ảo, đều muốn giấu giếm những khiếm khuyết, hạn chế của đơn vị mình để được tôn vinh, được khen ngợi.

Chính vì thế, bệnh ngụy tạo thành tích đã và đang làm mai một những giá trị thực của ngành giáo dục nước nhà và nếu như cứ để tồn tại mãi sự giả dối như thế này thì tương lai giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu?

NGUYỄN NGUYÊN