Nếu học sinh ở lại lớp nhiều sẽ ảnh hưởng đến trường chuẩn quốc gia

09/06/2020 06:25
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần bỏ báo cáo thành tích của cá nhân, của tổ, của trường, có vậy, giáo viên mới đánh giá thực chất học sinh, nhà trường mới mạnh dạn để học sinh yếu ở lại lớp.

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa học sinh sẽ kết thúc năm học 2019-2020. Với thời gian ngắn như thế phải hoàn thành một núi công việc cũng chẳng dễ dàng gì.

Học sinh lớp 1 nếu không biết đọc, biết viết phải được ở lại lớp (Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang)

Học sinh lớp 1 nếu không biết đọc, biết viết phải được ở lại lớp (Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang)

Nhưng điều làm cho nhiều giáo viên đau đầu, chóng mặt nhất hiện nay là chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh lớp 1.

Một đồng nghiệp dạy lớp 1 cho biết, lớp bạn chủ nhiệm hiện có khoảng 8 em không biết đọc.

Ngoài việc bập bõm vài âm vần thì hầu như không thể đọc tiếng, từ nói gì đến đọc câu. Trong khi, yêu cầu cần đạt của học sinh lớp 1 giai đoạn này đã phải đọc thông, viết thạo.

Cho học sinh lên lớp 2 khi chưa biết đọc sẽ hại các em

Là giáo viên nên chúng tôi hiểu, học sinh có thể yếu toán vẫn có thể vớt các em lên lớp và giáo viên nỗ lực kèm cặp, các em vẫn có thể theo kịp các bạn ở mức trung bình.

Thế nhưng, khi các em đã không biết đọc, biết viết mà cho lên lớp thì xem như thầy cô đã trực tiếp làm hại những học sinh này.

Các em học không tiến bộ mà ngày càng yếu hơn vì lớp 2 không còn giờ học vần để học sinh tập đọc âm vần, ghép tiếng, ghép từ.

Không biết đọc kéo theo khá nhiều môn học yếu kém như tập làm văn, toán (vì không thể đọc yêu cầu của bài toán).

Tương lai của những em không biết đọc, biết viết sẽ chấm dứt ngay khi học xong bậc tiểu học và thế là những em này chỉ có thể ở nhà đi lang thang cho đến tuổi đi lao động.

Nhưng để ở lại lớp sẽ làm mất chuẩn quốc gia của nhà trường

Có hiệu trưởng không cần vòng vo mà bộc toẹt luôn cho giáo viên hiểu cái khó của mình: “Cho học sinh ở lại lớp nhiều sẽ ảnh hưởng đến trường chuẩn quốc gia vì nó liên quan nhiều đến các chỉ tiêu quy định”.

Không chỉ mỗi trường bị ảnh hưởng, cả xã cũng bị ảnh hưởng theo, hiệu ứng dây chuyền đã làm khó nhiều hiệu trưởng.

Liệu có hiệu trưởng nào can đảm?

Cũng đã có không ít hiệu trưởng thẳng tay cho học sinh ở lại lớp để cải thiện lực học vào năm học sau.

Đã có những hiệu trưởng từ bỏ danh vọng như tiếng tăm, bằng khen, giấy khen để cho những học sinh yếu có cơ hội học lại.

Nhưng những hiệu trưởng can đảm thế này cũng chẳng có nhiều. Thế nên mong chờ hiệu trưởng vì tương lai của những học sinh yếu có lẽ hơi khó.

Bởi thế, chúng tôi xin đề xuất giải pháp như sau

Năm học 2019-2020 do thời gian học sinh nghỉ học vì dịch bệnh quá dài. Bởi thế, ngành giáo dục không nên đánh giá các trường học bằng các chỉ tiêu đạt được.

Không nên đo chất lượng dạy và học bằng những con số vô hồn, không nên so sánh trường này với trường kia bằng phép đo của những con số.

Ví như, chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi, chỉ tiêu về học sinh giỏi, học sinh tiên tiến…

Tất cả những học sinh có lực học yếu kém cần cho các em được học lại một năm ngay tại lớp ấy.

Cuối năm, cần bỏ các báo cáo thành tích của cá nhân, của tổ, của trường. Có vậy, giáo viên mới đánh giá thực chất học sinh, nhà trường mới mạnh dạn để học sinh yếu được lưu ban theo đúng nguyện vọng.

Thảo Ly