Kỷ luật tích cực liệu có rèn luyện được học sinh?

01/10/2020 06:51
Tùng Dương
GDVN- kỷ luật tích cực là làm cho học sinh vào nề nếp trong bầu không khí tích cực, với những biện pháp sư phạm giúp cho học sinh nhận ra được tại sao việc này lại sai.

Năm học này ngành Giáo dục đã ban hành một số quy định mới, trong đó có quy định “không phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường hay trong cuộc họp phụ huynh. Không còn quy định buộc thôi học, không ghi kỷ luật vào học bạ...”.

Nhưng điều này đã khiến cho nhiều phụ huynh đặt câu hỏi rằng những quy định mới đó sẽ đem lại điều gì cho các em học sinh, việc quản lý hành vi của các em học sinh ở trường sẽ thế nào và liệu các em có vào nề nếp?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: " Vậy kỷ luật tích cực là dạy và cung cấp cơ hội để cho những đứa trẻ học được nhiều kỹ năng hành vi mới, và để lần sau các em sẽ tự giác hành động và đưa mình vào kỷ luật". Ảnh: Thầy Nam cung cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: " Vậy kỷ luật tích cực là dạy và cung cấp cơ hội để cho những đứa trẻ học được nhiều kỹ năng hành vi mới, và để lần sau các em sẽ tự giác hành động và đưa mình vào kỷ luật". Ảnh: Thầy Nam cung cấp.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Nam chia sẻ:

“Với thông tư này thì chúng ta nhìn thấy tinh thần rất nhân văn, hướng đến sự khuyến khích phát triển của học sinh cũng như cách thức giáo dục hướng cho học sinh biết được những hành vi nào nên và không nên làm.

Tránh được các hành vi trừng phạt gây ảnh hưởng đến thân thể, hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Vì vậy thông tư này mang tính nhân văn rất lớn.

Điều mà nhiều phụ huynh nói rằng cảm thấy rất lo lắng bởi như vậy các con có vào nề nếp quy củ hay không?

Chúng ta phải hiểu rằng kỷ luật tích cực ở đây là làm cho học sinh vào kỷ luật trong một bầu không khí tích cực, sử dụng những biện pháp sư phạm để làm cho học sinh nhận ra được tại sao mình làm hành động này là sai? Và khi con làm sai thì phải có thái độ hối lỗi.

Vậy kỷ luật tích cực là dạy và cung cấp cơ hội để cho những đứa trẻ học được nhiều kỹ năng hành vi mới, và để lần sau các em sẽ tự giác hành động và đưa mình vào kỷ luật.

Kỷ luật tích cực khác một chút so với triết lý mà chúng ta vẫn tin tưởng trước đây. Nếu là kỷ luật truyền thống thì dựa vào việc làm cho đứa trẻ sợ hãi, lo lắng hoặc xấu hổ để các em không thực hiện những hành vi sai như vậy nữa.

Việc so sánh với những đứa trẻ khác cũng là cách thức làm cho trẻ xấu hổ. Nhưng trong kỷ luật tích cực thì tất cả những niềm tin trước đây của chúng ta quan niệm như: Yêu cho roi cho vọt…là không đứng với kỷ luật tích cực”.

Theo thầy Nam: “Việc chúng ta khen con nhiều quá thì cũng dẫn đến việc đứa trẻ sẽ chủ quan, không cố gắng thực hiện nữa thì đó cũng là sai trong kỷ luật tích cực này.

Rồi cũng có một số quan điểm là phớt lờ nhưng lỗi nhỏ thì chắc chắn sẽ dẫn đến những lỗi lớn hơn.

Vậy nên việc xử phạt học sinh bằng một hình phạt nhẹ mà không được thì chỉ có hình phạt nặng thôi, chứ không thể nào là nhân văn hay khuyên bảo các con được.

Theo kỷ luật truyền thống thì các phụ huynh thường nghĩ là nếu sự đau khổ của con càng lớn thì hình phạt đấy càng có hiệu quả, và giờ đây tất cả những niềm tin đó đối với kỷ luật tích cực là không đúng.

Mà kỷ luật tích cực sẽ chỉ tập chung vào việc là làm thế nào để tôn trọng quyền lợi tốt nhất của con, khuyến khích khả năng lựa chọn của con, không xâm phạm, xúc phạm về mặt thân thể của con và coi lỗi lầm đó là một cơ hội để con thay đổi”.

Điều quan trọng ở đây là giáo viên và bố mẹ phải gần với con để biết được lúc nào đứa trẻ đang cố gắng có những hành vi tốt để kịp thời khuyến khích. Chỉ có mối quan hệ gần gũi thì những lời khen đó mới có giá trị. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Điều quan trọng ở đây là giáo viên và bố mẹ phải gần với con để biết được lúc nào đứa trẻ đang cố gắng có những hành vi tốt để kịp thời khuyến khích. Chỉ có mối quan hệ gần gũi thì những lời khen đó mới có giá trị. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Phải chăng những kỷ luật truyền thống trước đây đối với trẻ là tiêu cực?

Thầy Nam nêu quan điểm: “Cho đến hiện nay thì tất cả những kỷ luật tiêu cực như chúng ta vừa nói là kỷ luật truyền thống thì nó đã không còn thích hợp, không phù hợp với bối cảnh hiện tại khi mà cả xã hội đang thực hiện các quyền trẻ em.

Kỷ luật tích cực nhấn mạnh vào những điều gì các con nên làm, còn kỷ luật truyền thống trước đây thì bố mẹ thường nói là không được làm cái này, cái kia, cấm tuyệt đối…

Có nghĩa một bên là nhấn mạnh vào việc nên làm và một bên nhấn mạnh vào việc không được làm. Một điều nữa là kỷ luật tích cực luôn tôn trọng học sinh, đưa ra cho các con lựa chọn vì con đã thực hiện hành vi này và bây giờ thì hệ quả là như thế này, hoặc là như thế này con có thể lựa chọn.

Thường là chúng ta sử dụng các hệ quả tự nhiên, ví dụ: Con không chịu ăn cơm phải không? Đấy là tôn trọng ý kiến của con nhưng hệ quả là con sẽ bị đói.

Nếu con không chịu đi ngủ? Cũng được nhưng con sẽ rất mệt vì thiếu ngủ và con sẽ không làm được việc gì khác.

Cũng có thể sử dụng những hệ quả rất logic, ví dụ: Con làm hỏng đồ dùng, vậy con sẽ phải sử dụng đồ dùng hỏng đó và chắc chắn con sẽ thấy khó chịu.

Còn với kỷ luật tiêu cực thì bố mẹ hay nói rằng: Mẹ sẽ phạt con vì con đã mắc lỗi làm hỏng đồ.

Nhưng nếu con làm hỏng đồ dùng mà ngay lập tức bố mẹ mua lại cho con đồ mới thay thế thì trong trường hợp này đứa trẻ sẽ không nhận ra hệ quả, mà phải để cho con sử dụng và khó chịu vì con không giữ gìn đồ dùng.

Và nếu con không chịu ăn nhưng nếu mọi người cứ ép thì kiểu gì con cũng khó chịu và con không nhận được ra hệ quả đằng sau đó. Nhưng nếu con không ăn, vậy hết giờ ăn mọi người thu dọn sạch sẽ và đứa trẻ bị đói sẽ cảm nhận được giữa việc lựa chọn những hành động đấy là sai và đã mất cơ hội.

Chứ không phải là bố mẹ muốn con chịu hình phạt này mà không giải thích cho trẻ hiểu vấn đề. Và việc kỷ luật tích cực thì coi rằng mỗi lỗi lầm là cơ hội để cho con học được những bài học giúp con lớn mạnh hơn trong tương lai.

Chứ không phải việc tôi không chấp nhận những lỗi lầm này, và lỗi lầm này sẽ làm cho con mất cơ hội thành công, vậy cho nên bố mẹ thường trừng phạt những lỗi nhỏ vì sợ rằng nếu không trừng phạt sẽ dẫn đến lỗi lớn hơn. Đó là những sự khác biệt nhất định”.

Kỷ luật tích cực nhấn mạnh vào việc phòng ngừa

Theo thầy Nam: “Với một học sinh làm mất trật tự trong giờ học thì giáo viên thường sẽ là xuống tận nơi và xử lý bằng cách mắng, nhắc nhở, cao giọng…

Nếu vẫn hành vi đó nhưng giáo viên lại bước đến bạn bên cạnh học sinh đang làm mất trật tự kia và nói rằng: Cô cảm ơn con vì con đã giữ trật tự trong giờ học. Đó là kỷ luật tích cực.

Điều đó làm cho tất cả sự chú ý của các bạn trong lớp đều dồn về hành vi nên làm trong lớp, đó là giữ trật tự. Chứ không phải làm cho bạn mất trật tự bị xấu hổ trước cả lớp.

Một bạn thì không bị xấu hổ, còn một bạn thì lại được khen bởi hành động có ý thức của mình và sẽ thất rất tự hào khi được khen, và có thể sau đó nếu trong lớp có bạn nào làm mất trật tự thì chính bạn đó sẽ ra hiệu cho bạn kia giữ im lặng.

Như vậy là bầu không khí học tập ở trong lớp sẽ trở nên tích cực, và tất cả các thành viên trong lớp đều có xu hướng thực hiện những điều tích cực.

Kỷ luật tích cực cũng nhấn mạnh vào việc phòng ngừa, tức là học sinh đang có hành vi sai trái ở trong lớp thì giáo viên có thể nheo mắt, hoặc mỉm cười, cũng có thể hỏi là em đã làm bài tập chưa và có cần cô giúp gì không? Đó là để phòng ngừa.

Còn khi hành vi tiêu cực đã lên cao trào thì việc nhấn mạnh vào kỷ luật tích cực là không nên có kết luận về một con người. Ví dụ: Trước đây giáo viên hay nói tại sao con hay mất trật tự thế?

Nhưng nếu giáo viên nói là cô không hài lòng về hành vi mất trật tự trong giờ học của con, hành vi này ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp, hoặc là ảnh hưởng đến bài giảng.

Cô nghĩ rằng nếu con còn tiếp tục hành vi này thì cô sẽ mời con ra khỏi lớp, sau giờ học cô sẽ nói chuyện với con. Như vậy ở đây là phê bình hành vi thôi chứ không phải là phê bình nhân cách con người học sinh đó”.

Kỷ luật tích cực không phải là hình thức mà nó là cách thức và đằng sau đấy nó chính là mối quan hệ. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Kỷ luật tích cực không phải là hình thức mà nó là cách thức và đằng sau đấy nó chính là mối quan hệ. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Thầy cô liệu có áp lực khi thực hiện quy định này?

Thầy Nam chia sẻ: “Tình yêu của giáo viên cũng như phụ huynh dành cho con trẻ từ trước đến nay vẫn như vậy. Nhưng giờ đây chúng ta cần thay đổi bằng cách, với quan niệm cũ là vẫn giữ cách thức bền vững nhất để làm giảm hành vi sai của con, tức là phải đưa ra hình thức kỷ luật, hoặc trừng phạt.

Nhưng cách thức bền vững nhất để giảm hành vi sai của con là chúng ta phải chú ý vào những khoảnh khắc đứa trẻ có hành vi tốt, phải khen trẻ ngay và dẫn đến tác dụng là những hành vi tốt sẽ tăng lên.

Hiện nay thời gian bố mẹ dành cho con ở nhà cũng chỉ có từng đó thời gian, giáo viên trên lớp dành cho con cũng chỉ có thời gian nhất định. Nếu đứa trẻ chú ý vào hành vi tốt và cố gắng thực hiện thì làm sao đứa trẻ còn có thời gian để thực hiện những hành vi sai nữa.

Vậy nên điều quan trọng ở đây là giáo viên và bố mẹ phải gần với con để biết được lúc nào đứa trẻ đang cố gắng có những hành vi tốt để kịp thời khuyến khích. Chỉ có mối quan hệ gần gũi thì những lời khen đó mới có giá trị.

Còn nếu giáo viên và bố mẹ có khoảng cách với con thì nhiều khi những lời khen đó sẽ làm đứa trẻ nghi ngờ và cho rằng những lời khen đó không thật, từ đó làm mất động lực khuyến khích trẻ làm việc tốt.

Bố mẹ tốt với con, giáo viên tốt với học trò thì đôi khi chỉ cần nói rằng với hành vi này thì em thấy mình nên chọn hình thức kỷ luật nào? Như vậy đứa trẻ sẽ tự nguyện nhận hình thức kỷ luật và như vậy kỷ luật sẽ rất tích cực mang tính giáo dục.

Còn nếu mối quan hệ xa rời thì mọi hình thức kỷ luật mình đưa ra chỉ khiến cho đứa trẻ diễn giải đây là bố mẹ hoặc thầy cô quá khắt khe, hoặc không công bằng, bắt bí…"

Thầy Nam nhấn mạnh: "Kỷ luật tích cực không phải là hình thức mà nó là cách thức và đằng sau đấy nó chính là mối quan hệ.

Khi đứa trẻ mắc lỗi, chúng ta vẫn phải chỉ ra đó là lỗi, nhưng lỗi đó không phải do đứa trẻ, mà chúng ta chỉ không đồng ý với hành vi đấy. Hành vi đấy nó ảnh hưởng đến những người khác như thế nào, làm cho đứa trẻ nhận thấy hành vi này không phù hợp.

Không phải là em đó sai hay em đó hư…mà là hành động này không phù hợp với hoàn cảnh này vì nó sẽ ảnh hưởng đến…và em đó phải tự phân tích để biết rằng hành động nào là đúng hay không đúng”.

Tùng Dương