Tiểu học thì tham khảo cái gì?

30/09/2020 06:12
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách tham khảo với tiểu học là nên cấm. Tiểu học không nên có sách tham khảo, các cháu bé như thế cần tham khảo cái gì đâu.

"Tiểu học không nên có sách tham khảo, các cháu bé như thế cần tham khảo cái gì đâu”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu ý kiến tại phiên họp toàn thể Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, bàn về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo, vừa diễn ra ngày 23/9 tại Hà Nội.

Đối với sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ, các ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ từng loại sách. Sách giáo khoa là bắt buộc, còn sách bổ trợ, sách tham khảo thì không được bắt học sinh mua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu việc đưa sách tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách giáo khoa thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, đồng thời khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu việc đưa sách tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách giáo khoa thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, đồng thời khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm: “Học sinh có thể mua và có thể không mua và theo tôi Bộ phải tuyên bố rõ ràng quan điểm ấy ra và địa phương nào bắt buộc, địa phương ấy phải chịu trách nhiệm”.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Học sinh Việt Nam đọc ít sách quá, nên phải có sách tham khảo, mặc dù nội dung sách giáo khoa đảm bảo chuyển tải đầy đủ yêu cầu của chương trình rồi, nhưng mà học sinh phải học thêm. [1].

Song tôi xin đề nghị, sách tham khảo với tiểu học là nên cấm. Tiểu học không nên có sách tham khảo, các cháu bé như thế cần tham khảo cái gì đâu”.

Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề liệu có lợi ích nhóm trong việc phát hành sách bổ trợ, sách tham khảo. Các nhóm lợi ích mà các thành viên Hội đồng chỉ ra đó là Nhà xuất bản, Phòng Giáo dục- Đào tạo các quận, huyện, Hiệu trưởng các nhà trường. Vì vậy Bộ và các địa phương cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Kết luận tại phiên họp toàn thể Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ngày 23/9, bàn về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định hai nhiệm vụ, trong đó có vấn đề sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rút kinh nghiệm về việc thiếu sách cục bộ và những vấn đề chưa tốt đối với sách tham khảo và sách bổ trợ.

Bộ cần nghiên cứu việc đưa sách tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách giáo khoa thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, đồng thời khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ. [2].

Phụ huynh nói gì về các loại sách tham khảo?

Thời gian qua, tại một số trường học xuất hiện tình trạng "nhập nhèm" trong việc bán sách giáo khoa "cõng" thêm nhiều tài liệu tham khảo, sách bổ trợ khiến chi phí mua sách tăng gấp ba đến bốn lần.

Năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, ngoài sách giáo khoa mới, học sinh lớp 1 phải mua thêm dụng cụ học tập đi kèm, cùng nhiều khoản chi phí khác nên mới đầu năm học phụ huynh đã “choáng” với tiền sách vở của con.

Anh Phạm Quang Vinh (Quận Nam Từ Liêm) cho biết: "Khi trường đưa ra danh mục sách, bất kể nhiều hay ít, phụ huynh không có sự lựa chọn. Muốn con học bình thường, không bị soi mói, cha mẹ phải răm rắp làm theo.

Việc thiếu thông tin về sách giáo khoa và đặt niềm tin tuyệt đối vào thầy cô khiến nhiều phụ huynh như tôi đáp ứng vô điều kiện những yêu cầu mua sắm sách vở từ nhà trường.

Các bậc cha mẹ cho rằng họ không thể từ chối hoặc thắc mắc với giáo viên về những danh mục sách mà trường đưa ra.

Phụ huynh Linh An (Hà Nội) cho biết: “Bây giờ học phí thì không bao nhiêu tiền nhưng các phí khác thì hơn gấp nhiều lần. Sách giáo khoa theo quy định thì giá có thể chấp nhận được nhưng các loại sách kèm theo mới là nhiều tiền.

Phụ huynh Trần Thụy (phường Mai Dịch, Hà Nội): “Rất nhiều trường bán bộ sách lớp 1 với giá quá đắt chứ không phải là một vài trường, năm nay cải cách nên khi vào đăng ký cho con học thì nhà trường hỏi đăng ký mua sách cho các bé không hoặc thông báo ngày nào ra sách mới và kèm theo giá.

Có phụ huynh mua trước thì 755 nghìn đồng 1 bộ, có phụ huynh mua sau thì hơn 800 nghìn đồng 1 bộ. Cũng vì quá nhiều nhà xuất bản nên tâm lý phụ huynh cũng hoang nhưng vì muốn cho con làm quen trước nên có mắc thì cũng cố mua cho con học.

Phụ huynh Trần Nam Khánh (Hà Nội) 5 bộ sách giáo khoa theo quy định đúng là có giá dưới 200 nghìn đồng 1 bộ, tuy nhiên phải mua kèm 1 bộ vở bài tập đi kèm bộ sách này, sách tiếng anh… tổng cộng 22 cuốn là hết gần 500 nghìn đồng rồi.

Chưa kể cặp sách, dụng cụ học tập… quả là một số tiền không nhỏ với những gia đình công nhân, thu nhập thấp. Một số nhà trường lại có tâm lý " đua đòi" vẽ ra đủ thứ như sách bọc vở cùng 1 mầu, cặp sách chung 1 kiểu… mà không bao giờ nghĩ cho tất cả phụ huynh.

Nguyên bộ sách giáo khoa lớp 1 của con tôi có 200 nghìn đồng nhưng danh mục sách các loại và linh tinh của trường 600 nghìn đồng chẵn. Đúng là chân ngoài dài hơn chân trong.

Trên tinh thần là không ép mua sách tham khảo, nhưng ai có con đi học sẽ hiểu, biết đó, ấm ức đó nhưng ko thể thắc mắc, phản ứng lại vì sợ con mình học 5 năm ở trường sẽ khó.

Khi họp đầu năm phụ huynh nào phản ứng, thắc mắc quy định thử xem. Nếu đã ko ép buộc thì ngay từ đầu nhà trường lại giới thiệu sách giáo khoa cho phụ huynh làm gì?

Cần nói rõ loại nào bắt buộc, loại nào có cũng được và không có cũng không sao cho phụ huynh tự quyết định. Ai cảm thấy cần thiết thì mua cho con, ai khó khăn thì thôi.

Việc bán sách theo “combo” kiểu này, khiến giá mỗi bộ sách bị đội lên cao, mà phụ huynh không có sự lựa chọn, phải “cắn răng” mua. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Việc bán sách theo “combo” kiểu này, khiến giá mỗi bộ sách bị đội lên cao, mà phụ huynh không có sự lựa chọn, phải “cắn răng” mua. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cấm ép buộc mua thêm sách bổ trợ, tham khảo dưới mọi hình thức

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều công văn chỉ đạo về việc thực hiện sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy trong trường học.

Tại Công văn số 6631/BGDĐT-GDTrh về việc sử dụng sách giáo khoa phổ thông và tài liệu giảng dạy, học tập và nhiều văn bản khác đề nêu rõ, các cơ quan quản lý giáo dục, các trường không được bắt buộc học sinh mua sách tham khảo, sách bổ trợ dưới mọi hình thức.

Các đơn vị có liên quan phải thông báo rõ điều này cho giáo viên, học sinh và gia đình học sinh biết.

Tại Điều 28 Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT cũng quy định rõ, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Nhưng thực tế, như phụ huynh phản ánh, họ bị thiếu thông tin và nhà trường không nói rõ đâu là sách bắt buộc, đâu là sách tự chọn, tham khảo để phụ huynh được biết.

Lỗi này hoàn toàn thuộc về cơ sở giáo dục

Nguyên nhân được cho là do nhà trường, đơn vị phát hành không biết vô tình, hay hữu ý đã không giải thích rõ cho phụ huynh. Khi phát hành đến các trường học, đơn vị phát hành thường bán sách theo cả “combo”, gồm cả sách giáo khoa, sách bổ trợ, đến đủ loại đồ dùng học tập.

Việc bán sách theo “combo” kiểu này, khiến giá mỗi bộ sách bị đội lên cao, mà phụ huynh không có sự lựa chọn, phải “cắn răng” mua.

Thực tế hiện nay các đơn vị phát hành thường chiết khấu phần trăm hoa hồng cho nhà trường khi phát hành sách, chính vì vậy đơn giá trên mỗi bộ sách càng cao, tương đương với số tiền hoa hồng nhận được càng lớn.

Vì vậy, các trường cũng “nhiệt tình” trong việc giúp các đơn vị phát hành bán sách đến phụ huynh.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo cho rằng: “Lỗi này hoàn toàn thuộc về cơ sở giáo dục vì hầu như các phụ huynh tin đều có tâm lý tin tưởng nhà trường, tâm lý sợ con không có sách sẽ thua kém bạn bè.

Đa số cha mẹ học sinh đều đáp ứng các yêu cầu mua sắm mà giáo viên đưa ra. Số ít có thắc mắc nhưng cũng ngại "đi đến cùng" vì lo lắng con mình bị trù dập”.

Chuyên gia này cho rằng: “ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xử nghiêm việc nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách bổ trợ, tham khảo ngay từ những trường hợp đầu tiên, nếu không muốn ảnh hưởng việc thực hiện chương trình mới.

Năm nay là năm đầu tiên thực hiện đổi mới sách giáo khoa nên việc tạo lòng tin trong xã hội rất quan trọng.

Vậy nên việc bán sách tham khảo kèm theo sách giáo khoa trong các nhà trường với việc đưa thêm cả chục đầu sách nhập nhèm gây hiểu lầm để phụ huynh phải mua là điều không thể chấp nhận.

Để xảy ra tình trạng này, chắc chắn phải có chỉ đạo từ các phòng giáo dục xuống trường. Điều này không bình thường, không đúng tinh thần của ngành giáo dục”.

Ông Vinh nhấn mạnh: “Lợi ích ai được hưởng? Trong nền kinh tế thị trường, các nhà xuất bản làm sách đều cần tung ra thị trường, tìm cách tăng doanh số.

Nhưng không thể đưa vào các trường giới thiệu, bởi sự giới thiệu xưa nay gần như ép buộc. Phụ huynh thường yếu thế hơn trong mối quan hệ với nhà trường. Đa số cha mẹ học sinh đều đáp ứng các yêu cầu mua sắm mà giáo viên đưa ra mặc dù không muốn”.

Tài liệu tham khảo:

[1] [2] https://vov.vn/xa-hoi/tieu-hoc-khong-nen-co-sach-tham-khao-780843.vov

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Theo quy định, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục 2018 có 8 cuốn bắt buộc và một môn tự chọn.

Các cuốn sách giáo khoa bắt buộc gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật. Môn tự chọn là sách Tiếng Anh.

Ngoài các cuốn sách giáo khoa chính thức như ở trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu, có quyền tự chọn, không bắt buộc”.

Tùng Dương