Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại bậc tiểu học đối với lớp 1. Năm nay học sinh lớp 1 học sách giáo khoa mới do Hội đồng giáo dục của mỗi trường lựa chọn trong số những bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thay vì chỉ có một bộ sách như trước đây.
Chương trình mới cho phép các trường chọn lựa các bộ sách gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống.
Sau một tháng triển khai chương trình, hiện nay trên nhiều diễn đàn, các bậc phụ huynh bày tỏ lo lắng về cách dạy và học của học sinh lớp 1 trong đó có những ý kiến cho rằng hiện nay chương trình lớp 1 nặng.
Về luồng ý kiến này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia từng công tác tại Viện khoa học giáo dục Việt Nam đề nghị không nêu tên, cho biết:
“Thấy khó học một chút lại đổ cho chương trình nặng là không đúng.
Bởi lẽ, trong học tập không chỉ có chương trình, sách giáo khoa mà khi thầy dạy không ra gì khiến trò học không ra gì thì mới sinh ra nặng nề bởi lẽ sách giáo khoa cũ đã tồn tại 20 năm nên giáo viên quen với cách dạy cũ. Hơn nữa, phụ huynh muốn con học thật nhanh, thật giỏi sẽ rất áp lực đối với trẻ.
Chính vì vậy khi thay đổi cách dạy, đổi mới phương pháp thì người thầy không thể không gặp những thách thức, khó khăn ban đầu nhưng không thể vì thế mà kết luận chương trình nặng là không ổn”.
Thậm chí vị này còn gợi lại, cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 được đưa vào giảng dạy đại trà từ năm học 2002 - 2003 đã tạo ra một cuộc tranh cãi nảy lửa của các nhà khoa học, các nhà giáo và đông đảo phụ huynh bởi cho dạy chữ e trước chữ a, đã làm xáo trộn toàn bộ trật tự bảng mẫu tự chữ cái La-tinh của chữ quốc ngữ truyền thống.
Tuy nhiên, kể từ đó đến hết năm học 2019-2020 thì thầy vẫn dạy, trò vẫn học vẫn học bình thường và rất ổn.
Ảnh minh họa: Thùy Linh |
Nghiên cứu kỹ chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cũng từng là tác giả viết sách giáo khoa tiếng Việt, một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) nhận thấy:
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình tổng thể và Chương trình môn học có hệ thống và bắt đầu tương thích với các Common Core Standard của các quốc gia trong khu vực và thế giới. Trong khi chương trình môn Tiếng Việt đi đúng các giai đoạn phát triển của trẻ và chỉ nhích hơn so với tiến độ bố trí âm/vần của phần Học vần trong sách cũ một chút do đó nói chương trình nặng là không đúng”.
Theo vị này, cách thể hiện chương trình trong sách giáo khoa mới là vấn đề đáng thảo luận bởi lẽ khi đưa vào sách giáo khoa đòi hỏi phải cực kì chuẩn mực, phải cân đối các yếu tố: nội dung dạy học (ngôn ngữ tiếng Việt, các đề tài, thể loại), mục tiêu dạy học (kĩ năng đọc, viết, nói, nghe), mục tiêu giáo dục: giáo dục đạo đức, thẩm mỹ...
Nói về “sạn” của sách tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều, vị này cho rằng: “Cái dở của ngữ liệu là nếu sách có quá nhiều ngụ ngôn về loài vật, điều này mới nhìn thì có vẻ thú vị nhưng nhiều sẽ loạn và khi đó không cân đối các thể loại văn bản: thơ, truyện, văn bản thông tin, văn bản khoa học (thường thức, ngắn gọn thôi), giao tiếp hằng ngày và không đa dạng hóa được các đề tài, chủ đề.
Bởi lẽ ngụ ngôn nó chỉ có tập trung vào được một số vấn đề và trong đó có bài học nhưng là những bài học liên quan nhiều đến người lớn hơn là trẻ con. Ngụ ngôn luôn có tính răn dạy nhưng ngôn ngữ của nó không thể chuẩn mực được, không những thế lại bị gò theo âm/ vần thành ra rất lủng củng”.
Dù có nhiều ý kiến khác nhau về độ “nặng, nhẹ” của chương trình lớp 1 nhưng theo lãnh đạo nhiều trường, muốn có một khởi đầu tốt với học sinh thì giáo viên lẫn phụ huynh phải rất bình tĩnh bởi lẽ năm học 2020-2021 có nhiều điểm đặc biệt so với năm học trước.
Bởi đây là năm đầu tiên áp dụng thay sách giáo khoa mới đối với lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa, trước khi bước vào lớp 1 trẻ có thời gian dài ở nhà nghỉ phòng dịch Covid-19 nên phần nào ảnh hưởng đến sự chuẩn bị cho năm học mới. Đặc biệt, có thể nhiều phụ huynh đã quen việc kèm con học ở nhà với sách giáo khoa cũ nên nay lại “bỡ ngỡ” với sách giáo khoa mới.