LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Thạc sĩ ngôn ngữ học Phan Thế Hoài về những vấn đề ông cho là bất cập trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều.
Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các bài viết phân tích, phản biện các nội dung trên từ các nhà giáo và những ai quan tâm, trăn trở về giáo dục, đặc biệt là từ chính các tác giả sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều, ngõ hầu làm sáng tỏ các vấn đề mà dư luận quan tâm. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Chúng tôi thống kê những từ khó hiểu trong sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều (tập 1) của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) - Hoàng Hòa Bình – Nguyễn Thị Ly Kha – Lê Hữu Tỉnh biên soạn do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành (2020).
Theo đó, cuốn sách này (tham khảo bản điện tử ở tài liệu đính kèm số 3) có một số hạn chế về mặt từ ngữ có thể liệt kê như sau.
“Lồ ô” (trang 23), từ này kể cả người lớn hay những người ở vùng đồng bằng, thành thị cũng chưa chắc đã biết. “Lồ ô là một loài tre, mọc thành từng bụi, được dùng làm thực phẩm và dùng cho các công trình xây dựng tạm thời” (từ điển).
“Pi-a-nô” (trang 44) là một loại nhạc cụ rất xa lạ với học sinh vùng nông thôn, miền núi hay vùng sâu vùng xa nên chưa cần thiết phải đưa vào sách lớp 1.
“Gà ri” (trang 47) sách minh họa là một con gà mái mẹ màu vàng, có thân hình to béo. Đúng ra “gà ri” phải là giống gà có “thân hình nhỏ bé, chân ngắn…” (từ điển).
“Sẻ ca ri ri” (trang 49) mô phỏng tiếng kêu của chim sẻ chưa đúng. Chim sẻ sống khắp nơi, đặc biệt chúng thích sống và làm tổ trên mái nhà, trên cánh đồng lúa. Khi bay loài chim sẻ phát ra tiếng kêu có phần sắc nhọn “tít- tít”. [1]
(Ảnh chụp màn hình bản điện tử sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều) |
“Nó (sư tử) ngó chó xù. Mi mà là sư tử à” (trang 57). “Nhà ve chả có gì” (trang 69). “Cò chả đáp gì” (trang 79).
“Ngó” (nhìn) là phương ngữ miền Nam; “mi” – ngôi thứ hai số ít, cùng nghĩa với từ “mày” là phương ngữ miền Trung; “chả” (chẳng) là phương ngữ miền Bắc.
“Má ở thị xã về” (trang 64). “Má” là phương ngữ miền Nam, từ phổ thông phải là “mẹ”.
“Chị hứa tìm dép hộ em mà”. “Hộ” phương ngữ miền Bắc – có nghĩa là giúp, giùm (giúp đỡ).
“Thì ra quạ sắp chộp gà nhép” (trang 95). “Chộp” là phương ngữ miền Nam, trong khi đó từ thường dùng là “tóm”, “vồ”.
“Chó nghĩ kế cuỗm khổ mỡ”… “Chó tợp mỡ tha đi”. “Cuỗm” (thông tục) - chiếm lấy và mang đi một cách nhanh gọn (từ điển). Còn “tợp” (khẩu ngữ), có nghĩa là đớp nhanh lấy (từ điển).
“Hà của bà ngộ quá” (trang 97). “Ngộ” là (khẩu ngữ) - hơi có vẻ khác lạ, gây được sự chú ý, thường là làm cho thấy hay hay, có cảm tình (từ điển).
“Rô con vọt lên bờ” (trang 125). “Vọt” là phương ngữ miền Nam, miền Trung (nhảy nhanh) cũng xa lạ với học sinh miền Bắc.
(Ảnh chụp màn hình bản điện tử sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều) |
Sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 phải sử dụng từ phổ thông (từ toàn dân) thì học sinh mới hiểu được. Đành rằng học sinh cần biết phương ngữ để hiểu hơn về sự đa dạng của ngôn ngữ cũng như văn hóa vùng miền, nhưng lớp 1 thì không cần thiết.
“Dưa đỏ” (trang 58) minh họa quả dưa được cắt ra có màu đỏ, nhưng đúng ra tên gọi phải là “dưa hấu” mới chính xác.
“Nó (thỏ) la cà nhá cỏ, nhá dưa” (trang 61). Thỏ thì ăn cỏ vì cỏ mềm, không phải vật dai, cứng, khó ăn đến mức phải “nhá”. Chưa kể, thức ăn (thường xuyên) của thỏ có phải là dưa hay không, cũng là một điều cần được quan tâm.
“Quả trám” là một loại quả có nhiều ở vùng trung du miền núi phía Bắc, cũng rất hiếm người biết, nếu không phải là người dân địa phương ở vùng đó.
“Gà nhép” (trang 75) là tên một loại gà rất xa lạ. Gọi là “gà nhép” vì loại này chỉ có cân nặng 1,2 -1,8 kg khi xuất bán. Nó có hình dáng gần với gà ri lai, chân vàng, mỏ vàng, lông vàng óng và thời gian nuôi chỉ từ 2,5 – 3 tháng. [2]
(Ảnh chụp màn hình bản điện tử sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều) |
“Gà nhí nằm mơ” (trang 83). “Rùa nhí tìm nhà” (trang 91). Cách nói “gà nhí” hoàn toàn xa lạ với người Việt – thay vì “gà con”. Tương tự “rùa nhí” cũng vậy.
“Vì cố quá lừa ngã ra bờ cỏ, thở hí hóp”. “Thở hí hóp” là thở mệt nhọc, yếu ớt như sắp hết hơi. Tuy nhiên cách nói này hiếm khi dùng nên học sinh khó hiểu “thở hí hóp” là thở như thế nào.
“Đôn” (trang 126) minh họa là vật hình tròn, có chân, làm bằng gỗ cũng không đúng với nghĩa từ điển. “Đôn” đồ dùng bằng sành, sứ hay gỗ quý, không có chân đứng, thường để bày chậu cảnh hoặc để ngồi (từ điển).
“Chuột út buồn lũn cũn đi ra sân” (trang 133). Người ta thường nói, chuột chạy, chuột bò… chứ không ai nói “chuột lũn cũn đi” cả. Cách miêu tả này tối nghĩa, bởi “lũn cũn” (tính từ - khẩu ngữ), chỉ dáng đi có những bước ngắn và nhanh như bước đi của trẻ con (từ điển). Ví dụ: Bé lũn cũn bước theo bà.
“Cá măng lạc mẹ” (trang 143). “Cá măng” đến người lớn cũng có thể không biết thì rõ ràng từ này gây khó cho học sinh lớp 1.
“Xe điện, xe téc lo lắng nhìn” (trang 147). Người ta thường nói “xe bồn” hay “xe chở xăng dầu” và rất hiếm khi nói xe téc (đúng ra phải là xe xi-téc).
(Ảnh chụp màn hình bản điện tử sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều) |
Ngày 7/10/2020, trả lời Báo Giáo dục và Thời đại, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều nói đại ý, nếu giáo viên, phụ huynh nóng vội, “đốt cháy” giai đoạn khi dạy học sinh lớp 1, có thể dẫn đến tình trạng quá tải, trẻ không tiếp thu, không làm được bài, thậm chí còn gây áp lực tâm lý, khiến cho trẻ sợ học. [4]
Thế nhưng, như những gì chúng tôi đã phân tích ở trên thì rõ ràng việc học sinh lớp 1 khó tiếp thu nội dung bài học là do một phần cuốn sách này dùng nhiều phương ngữ, từ ngữ xa lạ kể cả dùng từ tối nghĩa – chứ không phải do giáo viên hay phụ huynh nóng vội đốt cháy giai đoạn.
Trước đó, ngày 5/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục, để không gây quá tải về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục.
Cùng với đó, phải giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Ngoài ra, cần tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp. [5]
Chúng tôi nhận thấy, Bộ đã lắng nghe ý kiến của giáo viên, phụ huynh phản ánh về việc chương trình lớp 1 bất cập và đưa ra những quyết sách chỉ đạo nhằm ổn định việc dạy và học ở thời điểm này là đúng đắn, kịp thời.
Tuy vậy, những chỉ đạo như thế này mới chỉ nằm ở phần “ngọn” nên khó lòng một sớm một chiều có thể cải thiện được những bất cập ở chương trình sách giáo khoa lớp 1 (Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều).
Theo ý kiến của chúng tôi, Bộ nên tổ chức hội thảo về cuốn sách này để đánh giá lại những ưu khuyết một cách nghiêm chỉnh – tức là làm lại từ “gốc”.
Và nhất là Bộ cần lắng nghe những ý kiến phản biện của giáo viên, phụ huynh, dư luận để có giải pháp căn cơ nhằm sớm ổn định việc học cho học sinh lớp 1.
Tài liệu tham khảo:
[1] //convat.net/chim-se/#Tieng_chim_se_hot_nhu_the_nao
[2] //khoahocphattrien.vn/dia-phuong/ky-thuat-nuoi-ga-nhep-cho-thu-nhap-hang-tram-trieu/20170126054344502p1c937.htm#:~:text=G%E1%BB%8Di%20l%C3%A0%20G%C3%A0%20Nh%C3%A9p%20v%C3%AC,2%2C5%20%E2%80%93%203%20th%C3%A1ng.
[3]//sachcanhdieu.com/product/tieng-viet-1-tap-mot/?fbclid=IwAR3yaYoDGsbPBuL_APepbccgy6MgO66CpaFyjJ5k-Cst3OUajtiqmYfHXxI#page/176
[4] //giaoducthoidai.vn/giao-duc/khong-the-dot-chay-giai-doan-khi-day-hoc-sinh-lop-1-I4wXVZcMR.html
[5] //thanhnien.vn/giao-duc/bo-gd-dt-yeu-cau-khong-gay-qua-tai-voi-hoc-sinh-lop-1-1287581.html