Theo lộ trình, năm học 2021-2022 thì ngành Giáo dục sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2 và lớp 6 trên cả nước.
Tuy nhiên, nhìn vào sự cố sách giáo khoa lớp 1 ở năm học này nên việc triển khai thực hiện chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới vẫn còn rất nhiều những băn khoăn. Vì thế, Bộ cần phải có những kịch bản, những phương án khả thi nhất cho năm học tới đây.
Nếu cần thiết, Bộ nên chủ trương đề nghị với Chính phủ xin tạm dừng việc triển khai chương trình mới đối với lớp 2 và lớp 6 để hạn chế tối đa sự rủi ro và tránh gây tốn kém cho xã hội.
Sách Tiếng Việt lớp 1 (Cánh Diều) phải điều chỉnh một số nội dung (Ảnh: sachcanhdieu.com) |
Hãy nhìn từ sự cố sách Cánh Diều
Việc Bộ Giáo dục vừa yêu cầu đơn vị chủ quản sách Cánh Diều điều chỉnh nội dung không phù hợp trong sách giáo khoa Tiếng Việt là một sự cố cực kỳ đáng tiếc và gây lãng phí vô cùng cho xã hội.
Bởi, năm học 2020-2021 này thì số lượng các trường học ở các địa phương sử dụng sách Cánh Diều là rất lớn (gần 40%) so với các bộ sách còn lại.
Theo nguồn trích dẫn của Báo Tiền Phong vào thời điểm tháng 5/2020 đã cho thấy sách Cánh Diều được nhiều địa phương, trường học lựa chọn. Chỉ với hơn 20 tỉnh đầu tiên, các đơn vị làm bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã phải chuẩn bị cung ứng tới 3.000.000 bản sách.
Nhiều địa phương có tỉ lệ chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều rất cao: 100% các trường ở tỉnh Long An chọn toàn bộ 9 quyển sách giáo khoa Cánh Diều.
Ở tỉnh Phú Thọ, 100% các trường chọn sách giáo khoa 4 môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất.
Tỉnh Thái Nguyên có 100% các trường chọn sách giáo khoa 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội. Ở tỉnh Nam Định có 100% các trường chọn sách giáo khoa 2 môn: Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội.
Tỉ lệ chọn sách giáo khoa Cánh Diều tính theo số học sinh ở nhiều tỉnh khác cũng rất cao: Tây Ninh số trường chọn mônTiếng Việt là 99%; Tiền Giang chọn môn Tiếng Việt là 77%; Thái Bình chọn môn Tiếng Việt là 77,4%; Tỉnh Hậu Giang chọn môn Tiếng Việt với tỉ lệ 77%...
Ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Phú Yên… tỉ lệ chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều cũng rất cao…”.
Như vậy, với việc Bộ yêu cầu phải điều chỉnh nội dung không phù hợp trong sách giáo khoa Tiếng Việt thì 3 đơn vị làm sách Cánh Diều là Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tới đây chắc sẽ vất vả rất nhiều.
Sự vất vả không chỉ đơn thuần là việc in ấn những nội dung điều chỉnh mà còn kéo theo sự tốn kém về tiền bạc, thời gian, công sức.
Việc tốn kém không chỉ đối với các nhà xuất bản mà những địa phương, trường học dạy sách Tiếng Việt (Cánh Diều) còn phải hướng dẫn cho giáo viên “thêm bớt” những đơn vị kiến thức.
Giáo viên lại hướng dẫn cho học sinh những nội dung điều chỉnh mà đối tượng là học sinh lớp 1- đây thực sự là điều không hề dễ dàng chút nào.
Rõ ràng, hậu quả của ngày hôm nay là sự tắc trách của nhiều khâu mà trong đó có sự chủ quan của Bộ, của các tác giả viết sách giáo khoa, các đơn vị xuất bản và hội đồng thẩm định sách giáo khoa.
Nên lùi lại thời gian thực hiện chương trình mới ở lớp 2, lớp 6 là cần thiết
Nếu lùi lại thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 ở năm học tới đây có lẽ nó sẽ kéo theo rất nhiều điều phức tạp khi Bộ phải xin chủ trương, giải trình…
Nhưng, dù có khó khăn trong việc này cũng sẽ còn tốt hơn nhiều vì nếu thực hiện chương trình mới đối với lớp 2, lớp 6 ở năm học tới đây cũng rất khó tránh khỏi những hạn chế như lớp 1 ở năm học này.
Bởi vì khâu thực nghiệm chương trình môn học không được nhiều, sách giáo khoa thì càng ít hơn.
Nhiều giáo viên vẫn còn rất lơ mơ đối với chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo viên dưới cơ sở nhiều người hiện nay vẫn chưa rõ về chương trình tổng thể, chương trình môn học bởi lâu nay họ vẫn xem sách giáo khoa là pháp lệnh…
Việc Bộ để các nhà xuất bản tự thực nghiệm, bỏ kinh phí để tập huấn cho giáo viên dù có những ưu điểm là các tác giả viết sách trực tiếp về các địa phương nhưng nó cũng có nhiều hạn chế.
Các nhà xuất bản họ phải đặt lợi nhuận lên trên hết nên khâu tập huấn chưa được nhiều, đó là chưa kể việc nhiều tác giả đến các địa phương dành nhiều thời gian quảng bá cho bộ sách của mình.
Bộ phải xắn tay vào các công việc quan trọng, đặc biệt là khâu dạy thực nghiệm, tập huấn cho giáo viên bởi nói gì thì nói, sang năm học tới đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều ở năm học này.
Lớp 6 có thêm 2 môn học tích hợp, giáo viên thì được đào tạo đơn môn, bây giờ dạy liên môn là điều không hề dễ dàng đối với phần lớn nhà giáo dạy các môn học tích hợp.
Nếu chưa chuẩn bị chu đáo mà vẫn thực hiện theo lộ trình thì những hệ lụy sẽ vô cùng lớn. Hàng triệu học sinh phải học đối với một sản phẩm sách giáo khoa mới…mà (nếu như) phải điều chỉnh như sách lớp 1 năm nay thì khó khăn vô cùng.
Vì thế, dù lộ trình dạy chương trình lớp 2, lớp 6 có chậm lại 1 năm thì Bộ cũng nên dạy thực nghiệm trên diện rộng, tập huấn kĩ càng cho giáo viên rồi hãy thực hiện dạy đại trà.
Nếu không, bài học về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm nay sẽ tiếp tục được lặp lại…