Sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6 có lặp lại vết xe đổ Tiếng Việt 1 Cánh Diều?

17/10/2020 08:29
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi cho rằng nếu Bộ Giáo dục vẫn giữ cách làm như hiện nay thì sẽ khó tránh khỏi những sai sót, hạn chế như sách giáo khoa lớp 1 của năm học này.

Việc sách giáo khoa Tiếng Việt (Cánh Diều) phải điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp là điều tất yếu bởi sách đã có rất nhiều những ngữ liệu, từ ngữ không chuẩn mực.

Song, vấn đề đặt ra là những năm tới đây thì các bộ sách cho các lớp còn lại có rơi vào trường hợp tương tự như lớp 1 năm nay hay không?

Bởi, những bộ sách giáo khoa tiếp theo vẫn là những tác giả này và nếu các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa vẫn là những con người cũ.

Hơn nữa, cách làm của Bộ vẫn khiến cho dư luận băn khoăn vì chỉ khi sự việc xảy ra rồi, dư luận nói rát quá thì Bộ mới ra công văn chỉ đạo sửa đổi. Nhưng, hậu quả thì không hề nhỏ mà bộ sách giáo khoa lớp 1 năm nay là một minh chứng rõ ràng nhất.

Sách Tiếng Việt (Cánh Diều) có nhiều sai sót, hạn chế (Ảnh: sachcanhdieu.com)

Sách Tiếng Việt (Cánh Diều) có nhiều sai sót, hạn chế (Ảnh: sachcanhdieu.com)

Nếu Bộ vẫn giữ cách làm như hiện nay…

Không phải bây giờ mà ngay từ khi chương trình tổng thể được thông qua, chủ trương của Bộ không thực nghiệm đại trà đã bị dư luận lên tiếng, góp ý nhưng lãnh đạo Bộ vẫn để ngoài tai, các tác giả chương trình, sách giáo khoa vẫn tự tin với cách làm của mình.

Giáo viên bước vào giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới mà nhiều người còn chưa hiểu chương trình tổng thể, chương trình môn học là gì…

Sách giáo khoa lớp 1 năm nay được thẩm định, phê duyệt muộn, sách lại chủ yếu bán theo đăng ký của nhà trường nên mãi khi gần bước vào năm học mới thì sách giáo khoa mới đến tay giáo viên. Sách giáo viên thì mãi gần cuối tháng 9 mới về đến các nhà trường.

Đa phần giáo viên chính thức bước vào giảng dạy chương trình mới chỉ được tập huấn trực tiếp…1 ngày/ môn, có môn chỉ được nửa ngày.

Nhưng, trong một buổi hay một ngày ít ỏi đó đâu phải được trọn vẹn bởi đa phần các buổi tập huấn có sớm thì 7h30 mà thường là 8h sáng mới bắt đầu làm việc. Thế nhưng, còn thêm các thủ tục giới thiệu, chào hỏi, người tập huấn giới thiệu bản thân, giới thiệu bộ sách của mình…

Khoảng thời gian ít ỏi đó để để giáo viên làm quen, để tiếp cận cả chương trình, mục tiêu, phương pháp, nội dung sách giáo khoa…là điều không thể.

Phải nói thẳng ra là phần lớn giáo viên bị động khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Nếu giáo viên nào siêng đọc báo còn nắm được chút ít, những giáo viên ít đọc thì có lẽ chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm nay hoàn toàn mới mẻ.

Bây giờ, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 của chương trình mới đang trong quá trình thẩm định.

Theo ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thì Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 của chương trình giáo dục phổ thông mới đã hoàn thành việc thẩm định vòng 1.

Và, việc thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6).

Như vậy, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 có sớm thì cũng phải đầu năm 2021 thì Bộ mới có thể phê duyệt được vì thẩm định xong rồi thì các nhà xuất bản còn phải chỉnh sửa, bổ sung so với nội dung bản mẫu.

Từ thời điểm Bộ phê duyệt sách đến đầu năm học 2021-2022 tới đây là khoảng thời gian cực kỳ ít ỏi để các nhà xuất bản in ấn, phát hành sách chính thức đến các địa phương, các nhà trường.

Bộ sẽ tập huấn ra sao cho giáo viên đứng lớp bởi trong khoảng thời gian của năm học thì việc điều động giáo viên đi tập huấn sẽ rất khó khăn?

Trong khi, lớp 6 của năm học tới sẽ có 2 môn học tích hợp được triển khai, thực hiện.

Vì thế, nội dung các bộ sách giáo khoa viết như thế nào cũng rất khó đến được với giáo viên để họ góp ý trước khi phát hành đại trà.

Ngay như bây giờ, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 như thế nào thì ngoài các nhà xuất bản, Hội đồng thẩm định ra thì cũng không ai biết nó có hình thù ra làm sao.

Điều đáng suy ngẫm nhất là Hội đồng thẩm định sách giáo khoa các môn học vẫn cơ bản là những người đã thẩm định sách lớp 1 vừa qua.

Nhưng, cứ nhìn vào các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (Cánh Diều)- 15 thành viên thẩm định đều bỏ phiếu “đạt” nhưng dù được đồng thuận tuyệt đối mà chỉ sau 5 tuần giảng dạy thì Bộ phải yêu cầu điều chỉnh một số nội dung trong sách.

Liệu những thành viên này thẩm định sách Tiếng Việt lớp 2, sách Ngữ văn lớp 6 tới đây có đi vào vết xe cũ?

Muốn thành công cho chương trình, sách giáo khoa mới của các lớp còn lại phải thay đổi cách làm

Chúng tôi cho rằng nếu Bộ vẫn giữ cách làm như hiện nay thì sẽ khó tránh khỏi những sai sót, hạn chế như năm học này. Vì thế, Bộ cần phải có những hướng đi phù hợp hơn.

Thứ nhất, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới cần nhanh chóng được đăng tải trên các địa chỉ website của Bộ và Bộ cần lên tiếng để đội ngũ giáo viên, chuyên gia trên cả nước cùng “nhặt sạn”.

Các bộ sách của các năm còn lại cũng cần làm tương tự nhưng phải sớm hơn, chứ không thể cận năm học thì mới phê duyệt sách rồi vội vàng áp dụng…

Thứ hai, khi lựa chọn những thành viên vào Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cần ưu tiên nhiều cho đội ngũ giáo viên phổ thông đang trực tiếp dạy lớp.

Hạn chế tối đa những chuyên gia đã từng là đồng chủ biên sách giáo khoa năm 2000 với các tác giả sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cứ nhìn vào Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 vừa qua sẽ thấy những gương mặt thân quen, họ đã cùng nhau làm chủ biên sách giáo khoa theo chương trình 2000 thì khó tránh khỏi những nể nang khi đánh giá, nhận xét…

Thứ ba là Bộ cần chủ trương dạy thực nghiệm thêm các đơn vị kiến thức ở các lớp còn lại để tránh những hạn chế như sách lớp 1. Đồng thời, khuyến khích giáo viên nói thật, thậm chí lập hẳn 1 email riêng để nghe những lời góp ý thật sau khi thực nghiệm.

Đồng thời, Bộ cũng cần thiết bám sát việc thực nghiệm, không nên khoán trắng cho các nhà xuất bản như thời gian qua.

Thứ tư là Bộ và cơ quan chủ quản, các tác giả sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (Cánh Diều) cần dũng cảm nhận trách nhiệm và xin lỗi giáo viên, phụ huynh, học sinh lớp 1 khi để xảy ra sự cố ở ngay đầu năm học này.

Đồng thời, đơn vị chủ quản sách Cánh Diều phải chịu hoàn toàn kinh phí để các trường học in ấn những nội dung điều chỉnh cuốn sách này và phát cho giáo viên, học sinh ở các trường dạy sách Cánh Diều.

Một lời nhận trách nhiệm và xin lỗi không khó nhưng ít nhất nó sẽ xoa dịu được những bất bình của nhiều người hiện nay.

THANH AN