Bộ ở xa quá, dưới cơ sở giáo viên vẫn bị trói chặt bằng hồ sơ, sổ sách

27/10/2020 06:07
KIM OANH
GDVN- Giáo viên cứ phải thực hiện những điều vô lý mà không thực hiện thì bị ghi biên bản lưu vào hồ sơ cá nhân và những hồ sơ này sẽ đi theo giáo viên mãi mãi về sau!

Chúng ta đã nghe nói rất nhiều về việc giao quyền chủ động cho giáo viên trong quá trình giảng dạy nhưng làm sao giáo viên chủ động được khi mà hiện nay có nhiều những ràng buộc từ các cấp quản lý.

Giáo viên tự chủ làm sao khi mà ngay cả chuyện soạn giáo án cũng phải bắt buộc thực hiện theo mẫu của Hội đồng bộ môn, nhà trường và tổ chuyên môn quy định?

Chính vì thế, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng phải tuân theo những kiểu “đồng phục” bởi chỉ cần khác đi một chút là bị góp ý, ghi biên bản trong các lần kiểm tra nội bộ của nhà trường hay mỗi khi có thanh tra chuyên môn về trường.

Một số nhà trường vẫn "trói" giáo viên bằng những loại hồ sơ sổ sách vô bổ (Ảnh minh họa: vtv.vn)

Một số nhà trường vẫn "trói" giáo viên bằng những loại hồ sơ sổ sách vô bổ

(Ảnh minh họa: vtv.vn)

Có những kiểu đồng phục và bắt lỗi lạ đời

Việc soạn giáo án giảng dạy hiện nay ở một số trường học vẫn rất nhiêu khê khi mà Ban giám hiệu, hội đồng bộ môn và tổ chuyên môn đưa ra những quy định lạ đời, không hề có trong bất kỳ quy định, hướng dẫn nào hết.

Giáo án phải soạn số cột theo quy định của Ban giám hiệu nên cả trường phải thống nhất soạn 2 cột hoặc 3 cột theo chỉ đạo của nhà trường.

Soạn khác đi, có nghĩa là làm sai, khi tổ trưởng chuyên môn, phó hiệu trưởng chuyên môn duyệt giáo án hay kiểm tra chuyên đề là đương nhiên giáo viên bị bắt lỗi.

Đầu giáo án mỗi bài học phải ghi đầy đủ ngày soạn, ngày dạy cụ thể từng lớp nên nhiều giáo viên dạy nhiều lớp/ khối phải ghi một hàng dài dằng dặc về ngày mấy dạy lớp này, ngày mấy dạy lớp kia…

Các hoạt động trên giáo án cũng phải thể hiện đồng nhất với nhau. Cho dù chương trình VNEN đã âm thầm dừng lại, nhưng nhiều trường học vẫn bắt giáo viên phải soạn theo 5 bước của VNEN.

Vì thế, cho dù nhiều khi giáo viên dạy 2 tiết liên tục trong một lớp nhưng đầu bài học vẫn phải có phần “khởi động” đứng ở phần đầu giáo án.

Khi giáo viên bị dự giờ, nhất là các tiết thi giáo viên giỏi mà dạy khác giáo án thì đương nhiên là bị góp ý.

Nhưng trong thực tế giảng dạy, giáo án chỉ là phần cứng cho bài học, còn khi dạy cho học trò người thầy phải linh hoạt với từng đối tượng học sinh của từng lớp để có thể thêm bớt cho phù hợp.

Miễn sao mục tiêu cần đạt của bài học đạt được thì tiết học đó đã thành công rồi nhưng nhiều lãnh đạo, các thành viên hội đồng bộ môn hay giám khảo cuộc thi vẫn bắt lỗi như thường.

Năm nay, Bộ đã ra hướng dẫn tinh giản rất nhiều bài học đối với tất cả các môn nên ngoài những bài học chính khóa có cả những bài đọc thêm, tự học có hướng dẫn, khuyến khích học sinh tự học, học sinh tự đọc…

Nhưng, ngay cả những bài “khuyến khích học sinh tự học; học sinh tự đọc…” thì giáo viên cũng được yêu cầu soạn giáo án như thường!

Khi giáo viên giảng dạy bằng công nghệ thông tin thì đã lồng ghép nội dung bài học, tranh, phim ảnh nhưng trong sổ thiết bị nhà trường vẫn bắt buộc phải ký mượn tranh ảnh…cho dù giáo viên không hề mượn.

Bởi, trường chỉ có một số tranh ảnh đã mua từ hàng chục năm trước, nhàu cũ thì mượn để làm gì khi mà thời đại Internet hiện nay chỉ cần vài thao tác là giáo viên có thể chọn những tranh ảnh phù hợp, đẹp mới chiếu cho học trò xem…

Nhiều trường học bây giờ đều trang bị ti vi ở các phòng học và do phụ huynh đóng góp mua cho trường, laptop thì của giáo viên mang đi dạy nhưng khi dạy thì bắt buộc phải ghi tên vào sổ đăng ký dạy công nghệ thông tin.

Những việc tưởng chừng chẳng cần thiết phải ghi, phải phức tạp nhưng rồi giáo viên cứ phải làm cái việc thừa này. Không làm thì không được mà làm thì chẳng có tác dụng gì.

Nhưng không thực hiện là không được

Đầu năm học, các trường học thường tổ chức kiểm tra nội bộ về hồ sơ sổ sách của giáo viên. Vì thế, tất cả các kế hoạch, hồ sơ sổ sách của giáo viên được Ban giám hiệu và các thành viên là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn lật từng trang để kiểm tra.

Chỉ cần giáo viên soạn giáo án khác đi một chút là bị ghi biên bản. Các sổ thiết bị, sổ ứng dụng công nghệ thông tin mà chưa ghi cũng bị ghi vào biên bản.

Thậm chí, đầu năm thì giáo viên chưa dự giờ mà nộp mình cuốn sổ không cũng bị ghi biên bản.

Trong khi, nhà trường quy định về số tiết dự , số tiết ứng dụng công nghệ thông tin của mỗi giáo viên qua từng học kỳ…

Khi đã quy định bao nhiêu số tiết thì hết học kỳ nếu giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ thì ghi đã đành. Đằng này, mới đầu năm học là nhà trường đã “ra quân” hạch sách đủ điều.

Điều đáng nói nữa là trong kế hoạch giáo dục, giáo án của giáo viên thì đã có phần sử dụng đồ dùng dạy học rồi nhưng một số trường học vẫn bắt buộc giáo viên phải ghi vào sổ theo dõi sử dụng của thiết bị.

Rất khó để người thầy tự chủ trong chuyên môn khi mà nhà trường vẫn nặng nề về hồ sơ sổ sách, hành chính.

Giáo viên cứ phải thực hiện những điều vô lý mà không thực hiện thì bị ghi biên bản lưu vào hồ sơ cá nhân và tất nhiên những hồ sơ này sẽ đi theo giáo viên mãi mãi về sau.

Bộ muốn giải phóng cho giáo viên nhưng Bộ ở xa quá nên giáo viên dưới cơ sở vẫn áp lực về những hồ sơ sổ sách, vẫn phải thực hiện “đồng phục” những giấy tờ vô bổ nhưng có nói, có ý kiến cũng chẳng có ích gì.

Vì thế, áp lực vẫn bủa vây mà áp lực này đáng ra không cần có, không cần thiết nhưng nó vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác.

KIM OANH