Ngay từ những ngày đầu năm học này thì Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ra đời, thay thế cho Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 nên giáo viên đã hy vọng vào nhiều thay đổi.
Đặc biệt, giáo viên dạy lớp luôn hy vọng hồ sơ, sổ sách sẽ được giảm bớt hơn để giảm đi những áp lực không cần thiết nhưng xem chừng mọi thứ vẫn không có nhiều thay đổi.
Thậm chí, có những loại hồ sơ, sổ sách còn nhiêu khê và tốn kém hơn trước đây nhiều. Vì thế, dù Bộ đã có hướng dẫn về hồ sơ sổ sách, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử nhưng dưới cơ sở vẫn yêu cầu giáo viên làm những việc vô bổ, lãng phí.
Ảnh minh họa: Đỗ Quyên / GDVN. |
Giáo viên vẫn cứ phải hì hụi làm kế hoạch, in ra hoặc phải viết những hồ sơ, sổ sách mà thực ra nó không cần thiết phải làm.
Giáo viên phải làm và in hàng trăm trang Kế hoạch giáo dục
Theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thì tại Khoản 3, Điều 21, quy định các loại hồ sơ sổ sách của giáo viên như sau:
a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).
b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).
c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Nếu nhìn qua thì giáo viên không chủ nhiệm lớp có 3 loại, giáo viên kiêm công tác chủ nhiệm có 4 loại hồ sơ sổ sách nhưng thực tế nhiêu khê hơn nhiều.
Chỉ riêng Kế hoạch giáo dục thì giáo viên nhiều trường học phải làm hàng trăm trang giấy.
Trong đó, ngoài thông tin cá nhân, đặc điểm tình hình, các chỉ tiêu, mục tiêu thì giáo viên phải làm Khung giáo dục môn học- phần này chiếm số trang nhiều nhất.
Ở phần Khung giáo dục môn học thì ngoài số tiết, số tuần, tên bài học, nội dung giảm tải, hình thức dạy học, đồ dùng dạy học thì giáo viên phải đưa vào yêu cầu cần đạt- đây là mục giáo viên phải tốn công nhiều nhất và nó cũng vô lý nhất.
Mục yêu cầu cần đạt này có các phần kiến thức, kỹ năng, thái độ của mỗi bài học. Vì thế, mỗi bài học phải đưa vào hàng chục câu văn mới đầy đủ theo yêu cầu của cấp trên. Vậy nên, chỉ cần 2-3 tiết học là đã hết 1 trang giấy A4.
Trong khi, các môn học phổ thông thì môn Văn và Toán là có số tiết nhiều nhất. Chẳng hạn như ở cấp Trung học cơ sở thì 2 môn học này đều có 4 tiết/tuần. Riêng môn Ngữ văn lớp 9 có 5 tiết/ tuần nên môn học này có tổng cộng 175 tiết/ năm học.
Mỗi giáo viên Trung học cơ sở hiện nay đa số được phân công dạy 2 khối lớp. Vì thế, nếu giáo viên được phân công dạy Văn 9 và 1 khối lớp nữa (140 tiết) sẽ có tổng cộng 315 tiết/năm học.
Vì vậy, Kế hoạch giáo dục của giáo viên môn Ngữ văn lên hàng trăm trang giấy và tất nhiên giáo viên phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành được kế hoạch này.
Điều trớ trêu là trong giáo án mỗi bài học đã có phần yêu cầu cần đạt! Nhiều giáo viên nêu ý kiến là trong giáo án đã có rồi thì cớ gì phải đưa vào cả trong Kế hoạch giáo dục cho lãng phí thời gian và tốn tiền in cho giáo viên.
Nhưng, Ban giám hiệu nói đây là yêu cầu của Phòng Giáo dục nên trường không thể làm khác được- dù chúng tôi cũng thấy bất cập nhưng đã ý kiến rồi mà cấp trên không nghe nên các thầy cô chịu khó làm.
Khi Ban giám hiệu đã nói vậy thì tất nhiên là giáo viên phải làm theo hướng dẫn vì không làm theo yêu cầu thì không được tổ trưởng chuyên môn và Ban giám hiệu duyệt hồ sơ mà giáo viên thì bắt buộc phải thực hiện hồ sơ sổ sách theo kế hoạch của nhà trường.
Nhà trường thì làm theo hướng dẫn của Phòng, Sở và chỉ mới đầu năm học nhưng nhiều trường học đã được đón đoàn thanh tra của cấp trên về kiểm tra hồ sơ sổ sách đầu năm của nhà trường.
Không chỉ bất cập trong Kế hoạch giáo dục của giáo viên mà sổ chủ nhiệm lớp cũng được yêu cầu vô vàn những đề mục không cần thiết. Chỉ riêng tên học sinh trong lớp cũng đã phải ghi đi, ghi lại nhiều lần.
Sẽ khó đổi mới khi lãnh đạo vẫn nặng nề sổ sách hành chính
Thực ra, ở thời đại bây giờ việc quản lý hồ sơ sổ sách đối với giáo viên không cần thiết phải máy móc làm gì bởi họ đơn thuần chỉ là những giáo viên dạy lớp thì chất lượng dạy học mới là quan trọng nhất.
Chẳng hạn khi đi họp tổ chuyên môn, họp hội đồng sư phạm hay chi bộ nhà trường thì mỗi giáo viên được phát một tờ giấy về nội dung của cuộc họp.
Giáo viên xem nội dung đó và nếu họ thấy có thêm nội dung nào quan trọng thì ghi thêm vào sổ họp hoặc viết chen vào tờ giấy nội dung ấy để thực hiện nhiệm vụ và họ lưu vào hồ sơ lưu là được.
Nhưng, nhiều trường học bắt buộc giáo viên phải ghi chép nội dung này vào sổ hội họp và nếu khi kiểm tra không có sẽ bị phê bình.
Khi đi dự giờ rút kinh nghiệm với nhau, giáo viên ghi giống hệt học sinh, giáo viên dạy chép trên bảng sao thì giáo viên dự giờ ghi như vậy.
Trong khi, chuyên môn họ đã có thì chỉ cần ghi những cái nào họ thấy cần thiết là được.
Chẳng hạn, chỗ nào thấy giáo viên dạy chưa ổn, chỗ nào thấy giáo viên dạy hay, chỗ nào thấy giáo viên dạy có những hoạt động, ngôn phong chưa phù hợp, chỗ nào thấy học sinh còn lúng túng thì người giáo viên dự giờ chỉ cần ghi chép và khi rút kinh nghiệm họ sẽ góp ý cho nhau.
Nhưng, nhiều trường học yêu cầu giáo viên phải nộp sổ dự giờ để kiểm tra, quy định số tiết một cách rất máy móc. Trong khi, hướng dẫn dự giờ hiện nay đã rất khác trước nhưng giáo viên vẫn tỉ mẩn ghi chép như những học trò ngồi học.
Cấp trên nói giao quyền tự chủ cho các nhà trường, trường nói giao tự chủ cho giáo viên nhưng hồ sơ số sách thì lại bắt làm một mẫu giống nhau. Nội dung kế hoạch, hồ sơ lại hướng dẫn các trường làm như nhau.
Trong khi thực tế mỗi trường, mỗi tổ chuyên môn đều có những đặc điểm, tình hình khác nhau.
Rất khó để giáo viên tập trung vào chuyên môn của mình bởi đầu năm học thì giáo viên nào cũng tất bật làm vô vàn những loại kế hoạch, ghi chép vô vàn những thông tin học sinh và tất nhiên mất rất nhiều thời gian.
Trong khi, website thì gần như các trường đều có, điểm điện tử thì cũng vậy. Thế mà giáo viên cứ phải chép, copy, dán từ kế hoạch này sang kế hoạch khác mà đáng ra có chỗ này rồi thì chỗ khác giảm tải cho giáo viên.
Nhưng, khi làm kế hoạch nộp lên trên thì ai có đủ can đảm đọc hết nội dung mà giáo viên làm?
Có những kế hoạch lên đến hàng trăm trang như chúng tôi đã trình bày ở phần trên thì làm chủ yếu là để đối phó với cấp trên thôi bởi có những trường lên đến trên dưới 100 giáo viên thì một ông phó hiệu trưởng phải đọc hàng tháng chưa hết.
Vậy mà những bất cập này vẫn đang tồn tại ở nhiều trường học, nhiều địa phương!